Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Đến tháng 12/2018, ông Tuấn đã giữ chức vụ Phó Chánh Thanh tra Sở Xây dựng được 8 năm 4 tháng.
Ông Tuấn hỏi, vậy ông có phải là đối tượng được hưởng phụ cấp thâm niên nghề (đối tượng là Phó Chánh Thanh tra cơ quan thanh tra Nhà nước) theo quy định tại Khoản 4, Điều 1 Thông tư liên tịch số 04/2009/TTLT-BNV-BTC ngày 24/12/2009 không?
Về vấn đề này, Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội trả lời như sau:
Theo Khoản 2, Điều 23 Luật Thanh tra năm 2010 và quy định chi tiết tại Khoản 1 Điều 15 Nghị định số 86/2011/NĐ-CP ngày 22/9/2011 của Chính phủ thì, cơ cấu tổ chức của Thanh tra sở có Chánh Thanh tra, các Phó Chánh Thanh tra, các Thanh tra viên và công chức khác.
Chánh Thanh tra sở do Giám đốc sở bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức sau khi thống nhất với Chánh Thanh tra tỉnh.
Phó Chánh Thanh tra sở do Giám đốc Sở bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo đề nghị của Chánh Thanh tra sở. Phó Chánh Thanh tra sở giúp Chánh Thanh tra sở phụ trách một hoặc một số lĩnh vực công tác và chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Chánh Thanh tra sở trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao.
Chế độ phụ cấp nghề thâm niên nghề thanh tra
Ngày 24/12/2009, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch số 04/2009/TTLT-BNV-BTC hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên nghề đối với cán bộ, công chức đã được xếp lương theo các ngạch hoặc chức danh chuyên ngành tòa án, kiểm sát, kiểm toán, thanh tra, thi hành án dân sự và kiểm lâm.
Theo Khoản 4, Điều 1 Thông tư liên tịch số 04/2009/TTLT-BNV-BTC, chế độ phụ cấp thâm niên nghề quy định tại Thông tư này áp dụng đối với cán bộ, công chức trong biên chế xếp lương theo các ngạch hoặc các chức danh chuyên ngành tòa án, kiểm sát, kiểm toán, thanh tra, thi hành án dân sự và kiểm lâm, trong đó gồm: Tổng Thanh tra và Phó Tổng Thanh tra, Chánh Thanh tra và Phó Chánh Thanh tra các cơ quan Thanh tra nhà nước, Thanh tra viên (Thanh tra viên cao cấp, Thanh tra viên chính, Thanh tra viên).
Mức phụ cấp thâm niên
Tại Điều 2 Thông tư nêu trên quy định, cán bộ, công chức quy định tại Điều 1 Thông tư này có thời gian làm việc được tính hưởng phụ cấp theo quy định tại Khoản 1, Điều 3 Thông tư này đủ 5 năm (60 tháng) thì được hưởng phụ cấp thâm niên nghề bằng 5% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có); từ năm thứ sáu trở đi mỗi năm (đủ 12 tháng) được tính thêm 1%.
Thời gian làm việc tính hưởng phụ cấp
Theo Điểm a, Khoản 1, Điều 3 Thông tư số 04/2009/TTLT-BNV-BTC hướng dẫn thời gian làm việc được xếp lương theo một trong các ngạch hoặc chức danh của các chuyên ngành hải quan, tòa án, kiểm sát, kiểm toán, thanh tra, thi hành án dân sự, kiểm lâm, kiểm tra Đảng được tính hưởng phụ cấp thâm niên nghề (nếu có thời gian gián đoạn mà thời gian làm việc được tính hưởng phụ cấp thâm niên nghề chưa hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần thì được cộng dồn).
Pháp luật về tiền lương hiện nay quy định xếp lương đối với công chức ngành thanh tra có đủ điều kiện, tiêu chuẩn nghiệp vụ theo các ngạch Thanh tra viên. Đối với ngạch thanh tra viên cao cấp áp dụng thang lương công chức loại A3, nhóm 1 (A3.1); đối với ngạch thanh tra viên chính áp dụng thang lương công chức loại A2, nhóm 1 (A2.1); đối với ngạch thanh tra viên áp dụng thang lương công chức loại A1 theo Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước (Bảng 2) ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ.
