Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
![]() |
Ông Nguyễn Hoàng Long, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y tế. Ảnh: Chinhphu.vn |
Phóng viên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ (PV): Tại Quyết định số 14/2012/QĐ-TTg ngày 1/3/2012 có bổ sung thêm 2 nhóm đối tượng được hưởng chế độ hỗ trợ khám, chữa bệnh cho người nghèo. Xin ông cho biết lý do bổ sung 2 nhóm đối tượng này?
Ông Nguyễn Hoàng Long, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y tế: Theo quy định mới tại Quyết định số 14/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhóm đối tượng thuộc diện được hưởng trợ cấp hàng tháng thực hiện theo quy định tại Nghị định 67/2007/NĐ-CP và Nghị định 13/2010/NĐ-CP, bao gồm: Trẻ em mồ côi, không người nuôi dưỡng; người cao tuổi cô đơn, thuộc hộ gia đình nghèo; người từ 85 tuổi trở lên không có lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội; người tàn tật nặng; người nhiễm HIV/AIDS không còn khả năng lao động, thuộc hộ gia đình nghèo... Đồng thời, người đang được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước là những người có điều kiện kinh tế rất khó khăn, cuộc sống không ổn định, khi đau ốm, phải nằm viện thì càng gặp nhiều khó khăn hơn.
Việc đưa các đối tượng này vào nhóm thụ hưởng chế độ hỗ trợ là rất cần thiết, giúp người bệnh giảm bớt chi phí cho việc khám, chữa bệnh.
Đối với một số bệnh nặng, chi phí cao như phải chạy thận nhân tạo, mổ tim, mắc ung thư và một số bệnh hiểm nghèo khác, chi phí điều trị thường rất lớn, thời gian điều trị kéo dài. Nhiều gia đình trở thành nghèo đói, bần cùng, khánh kiệt tài sản vì mắc bệnh nặng, chi phí cao. Vì vậy, việc hỗ trợ một phần chi phí cho các bệnh nhân này là rất cần thiết, giúp người bệnh bớt khó khăn, vượt qua bệnh tật và nghèo đói.
PV: Với việc bổ sung 2 nhóm này thì số lượng đối tượng hưởng lợi từ Quỹ khám, chữa bệnh cho người nghèo sẽ tăng lên là bao nhiêu, thưa ông?
Ông Nguyễn Hoàng Long: Theo số liệu của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, thì hiện cả nước có khoảng 1.760.000 người thuộc diện được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định của pháp luật và có 42.000 người đang được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước. Như vậy số đối tượng trợ cấp xã hội được hưởng lợi từ Quỹ khám, chữa bệnh cho người nghèo là vào khoảng 1,8 triệu người.
Với các bệnh hiểm nghèo, theo ước tính hàng năm có khoảng 8.000 ca phẫu thuật tim hở, 15.000 bệnh nhân can thiệp mạch kín, 200.000 bệnh nhân ung thư mới và khoảng 150.000 bệnh nhân phải chạy thận nhân tạo. Tổng cộng các nhóm bệnh này là khoảng gần 400.000 người, chưa kể các bệnh hiểm nghèo khác. Hầu hết những bệnh nhân này đều rất khó khăn, cần được hỗ trợ.
Như vậy, tổng số đối tượng bổ sung của 2 nhóm này là khoảng trên 2 triệu người.
PV: Ngoài việc bổ sung 2 nhóm đối tượng kể trên, có thay đổi nào nữa về đối tượng được hỗ trợ về khám, chữa bệnh cho người nghèo không, thưa ông?
Ngoài việc bổ sung thêm 2 nhóm đối tượng, quy định mới còn bỏ bớt một số đối tượng.
Quyết định số 139/2002/QĐ-TTg quy định một nhóm đối tượng được hỗ trợ là nhân dân các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 135/1998/QĐ-TTg; nhân dân các dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên theo Quyết định số 168/2001/QĐ-TTg và nhân dân các dân tộc thiểu số tại 6 tỉnh đặc biệt khó khăn của miền núi phía Bắc theo Quyết định số 186/2001/QĐ-TTg.
Qua triển khai, việc lựa chọn các nhóm đối tượng này bộc lộ một số bất cập. Tất cả người dân sống ở các xã theo Quyết định 135/1998/QĐ-TTg đều được hưởng chế độ hỗ trợ, kể cả người không nghèo (chiếm một tỷ lệ khá cao) ở các xã này.
