Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo ông Nguyễn Thắng Lợi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS, trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn hệ thống THADS đã khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu, đề ra nhiều giải pháp linh hoạt để tổ chức thi hành án đạt kết quả cao hơn so với cùng kỳ.
Cụ thể, đã thi hành xong 234.069 việc, tăng 32.054 việc (tăng 15,87%); đạt tỉ lệ 54,02% (tăng 4,82%). Về tiền, thi hành xong 52.241 tỷ 451 triệu 772 nghìn đồng, tăng 17.057 tỷ 878 triệu 850 nghìn đồng (tăng 48,48%); đạt tỉ lệ 26,47% (tăng 4,46%).
Về thi hành án tín dụng ngân hàng đạt 1.960 việc, tương ứng số tiền hơn 10.011 tỷ đồng.
Riêng công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế: Về việc, thi hành xong 900 việc, tăng 185 việc (tăng 25,87%); đạt tỉ lệ 36,00% (tăng 1,39%. Về tiền, thi hành xong 18.531 tỷ 578 triệu 675 nghìn đồng, tăng 9.481 tỷ 359 triệu 280 nghìn đồng (tăng 104,76%); đạt tỉ lệ 33,37% (tăng 12,18%).
Kết quả thi hành các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, đã tổ chức thi hành xong 45 vụ việc, tương đương với số tiền hơn 73 nghìn tỷ đồng.
Các mặt công tác của hệ thống THADS cơ bản vẫn được triển khai kịp thời, đảm bảo tiến độ theo kế hoạch. Các Cục THADS địa phương cũng không ngừng nỗ lực, cố gắng để đạt được kết quả cao.
Phát biểu trao đổi tại Hội nghị, Cục trưởng Cục THADS TPHCM Nguyễn Văn Hòa cho biết 6 tháng đầu năm 2023 toàn thành phố đã thi hành vượt chỉ tiêu được giao, trong đó về việc đạt 48,65%, về tiền đạt 39,53%.
Tuy nhiên, ông Hòa bày tỏ trăn trở và lo lắng về chất lượng phân loại án, tổ chức thi hành án, tình trạng nhiều công chức THADS xin chuyển công tác do áp lực lớn, khối lượng công việc nhiều, cán bộ ít và đề nghị có cơ chế, chính sách để tăng thêm cán bộ THADS cho TPHCM bởi đây là địa phương có số lượng án phải thi hành lớn nhất cả nước, mỗi chấp hành viên phải đảm đương số lượng án gấp nhiều lần so với các địa phương khác.
Là địa phương có số lượng án lớn thứ 2 cả nước, để hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, Cục THADS TP. Hà Nội đã chỉ đạo các Chi cục trực thuộc xây dựng kế hoạch thực hiện các Chỉ thị của Thành ủy Hà Nội trong công tác THADS, hành chính; kịp thời báo cáo kết quả với Thường trực Thành ủy, Quận ủy, Ban Chỉ đạo THADS các cấp để kịp thời có chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Đặc biệt, 6 tháng đầu năm 2023, 30 Chi cục THADS đã ký quy chế phối hợp với VKSND cùng cấp để tăng cường công tác phối hợp.
Thời gian tới, Cục sẽ tiếp tục chú trọng công tác chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính; thành lập 3 đoàn kiểm tra đôn đốc các Chi cục; giao 100% các Chi cục rà soát án tồn trên 1 năm để tập trung xử lý dứt điểm.
Về công tác Thi hành án hành chính, Vụ trưởng Vụ nghiệp vụ 3 (Tổng cục THADS) Hoàng Thế Anh cho rằng, lãnh đạo các Cục THADS trong cả nước cần nâng cao nhận thức, quán triệt sâu sắc việc thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến quản lý nhà nước về Thi hành án hành chính, theo dõi Thi hành án hành chính và chấp hành pháp luật về Thi hành án hành chính.