Trường hợp công chức được bổ nhiệm chức vụ Chánh Thanh tra sở, Phó Chánh Thanh tra sở được hưởng phụ cấp chức vụ quy định tại Mục 11.3 Thanh tra sở, ngành thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Bảng phụ cấp chức vụ lãnh đạo (bầu cử, bổ nhiệm) trong các cơ quan Nhà nước ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP.
Không thấy có quy định xếp lương đối với công chức giữ chức vụ, chức danh trong ngành thanh tra theo Bảng lương chức vụ, chức danh.
Có thể hiểu quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 3 Thông tư số 04/2009/TTLT-BNV-BTC như sau: Công chức làm việc trong cơ quan thanh tra (gồm cả ngưởi giữ chức vụ Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra) có thời gian làm việc được xếp lương theo các ngạch thanh tra viên thì được tính là thời gian làm việc tính hưởng phụ cấp thâm niên nghề. Thời gian giữ chức vụ Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra mà xếp lương theo các ngạch công chức khác, không phải là các ngạch thanh tra viên, thì thời gian đó không được tính hưởng phụ cấp thâm niên nghề.
Trường hợp ông Mai Văn Tuấn được Giám đốc Sở Xây dựng Thanh Hóa bổ nhiệm chức vụ Phó Chánh thanh tra Sở Xây dựng và hưởng phụ cấp chức vụ Phó Chánh Thanh tra Sở từ ngày 4/8/2010. Thực hiện quy định tại Điều 12 Nghị định số 97/2011/NĐ-CP về thủ tục chuyển ngạch, bổ nhiệm các ngạch thanh tra viên cho công chức đang công tác trong cơ quan thanh tra, có đủ điều kiện, tiêu chuẩn nghiệp vụ; ngày 1/9/2015 Chủ tịch UBND tỉnh đã xét chuyển ngạch từ ngạch tương đương, bổ nhiệm ông Tuấn vào ngạch Thanh tra viên. Ngày 25/5/2016, ông Tuấn được bổ nhiệm lại chức vụ Phó Chánh Thanh tra sở.
Cho đến thời điểm tháng 12/2018, ông Tuấn đã giữ chức vụ Phó Chánh Thanh tra Sở Xây dựng được 8 năm 4 tháng, trong đó có 5 năm 1 tháng được xếp lương ngạch khác tương đương với ngạch thanh tra viên và 3 năm 3 tháng được xếp lương theo ngạch thanh tra viên.
Theo Điểm a, Khoản 1, Điều 3 Thông tư số 04/2009/TTLT-BNV-BTC, thời gian làm việc được xếp lương theo một trong các ngạch chuyên ngành thanh tra được tính hưởng phụ cấp thâm niên nghề, thì tính từ ngày được bổ nhiệm, xếp lương theo ngạch thanh tra viên (1/9/2015), đến ngày 1/9/2020 ông Tuấn mới đủ thời gian 5 năm để hưởng mức phụ cấp thâm niên nghề 5% theo quy định tại Điều 2 Thông tư này.
Để bảo đảm quyền lợi cho công chức có thời gian giữ chức vụ trong ngành thanh tra nhưng được xếp lương ngạch khác tương đương, chưa bổ nhiệm và xếp lương theo các ngạch thanh tra viên, luật sư cho rằng, đối với toàn bộ thời gian 8 năm 4 tháng ông Tuấn giữ chức vụ Phó Chánh Thanh tra Sở, trong đó có 5 năm 1 tháng xếp lương ngạch tương đương với ngạch thanh tra viên và 3 năm 3 tháng xếp lương theo ngạch thanh tra viên, cần được xem xét coi là thời gian làm việc tính hưởng phụ cấp thâm niên nghề.
Luật sư Trần Văn Toàn
VPLS Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội