• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Thu hút chuyên gia, trí thức cho những ngành, lĩnh vực mới nổi

(Chinhphu.vn) - Trong những ngành lĩnh vực mới nổi như AI, bán dẫn, vấn đề lớn chính là nguồn nhân lực. Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là nếu đào tạo không kịp thì nguồn ở đâu ra? Do đó, cần có chính sách thu hút những chuyên gia, trí thức bao gồm cả người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài để nâng cao năng lực nội sinh về khoa học và công nghệ (KHCN) cho đất nước.

03/05/2024 15:55
Thu hút chuyên gia, trí thức cho những ngành, lĩnh vực mới nổi- Ảnh 1.

Bên cạnh việc đào tạo nhân lực ngành bán dẫn, cần tìm cách thu hút các chuyên gia nước ngoài, trí thức người Việt ở nước ngoài - Ảnh minh họa

Ưu đãi thuế thu nhập cá nhân để thu hút nhân tài 

Thời gian gần đây, Việt Nam đang nổi lên như một nhân tố đầy tiềm năng trong ngành bán dẫn với nhiều lợi thế. Dự báo của Bộ TT&TT cho thấy quy mô của ngành bán dẫn tại Việt Nam đến năm 2030 ước đạt 20-30 tỷ USD.

Việt Nam cũng đặt mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư ngành bán dẫn đến năm 2030. Điều này tương đương mỗi năm cả nước cần 10.000 người. Tuy nhiên, hiện nay, nguồn nhân lực trong nước chỉ đáp ứng được 20%. Bài toán về nhân lực đang đặt ra nhiều thách thức, nếu đào tạo không kịp thì nguồn ở đâu ra?

Các chuyên gia cho rằng, để giải bài toán này cần có chính sách thu hút những kỹ sư trong ngành bao gồm cả người nước ngoài, người Việt đang làm việc ở nước ngoài.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Cương Hoàng, Trưởng ban Công nghệ bán dẫn Tập đoàn Viettel, riêng kỹ sư vi mạch, Viettel hiện có khoảng 50 kỹ sư chất lượng cao. Với kỹ sư vi mạch, hàng năm Viettel đều tuyển dụng với mục tiêu mỗi năm tuyển 20 - 30 người, nhưng thực tế mỗi năm chỉ tuyển được hơn 10 người.

"Để có số lượng kỹ sư chất lượng cao này, chúng tôi phải trải qua nhiều năm tuyển dụng. Nhưng nhìn chung tuyển dụng là tương đối khó. Trong 10 hồ sơ thì chúng tôi chỉ tuyển được một. Nguyên nhân là vì đặc thù trong lĩnh vực này yêu cầu rất cao", ông Hoàng giải thích.

Trong 50 kỹ sư chất lượng cao của Viettel về vi mạch bán dẫn thì có 10 người là từ nước ngoài về (nhiều người từng làm ở các công ty lớn). Họ làm ở công đoạn đòi hỏi trình độ rất cao. Còn với những kỹ sư được tuyển dụng trong nước thì thường làm ở các công việc yêu cầu thấp hơn. Để các kỹ sư được đào tạo ở Việt Nam làm được điều này đòi hỏi một quá trình dài.

Vì vậy, theo ông Hoàng, cần có cơ chế chính sách đột phá như chính sách ưu đãi về thuế, các cơ chế về hỗ trợ học phí, các ưu đãi về đất đai để xây dựng các cơ sở nghiên cứu, sản xuất và đào tạo… Đặc biệt là chính sách ưu đãi thuế thu nhập cá nhân sẽ tạo ra đột phá để thu hút nhân tài và các chuyên gia nước ngoài về làm việc.

Ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM cũng cho rằng, trong ngành bán dẫn, vấn đề lớn chính là nguồn nhân lực. Do đó, cần có chính sách thu hút những kỹ sư trong ngành bao gồm cả người nước ngoài, người Việt đang làm việc ở nước ngoài trở về.

Theo ông Thi, cần miễn giảm thuế thu nhập cá nhân để thu hút nhân lực cấp cao vào trong nước (gồm chuyên gia người Việt và người nước ngoài). Đối với TPHCM, có thể miễn thuế thu nhập cá nhân 50-100% cho họ trong ít nhất 5 năm đầu...

Nhìn rộng hơn, không chỉ trong ngành bán dẫn, chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội, nền KH&CN của đất nước.

Theo ước tính của Bộ Ngoại giao, trong tổng số gần 6 triệu người Việt Nam ở nước ngoài hiện nay, số lượng người có trình độ đại học trở lên chiếm khoảng 10%, tương đương 600.000 người, gồm hai bộ phận là trí thức từ trong nước ra nước ngoài học tập, làm việc và trí thức là con em các thế hệ của người Việt ở sở tại.

Trong hầu hết các ngành, lĩnh vực mũi nhọn, khoa học hiện đại, từ lĩnh vực điện tử, sinh học, vật liệu mới, năng lượng mới, tin học đến hàng không, vũ trụ, hải dương…, đều có chuyên gia người Việt Nam tham gia nghiên cứu, làm việc.

Nhiều chuyên gia, trí thức Việt kiều đã và đang có những đóng góp rất thiết thực, từ việc chuyển giao kiến thức, tiến bộ khoa học kỹ thuật đến tham gia đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà khoa học… góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực KHCN của Việt Nam.

