Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Đấu nối đường nhánh vào quốc lộ trong phạm vi đô thị thực hiện theo quy hoạch đô thị đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt |
Theo phản ánh của ông Nguyễn Hải Nhân (Ninh Bình), để đấu nối đường nhánh vào quốc lộ theo Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT ngày 23/9/2016 của Bộ Giao thông vận tải thì phải đảm bảo 3 thủ tục: Phải trong quy hoạch điểm đấu được duyệt (thỏa thuận của Bộ Giao thông vận tải); chấp thuận thiết kế kỹ thuật (theo thẩm quyền thì là của Bộ Giao thông vận tải) và cấp phép thi công nút giao của cấp có thẩm quyền.
Khoản 3 Điều 20 Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT có quy định: “Đấu nối đường nhánh vào quốc lộ trong phạm vi đô thị thực hiện theo quy hoạch đô thị đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt” và ông Nhân hiểu nội dung này là: không phải thực hiện thủ tục “phải trong quy hoạch điểm đấu nối” và “chấp thuận thiết kế, phương án tổ chức thi công nút giao” mà trước khi thi công chỉ thực hiện thủ tục cấp phép thi công vì lý do sau:
- Quy hoạch đô thị được phê duyệt đối với nút giao trong đô thị đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về bán kính cong vỉa hè, cao trình và các khoảng lùi công trình cũng như tiêu chí kỹ thuật khác;
- Nút giao đường trong đô thị khác với nút giao đường ngoài đô thị ở chỗ là các tuyến phố giao với nhau, an toàn hơn do bị khống chế về tốc độ và có quản lý về đèn đỏ hoặc gờ giảm tốc...
- Các điều, khoản trong cùng một văn bản quy phạm pháp luật đều có tính công bằng như nhau. Nếu các Điều 22, 23, 24, 25 của Thông tư 50/2015/TT-BGTVT vẫn quy định phải đáp ứng cả 3 thủ tục trên cho nút giao đường trong đô thị thì không cần phải phân biệt nút giao trong đô thị và ngoài đô thị. Và lúc đó nội dung quy định tại Khoản 3 Điều 20 của Thông tư 50/2015/TT-BGTVT sẽ không rõ nghĩa.
Ông Nhân đề nghị Bộ Giao thông vận tải giải thích vấn đề này và phải hiểu nội dung quy định tại Khoản 3 Điều 20 của Thông tư 50/2015/TT-BGTVT như thế nào?
Về vấn đề này, Vụ Kết cấu hạ tầng, Bộ Giao thông vận tải trả lời như sau:
Luật Giao thông đường bộ (số 23/2008/QH12 ngày 13/11/2008) quy định về trách nhiệm Bộ Giao thông vận tải:
- Tại điểm a, điểm b, khoản 2, Điều 37 về tổ chức giao thông và điều khiển giao thông: “2. Trách nhiệm tổ chức giao thông quy định như sau: a) Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm tổ chức giao thông trên hệ thống quốc lộ; b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức giao thông trên các hệ thống đường bộ thuộc phạm vi quản lý”.
- Tại điểm a, điểm b, khoản 2, Điều 39 về phân loại đường bộ: “2. Thẩm quyền phân loại và điều chỉnh các hệ thống đường bộ quy định như sau: a) Hệ thống quốc lộ do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định; b) Hệ thống đường tỉnh, đường đô thị do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định sau khi thỏa thuận với Bộ Giao thông vận tải (đối với đường tỉnh) và thỏa thuận với Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng (đối với đường đô thị);”
Khoản 2, Điều 39 Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/2/2010 của Chính phủ về đấu nối vào quốc lộ quy định: “2. Đường nhánh được đấu nối vào quốc lộ phải thông qua điểm đấu nối thuộc Quy hoạch các điểm đấu nối đã được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt, sau khi có văn bản thỏa thuận của Bộ giao thông vận tải. Cơ quan quản lý nhà nước về đường bộ thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm thống kê các đường đã đấu nối và lập kế hoạch xử lý phù hợp với quy hoạch các điểm đấu nối đã được phê duyệt”.
Theo quy định tại Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT ngày 23/9/2015 của Bộ Giao thông vận tải:
- Khoản 2, khoản 3, Điều 20 về đường nhánh đấu nối vào quốc lộ: “2. Đường nhánh đấu nối vào quốc lộ phải thông qua điểm đấu nối thuộc quy hoạch điểm đấu nối đã được UBND cấp tỉnh phê duyệt sau khi có văn bản thỏa thuận của Bộ Giao thông vận tải”, “3. Đấu nối đường nhánh vào quốc lộ trong phạm vi đô thị thực hiện theo quy hoạch đô thị đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt”.
- Khoản 2, khoản 3, Điều 10 về sử dụng, khai thác phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ: “2. Trước khi mở rộng địa giới khu vực nội thành, nội thị có đường bộ đi qua, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) phải xây dựng đường gom và các điểm đấu nối theo quy định tại Thông tư này đối với đoạn đường bộ sẽ nằm trong nội thành, nội thị”, “3. Các đường từ nhà ở chỉ được đấu nối vào quốc lộ thông qua đường nhánh; các đường đã có từ trước phải được xóa bỏ và thay thế bằng đường gom theo quy hoạch các điểm đấu nối đã được phê duyệt”.
Như vậy đấu nối đường nhánh vào quốc lộ trong phạm vi đô thị được thực hiện theo các quy định nêu trên và theo các quy định tại các Điều 20, 22, 23, 24, 25, 26, 27 Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT ngày 23/9/2015 là cần thiết nhằm đảm bảo an toàn giao thông, nâng cao hiệu quả quản lý và bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường bộ.
Bên cạnh đó, theo quy định Luật Quy hoạch đô thị (số 30/2009/QH12 ngày 17/6/2009):
- Tại khoản 1, Điều 20 về trách nhiệm lấy ý kiến về quy hoạch đô thị: “ 1. Cơ quan tổ chức lập quy hoạch đô thị, chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng quy định tại khoản 7 Điều 19 của Luật này có trách nhiệm lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan về nhiệm vụ và đồ án quy hoạch đô thị.
UBND có liên quan, tổ chức tư vấn lập quy hoạch có trách nhiệm phối hợp với cơ quan tổ chức lập quy hoạch đô thị, chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng quy định tại khoản 7 Điều 19 của Luật này trong việc lấy ý kiến”;
- Tại khoản 1, Điều 37 về nội dung quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đô thị: “1. Quy hoạch giao thông đô thị bao gồm việc xác định quỹ đất dành cho xây dựng và phát triển giao thông, vị trí, quy mô công trình đầu mối; tổ chức hệ thống giao thông đô thị trên mặt đất, trên cao và dưới mặt đất; xác định phạm vi bảo vệ và hành lang an toàn giao thông”.
Việc lấy ý kiến Bộ Giao thông vận tải về quy hoạch đô thị trong đó có quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đô thị với các nội dung tại khoản 1, Điều 37 nêu trên trước khi phê duyệt đảm bảo tuân thủ theo các quy định.
Chinhphu.vn