Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo đó, trong ngày đầu tiên vận hành thí điểm, đã có 101 trẻ em được cấp bản điện tử giấy khai sinh; 17 trường hợp được cấp trích lục khai tử trên địa bàn 2 tỉnh, thành phố.
Theo Bộ Tư pháp, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 05/CT-TTg về đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương.
Bộ Tư pháp đã nghiên cứu giải pháp kỹ thuật, chỉnh lý, bổ sung chức năng tạo lập bản điện tử giấy khai sinh, trích lục khai tử khi thực hiện việc đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử (mới) cho Phần mềm dịch vụ công liên thông với 2 nhóm thủ tục: Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi; đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng, hỗ trợ chi phí mai táng để triển khai thí điểm.
Việc thí điểm sẽ diễn ra tại các cơ quan đăng ký hộ tịch trên địa bàn Hà Nội và tỉnh Hà Nam từ ngày 17/4 đến hết ngày 20/5.
Bộ Tư pháp đề nghị UBND TP. Hà Nội và tỉnh Hà Nam giao Sở Tư pháp làm đầu mối triển khai thí điểm tại địa phương, bám sát tình hình và thường xuyên có báo cáo kết quả. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan đăng ký hộ tịch trên địa bàn thực hiện theo đúng hướng dẫn về quy trình thực hiện.
Đối với các vấn đề cụ thể liên quan đến công tác quản lý nhà nước, chỉ đạo, điều hành của Bộ Tư pháp, lãnh đạo các Cục, vụ chuyên môn đã thẳng thắn trả lời các câu hỏi của đại diện các cơ quan truyền thông quan tâm.
Liên quan đến ông Hàn Đức Long, cựu tử tù ở huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang bị ngồi tù oan 11 năm do 4 lần bị tuyên án tử hình, có đòi bồi thường oan sai đã kéo dài nhiều năm nay nhưng vẫn chưa được nhận bồi thường, ông Trần Việt Hưng, Phó Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước cho biết, đến nay Tòa án cấp cao tại Hà Nội đã thụ lý đơn yêu cầu bồi thường của ông Hàn Đức Long theo quy định của pháp luật về bồi thường oan sai trong thi hành công vụ.
Ông Hưng cho biết thêm, Cục Bồi thường Nhà nước có vai trò hỗ trợ người dân bị oan sai, ông Long có đề nghị hỗ trợ gì thì Cục sẽ hướng dẫn, hỗ trợ người dân tiến hành theo quy định. Hiện nay, có 88 vụ việc thực hiện hỗ trợ bồi thường cho người bị oan sai, Cục đã hướng dẫn người dân bị oan sai thực hiện quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Về vụ việc cựu nữ tiếp viên hàng không Nguyễn Thị Bích Hường tại TPHCM chậm được bồi thường 1,5 tỷ đồng theo bản án của Tòa án, ông Nguyễn Thắng Lợi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS) cho biết, qua rà soát, Tổng cục chưa nhận được đơn thư của đương sự. Tuy nhiên, với các thông tin do các cơ quan báo chí cung cấp, Tổng cục sẽ chỉ đạo Cục THADS TPHCM và Chi cục THADS quận Gò Vấp khẩn trương xác minh, thi hành án, bảo đảm quyền lợi cho người dân.
Trả lời tại cuộc họp báo về tình trạng ùn ứ, chậm trễ khi nhiều người dân đến xin cấp Phiếu lý lịch tư pháp tại Sở Tư pháp TP. Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia Hoàng Quốc Hùng cho biết, vướng mắc là ở đầu tiếp nhận hồ sơ của Sở Tư pháp TP. Hà Nội.
Cán bộ Trung tâm đã trực tiếp xuống Sở Tư pháp TP. Hà Nội xếp hàng theo số thứ tự để cấp Phiếu lý lịch tư pháp và thấy rằng, phản ánh của báo chí và dư luận nhân dân là đúng. Việc nộp hồ sơ đầu vào rất khó khăn, có người 3 lần đến Sở Tư pháp TP. Hà Nội mà chưa nộp được hồ sơ đầu vào.
Đồng thời, đề nghị Sở Tư pháp TP. Hà Nội tập trung vào xử lý tiếp nhận đầu vào, mở thêm nhiều cửa tiếp nhận, đồng bộ nhận hồ sơ qua nhiều kênh khác nhau như bưu điện, trực tuyến, tổ chức làm thêm giờ để tiếp nhận hồ sơ, đến nay đã giải tỏa được vấn đề này.
"Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia luôn ưu tiên cho các thành phố lớn như Hà Nội để giảm áp lực, thông thường sau khi tiếp nhận hồ sơ do Sở Tư pháp chuyển lên, chúng tôi chỉ xử lý 5 ngày là cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho người dân", Giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia khẳng định.
Lê Sơn