Bên cạnh đó, Quyết định 139/2002/QĐ-TTg chỉ hỗ trợ cho vùng Tây Nguyên và miền núi phía Bắc khó khăn; trong khi đồng bào dân tộc thiểu số ở các địa phương khó khăn khác trong cả nước lại chưa được hưởng.
Vì vậy, Quyết định 14/2012/QĐ-TTg đã điều chỉnh lại nhóm đối tượng này, đó là tập trung hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số sống ở các xã khó khăn trên cả nước theo Quyết định 30/2007/QĐ-TTg, chứ không chỉ có vùng Tây Nguyên và vùng miền núi phía Bắc khó khăn. Người Kinh sống ở các xã này, nếu thuộc diện nghèo, thì cũng là đối tượng được thụ hưởng (theo nhóm 1 nêu trên).
Như vậy, Quyết định 14/2012/QĐ-TTg đã điều chỉnh một số nhóm đối tượng, có bổ sung, có loại bớt để nguồn kinh phí bao cấp của Nhà nước đến đúng những người khó khăn, cần hỗ trợ.
![]() |
Thêm hơn 2 triệu người được hưởng chế độ hỗ trợ khám, chữa bệnh cho người nghèo - Ảnh: Chinhphu.vn |
Ông Nguyễn Hoàng Long: Quỹ khám, chữa bệnh cho người nghèo được các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập từ năm 2002-2003 theo Quyết định số 139/2002/QĐ-TTg. Ban đầu, Quỹ được phân bổ kinh phí để hỗ trợ các đối tượng thụ hưởng thông qua phương thức thực thanh, thực chi.
Tuy nhiên, sau khi có quy định người nghèo được hỗ trợ thông qua bảo hiểm y tế (BHYT) thì hoạt động của Quỹ này ở nhiều địa phương không còn nhiều (mặc dù theo Quyết định 139 thì ngoài việc hỗ trợ mua thẻ BHYT thì Quỹ này còn có thể sử dụng để hỗ trợ các trường hợp bệnh nặng, khó khăn đột xuất...).
Nay, để triển khai Quyết định 14/2012/QĐ-TTg, các địa phương cần lập dự toán theo quy định để phân bổ kinh phí vào Quỹ và thực hiện các chế độ hỗ trợ theo Quyết định mới này.
PV: Tại Quyết định 139/2002/QĐ-TTg quy định UBND cấp tỉnh thành lập Quỹ khám, chữa bệnh cho người nghèo với định mức tối thiểu 70.000 đồng/người/năm. Còn tại Quyết định mới ban hành lại không đề cập đến định mức tối thiểu này. Vậy ông có thể giải thích cụ thể sắp tới nguồn tài chính Quỹ khám, chữa bệnh cho người nghèo được đảm bảo như thế nào?
Ông Nguyễn Hoàng Long: Khi xây dựng nội dung Quyết định 139/2002/QĐ-TTg thì việc tính toán mức hỗ trợ là dựa trên mệnh giá để mua thẻ BHYT vào thời gian đó (năm 2002) để Ban Quản lý Quỹ tổ chức mua thẻ BHYT với mệnh giá 50.000 đồng/người/năm tại cơ quan BHYT và được bố trí bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước cấp. Phần còn lại của Quỹ (20.000 đồng) là từ nguồn huy động từ cộng đồng trong và ngoài nước.
Quyết định14/2012/QĐ-TTg chủ yếu hỗ trợ các đối tượng theo phương thức thực thanh, thực chi. Ngân sách nhà nước hỗ trợ thực hiện các chế độ quy định tại khoản 1, 2 và 3 Điều 4 Quyết định số 139/2002/QĐ-TTg theo phân cấp quản lý ngân sách nhà nước hiện hành (gồm hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại và hỗ trợ đồng chi trả BHYT). Ngoài NSNN cấp, Quỹ cần huy động thêm sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài và các nguồn tài chính hợp pháp khác.
UBND cấp tỉnh quy định cụ thể về trình tự, thủ tục và mức hỗ trợ phù hợp với khả năng cân đối ngân sách của Quỹ khám, chữa bệnh cho người nghèo tại địa phương.
Hoàng Diên – Kim Huệ thực hiện
Tin liên quan:
4 đối tượng được hưởng hỗ trợ khám, chữa bệnh cho người nghèo