Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Cục Quản lý lao động ngoài nước đã có hướng dẫn chi tiết việc đưa lao động đi làm việc tại Thái Lan.
Theo đó, tất cả các doanh nghiệp có giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đều có thể đưa lao động đi làm việc tại Thái Lan và đăng ký hợp đồng tại Cục Quản lý lao động ngoài nước theo quy định. Doanh nghiệp dịch vụ có thể ký hợp đồng đưa người lao động đi làm việc tại Thái Lan trực tiếp với chủ sử dụng lao động Thái Lan hoặc thông qua công ty môi giới lao động Thái Lan. Công ty môi giới lao động Thái Lan và chủ sử dụng lao động Thái Lan đều phải được cấp giấy phép tuyển dụng lao động nước ngoài.
Cục Quản lý lao động ngoài nước lưu ý thực hiện quy trình đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại Thái Lan theo 8 bước.
Người sử dụng lao động Thái Lan nộp đơn xin tuyển dụng lao động nước ngoài lên Văn phòng việc làm tỉnh tại Thái Lan (kèm theo các thông tin về số lượng lao động cần tuyển, yêu cầu đối với lao động, điều kiện làm việc, mức lương/thu nhập hàng tháng, hợp đồng lao động mẫu sẽ ký với người lao động Việt Nam). Sau khi được Văn phòng việc làm tỉnh tại Thái Lan cấp phép, các giấy tờ đó được chuyển trực tiếp cho cơ quan phái cử Việt Nam hoặc được chuyển gián tiếp thông qua công ty môi giới Thái Lan.
Cơ quan phái cử Việt Nam đăng ký hợp đồng tại Cục Quản lý lao động ngoài nước. Sau khi được Cục chấp thuận, cơ quan phái cử Việt Nam đăng tuyển thông tin tìm lao động. Sau khi có lao động, cơ quan phái cử Việt Nam gửi danh sách người lao động cho người sử dụng lao động Thái Lan hoặc công ty môi giới Thái Lan (kèm theo giấy chứng nhận khám sức khỏe, lý lịch tư pháp và hộ chiếu của người lao động).
Người sử dụng lao động Thái Lan lựa chọn lao động từ danh sách, ký trước hợp đồng lao động cho từng lao động và thông báo cho Cục Việc làm Thái Lan và cơ quan phái cử Việt Nam.
Cục Việc làm Thái Lan xác nhận và thông báo cho Cơ quan đại diện ngoại giao của Thái Lan tại Việt Nam để cấp visa, đồng thời cũng thông báo cho Cục Quản lý lao động ngoài nước.
Cơ quan phái cử Việt Nam tổ chức bồi dưỡng kiến thức cần thiết, hướng dẫn người lao động ký hợp đồng lao động, ký hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với người lao động. Đồng thời nộp tất cả tài liệu bao gồm cả danh sách lao động do Cục Quản lý lao động ngoài nước xác nhận để xin cấp visa ở Việt Nam.
Người sử dụng lao động Thái Lan chịu trách nhiệm đón người lao động tại sân bay, kiểm tra sức khỏe người lao động, xin giấy phép làm việc và đưa người lao động tham gia chương trình giáo dục định hướng 1 ngày do Cục Việc làm Thái Lan tổ chức.
Người sử dụng lao động Thái Lan và công ty môi giới Thái Lan chịu trách nhiệm quản lý người lao động, phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan và cơ quan phái cử Việt Nam giải quyết các vấn đề phát sinh đến người lao động.
Khi lao động hoàn thành hợp đồng lao động hoặc trong trường hợp về nước trước thời hạn hợp đồng lao động, người sử dụng lao động Thái Lan và công ty môi giới Thái Lan chịu trách nhiệm mua vé khứ hồi và/hoặc thu xếp việc hồi hương cho người lao động, cũng như thông báo cho cơ quan phái cử Việt Nam về việc tiếp nhận lao động và thanh lý hợp đồng với người lao động.
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, để đi làm việc tại Thái Lan, người lao động chịu các chi phí: Hộ chiếu, khám sức khỏe, lệ phí visa, bồi dưỡng kiến thức cần thiết, đóng góp quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước theo quy định,
Tiền dịch vụ cho doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng không quá 1 tháng lương cơ bản cho 1 năm hợp đồng.
Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng lưu ý, người lao động không phải trả tiền môi giới, khoản tiền này chủ sử dụng Thái Lan sẽ trả cho công ty môi giới Thái Lan. Vé máy bay cho người lao động từ Việt Nam sang Thái Lan khi bắt đầu hợp đồng và từ Thái Lan về khi hoàn thành hợp đồng sẽ do chủ sử dụng lao động chi trả.
Thu Cúc