Từ đó, xác định nhiệm vụ trọng tâm, thay đổi cách làm cho phù hợp với tình hình mới, giúp Bộ Tư pháp thực hiện hiệu quả nhiệm vụ theo dõi Thi hành án hành chính, quản lý nhà nước về Thi hành án hành chính, đôn đốc và kiểm tra việc chấp hành pháp luật về Thi hành án hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh trong cả nước.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi biểu dương và đánh giá cao nỗ lực, cố gắng của toàn Hệ thống THADS trong cả nước đã nghiêm túc triển khai có hiệu quả công tác THADS trong 6 tháng qua trong bối cảnh số thụ lý mới tăng (về việc tăng 25%, về tiền tăng 40%) nhưng các chỉ tiêu thực hiện đều tăng so với cùng kỳ năm 2022, nhất là đối với việc thu hồi bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
Thứ trưởng Mai Lương Khôi ghi nhận công tác chỉ đạo, điều hành đã được quan tâm và tăng cường theo hướng quyết liệt hơn, sâu sát hơn, hiệu quả hơn; nhiều giải pháp được triển khai như tăng cường kiểm tra, tự kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm vi phạm; cả hệ thống đã ban hành Kế hoạch phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Chấp hành viên ký cam kết; công tác phối hợp chủ động hơn, đặc biệt là công tác thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng kinh tế được quan tâm, triển khai quyết liệt…
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thứ trưởng Mai Lương Khôi cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong công tác THADS như án chuyển kỳ sau tăng; án tín dụng ngân hàng còn nhiều khó khăn; một số vụ việc kéo dài; việc ứng dụng công nghệ thông tin chưa đạt hiệu quả như mong muốn…
Dự báo tình hình trong thời gian tới tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, Thứ trưởng yêu cầu toàn hệ thống THADS tập trung quản lý chỉ đạo điều hành đảm bảo nền nếp, hiệu quả; kiểm tra công vụ một cách toàn diện; triển khai đầy đủ các chủ trương, nghị quyết, chương trình, kế hoạch của Trung ương và địa phương; kiểm soát tốt mọi mặt của cơ quan, đơn vị; tích cực phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực và kỷ luật, kỷ cương hành chính nhà nước.
Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, tự kiểm tra để kiểm soát tình hình thực hiện nhiệm vụ. Cấp trên thực hiện kiểm tra cấp dưới với nhiều hình thức khác nhau. Phối hợp với các cơ quan Kiểm sát thực hiện kiểm sát "từ sớm, từ xa" để thực hiện nhiệm vụ có hiệu quả cũng như kịp thời phát hiện các vi phạm, nếu có.
Các cơ quan THADS phải tập trung giảm lượng án chuyển kỳ sau, làm tốt công tác xác minh thi hành án, không để xảy ra tình trạng án có điều kiện nhưng chậm thi hành.
Về nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp quyết liệt trong 6 tháng cuối năm, Thứ trưởng Mai Lương Khôi yêu cầu toàn Hệ thống THADS phát huy kết quả đạt được của 6 tháng đầu năm; nỗ lực phấn đấu để hoàn thành các chỉ tiêu mà Quốc hội giao cho.
Muốn vậy, toàn Hệ thống phải tập trung kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn tổ chức THADS có hiệu quả, nhất là các vụ án tồn đọng, vụ việc có điều kiện thi hành nhưng chưa được dứt điểm, vụ việc bán đấu giá thành nhưng chưa được giao tài sản; đối với các vụ việc có giá trị lớn, vụ việc trọng điểm, phức tạp như các vụ liên quan đến thu hồi tài sản tham nhũng, án thuộc Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, án tín dụng ngân hàng thì cần thành lập Tổ công tác, xây dựng kế hoạch thực hiện để kịp thời kiểm tra, theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn, chỉ đạo thi hành có hiệu quả.
Thủ trưởng các cơ quan THADS phải phát huy hơn nữa vai trò người đứng đầu, tính chủ động, gương mẫu trong công tác; tiếp tục tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính; nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, nhất là các lĩnh vực hoặc công việc dễ xảy ra sai phạm; chấn chỉnh và khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế; thường xuyên thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, vi phạm; nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm, phẩm chất đạo đức của cán bộ, công chức; chủ động, kịp thời trong công tác tham mưu, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan THADS; đẩy mạnh việc hoàn thiện thể chế THADS; củng cố, tăng cường hơn nữa công tác phối hợp liên ngành từ Trung ương đến địa phương, bám sát sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trong tổ chức THADS; tổ chức truyền thông có hiệu quả về hoạt động THADS, tạo sự đồng thuận của nhân dân…
Lê Sơn