Thu hút chuyên gia, trí thức cho những ngành, lĩnh vực mới nổi- Ảnh 2.

Bà Phạm Thị Vân Anh, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ KH&CN) - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Thu hút các chuyên gia trong nước, quốc tế tham gia các đề tài nghiên cứu cụ thể

Đối với việc thu hút thu hút, trọng dụng chuyên gia nước ngoài, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tham gia hoạt động KHCN tại Việt Nam, bà Phạm Thị Vân Anh, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ KH&CN) cho biết, thời gian qua, Bộ KH&CN đã phối hợp với các cơ quan có liên quan trình Chính phủ ban hành theo thẩm quyền một số chính sách như: Nghị định 87/2014/NĐ-CP về thu hút cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam, Nghị định số 27/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2014/NĐ-CP ngày 12/5/2014 của Chính phủ quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ và Nghị định số 87/2014/NĐ-CP ngày 22/9/2014 của Chính phủ quy định về thu hút cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam...

Bên cạnh đó, Bộ KH&CN đã triển khai nhiều những đề án, hoạt động cụ thể, thông qua đó trí thức là người Việt Nam ở nước ngoài có thể tham gia vào các hoạt động KHCN đổi mới sáng tạo nước nhà như Đề án 844 "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025"…

Dù Bộ KH&CN rất nỗ lực, việc thu hút, tập hợp đội ngũ trí thức người Việt ở nước ngoài vẫn bị ràng buộc bởi các hệ thống pháp luật chung, khó có thể vượt qua. Những chính sách về tiền lương, thu nhập, ưu đãi, ghi nhận, tôn vinh với các trí thức người Việt ở nước ngoài còn khiêm tốn.

Hơn nữa, trên thực tế, số lượng trí thức người Việt Nam rất đông đảo, nhưng Việt Nam chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu để chủ động khai thác, phát huy lực lượng này.

Do đó, kết quả hoạt động thu hút, tập hợp đội ngũ trí thức người Việt ở nước ngoài còn chưa tương xứng với tiềm năng. Hoạt động có sự tham gia của trí thức người Việt ở nước ngoài chủ yếu là các hội thảo, dự án ngắn ngày. Số lượng người về nước làm việc lâu dài, số lượng công trình đề tài nghiên cứu, phát minh, các kết quả có tầm ảnh hưởng thay đổi căn bản ngành, lĩnh vực còn hạn chế.

Nhằm cải thiện tình trạng này, năm 2023, Bộ KH&CN đã ban hành 2 thông tư, đó là Thông tư 05 quy định chi tiết một số nội dung về thu hút, sử dụng và trọng dụng cá nhân hoạt động KH&CN và Thông tư 07 quy định việc thuê đảm nhiệm chức danh lãnh đạo tổ chức KHCN công lập đối với người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động KHCN tại Việt Nam.

Đặc biệt, Thông tư 07 là nội dung hoàn toàn mới. Nếu như trước đây các cá nhân hoạt động KHCN là người Việt Nam ở nước ngoài, chuyên gia nước ngoài tham gia KHCN tại Việt Nam trong nước sẽ bị một số ràng buộc khó khăn về mặt điều kiện, tiêu chuẩn, nhưng với Thông tư này cho phép thực hiện cơ chế thuê người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài đảm nhiệm chức danh lãnh đạo.

Bà Vân Anh cho biết, trong thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ tiếp tục nghiên cứu, đánh giá việc thực hiện chính sách thu hút chuyên gia nước ngoài, trí thức người Việt ở nước ngoài tham gia KHCN tại Việt Nam để đề nghị các cấp có thẩm quyền hoàn thiện, cải thiện chính sách.

"Ngay cả việc sửa đổi Luật KH&CN tới đây cũng sẽ đề cập đến chính sách đối với nhân lực KHCN, làm thế nào để đẩy mạnh thu hút hơn nữa. Để thu hút được nhân tài về nước, cần có những dự án, nhiệm vụ hợp tác nghiên cứu cụ thể, để khai thác và phát huy một cách cụ thể, tránh việc thu hút chung chung", bà Vân Anh cho hay.

Theo bà Vân Anh, vừa qua, Ban cán sự Đảng Bộ KH&CN và Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã ký kết Chương trình phối hợp nhằm triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.

Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội không chỉ là cơ hội cho TPHCM, mà còn cho ngành KH&CN trong việc thử nghiệm các chính sách, mang tính đặc thù, vượt trội. Trong đó có chính sách về nhân lực KHCN, thu hút, trọng dụng người tài thông qua ưu đãi về tiền lương, tiền công, chế độ phúc lợi và chính sách ưu đãi khác đối với các chức danh lãnh đạo trong tổ chức KH&CN công lập; ưu đãi về thù lao thực hiện nhiệm vụ KH&CN…

Từ đó, Bộ KH&CN sẽ đánh giá hiệu quả, tác động và báo cáo Chính phủ xem xét, cho phép nhân rộng mô hình ra cả nước, nhằm góp phần chiêu mộ nhân tài, chuyên gia, trí thức kiều bào về làm việc lâu dài, góp phần nâng cao năng lực nội sinh về KHCN của đất nước nói chung, những ngành lĩnh vực mới nổi nói riêng.

Hoàng Giang