Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Từ ngày 27/7/2014, bà Tuyết được nhận 500.000 đồng và thẻ BHYT, ngoài ra bà không được hưởng chế độ, chính sách nào khác.
Theo trả lời của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Đồng Hới vì khi bố bà được công nhận liệt sĩ, bà đã quá 18 tuổi, nên không được hưởng chính sách nào khác ngoài những chính sách trên. Tuy nhiên, thời điểm bố bà hy sinh, bà vẫn chưa tròn 3 tháng. Vậy, trường hợp của bà có được hưởng chính sách nào khác không?
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời bà Tuyết như sau:
Theo quy định tại Khoản 2, Điều 20 Nghị định 28/CP ngày 29/4/1995 của Chính phủ: Vợ (hoặc chồng), cha mẹ đẻ, người có công nuôi liệt sĩ khi đến tuổi 55 đối với nam, 50 đối với nữ hoặc chưa đến tuổi đó nhưng mất sức lao động từ 61% trở lên; con liệt sĩ từ 16 tuổi trở xuống; con liệt sĩ trên 16 tuổi nếu còn tiếp tục học phổ thông, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng đại học, bị tật nguyền bẩm sinh, bị tàn tật từ nhỏ được hưởng tiền tuất hàng tháng mức 72.000 đồng/người.
Thông tư số 18/LĐTBXH-TT ngày 1/8/1995 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số chế độ trợ cấp, phụ cấp đối với người có công với cách mạng đã quy định về thời điểm hưởng: “Thân nhân của liệt sĩ đủ điều kiện hưởng tiền tuất hàng tháng hoặc trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng đều thống nhất tính từ ngày 1/1/1995 trở về sau”.
Do đó, khi Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng “Tổ quốc ghi công” cho liệt sĩ Võ Quang Lộc (bố đẻ bà Tuyết), kể từ ngày 1/1/1995 nếu bà đã từ 16 tuổi trở lên mà không tiếp tục đi học (phổ thông, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng đại học) thì không thuộc diện được hưởng chế độ trợ cấp tiền tuất hàng tháng theo quy định nêu trên.
Theo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ nếu chưa được có thẻ BHYT thì được Nhà nước mua BHYT, được ưu đãi theo Điều 14 Pháp lệnh, trường hợp thân nhân đồng thời là người thờ cúng liệt sĩ được hưởng trợ cấp thờ cúng mỗi năm một lần, mức trợ cấp 500.000 đồng.