• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Thủ tướng phê duyệt Đề án trồng 1 tỷ cây xanh

(Chinhphu.vn) - Đến hết năm 2025, cả nước trồng được một tỷ cây xanh, trong đó 690 triệu cây trồng phân tán ở các khu đô thị và vùng nông thôn, 310 triệu cây trồng tập trung trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và trồng mới rừng sản xuất, nhằm góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển bền vững của đất nước.

05/04/2021 10:54

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Tết trồng cây hưởng ứng Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh "Vì một Việt Nam xanh" tại tỉnh Tuyên Quang, Ảnh VGP/Quang Hiếu

Đó là muc tiêu của Đề án trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đề án nêu rõ, phát triển cây xanh cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Phát huy truyền thống trồng cây do Bác Hồ khởi xướng, đưa việc trồng cây xanh thực sự trở thành phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả của các cấp, các ngành, trong từng khu dân cư với sự tham gia tích cực của mọi người dân, tránh thực hiện phô trương, hình thức; là hành động thiết thực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Tăng cường xã hội hóa, thu hút mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế và lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế xã hội để trồng một tỷ cây xanh. Trong đó, ngoài trồng rừng tập trung, cần tăng tỷ lệ trồng cây xanh phân tán tại các vùng nông thôn, khu vực đô thị, đường giao thông, công trình hạ tầng đô thị, công trình giáo dục, y tế, văn hóa, nhà máy, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu văn hóa, lịch sử... bảo đảm tỷ lệ cây xanh theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Trồng cây xanh phải đi đôi với chăm sóc, bảo vệ, quản lý, giám sát để bảo đảm cây trồng, rừng trồng sinh trưởng và phát triển tốt.

Trồng 690 triệu cây xanh phân tán khu vực đô thị và nông thôn

Nhiệm vụ của Đề án là trồng thành công một tỷ cây xanh phù hợp với điều kiện sinh thái, quy hoạch và quỹ đất hiện có của từng địa phương, trong đó, trồng  690 triệu cây cây xanh phân tán (khu vực đô thị và nông thôn), bình quân trồng 138 triệu cây/năm.

Chọn loài cây trồng phù hợp với mục đích, cảnh quan và điều kiện sinh thái, tập quán canh tác của từng địa phương, từng khu vực cụ thể; ưu tiên trồng cây bản địa, thân gỗ, đa mục đích, có giá trị bảo vệ môi trường, tác dụng phòng hộ cao, cây quý, hiếm, mang bản sắc văn hóa địa phương/vùng/miền.

Tại khu vực đô thị, cây xanh được trồng trên vỉa hè đường phố, công viên, vườn hoa, quảng trường; trong khuôn viên các trụ sở, trường học, bệnh viện, nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất, các công trình tín ngưỡng, vườn nhà và các công trình công cộng khác.

Tại khu vực nông thôn, cây xanh được trồng trên đất vườn nhà, hành lang giao thông, ven sông, kênh, mương, bờ vùng, bờ thửa, nương rẫy; trong khuôn viên các trụ sở, trường học, bệnh viện, nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất, các công trình tín ngưỡng và các công trình công cộng khác; kết hợp phòng hộ trong khu canh tác nông nghiệp và các mảnh đất nhỏ phân tán; các khu vực có nguy cơ sạt lở cao, đất bị suy thoái, sa mạc hóa, bãi thải khai thác khoáng sản và đất chưa sử dụng khác.

Ngày 20/2/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ phát động Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ xuân Tân Sửu năm 2021 tại Phú Yên, hưởng ứng chương trình trồng mới 1 tỷ cây xanh theo sáng kiến của Thủ tướng Chính phủ. Trong ảnh: Thủ tướng tặng cây xanh cho tỉnh Phú Yên. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Trồng 310 triệu cây xanh trong rừng

Cũng theo Đề án, trồng cây xanh trong rừng tập trung. Cụ thể, trồng 180 nghìn ha rừng trồng tập trung, tương đương khoảng 310 triệu cây (bình quân trồng 36 nghìn ha rừng/năm, tương đương 62 triệu cây/năm), gồm: Trồng rừng phòng hộ, đặc dụng: 30 nghìn ha, tương đương 70 triệu cây (bình quân 6 nghìn ha/năm, tương đương 14 triệu cây/năm); trồng mới rừng sản xuất: 150 nghìn ha, tương đương 240 triệu cây (bình quân 30 nghìn ha/năm, tương đương 48 triệu cây/năm).

Đối với rừng đặc dụng, trồng các loài cây bản địa có phân bố tự nhiên trong hệ sinh thái của rừng đặc dụng đó; đối với rừng phòng hộ, trồng các loài cây có bộ rễ sâu bám chắc, ưu tiên cây bản địa, sinh trưởng được trong điều kiện khắc nghiệt và có khả năng chống chịu tốt; đối với rừng sản xuất, trồng các loài cây có năng suất, chất lượng cao, khuyến khích sử dụng các giống cây sản xuất bằng mô, hom, kết hợp trồng cây gỗ nhỏ mọc nhanh và cây gỗ lớn dài ngày.

Về địa điểm trồng, với đất rừng phòng hộ, diện tích đất quy hoạch cho phát triển rừng phòng hộ, trong đó đặc biệt ưu tiên trồng rừng phòng hộ đầu nguồn và trồng rừng phòng hộ vùng ven biển.

Với đất rừng đặc dụng, diện tích đất chưa có rừng, chưa đủ tiêu chí thành rừng trong phân khu phục hồi sinh thái và phân khu dịch vụ, hành chính của rừng đặc dụng là vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài - sinh cảnh và khu bảo vệ cảnh quan; diện tích đất được quy hoạch trồng mới rừng sản xuất.

Về kế hoạch thực hiện, năm 2021 sẽ trồng khoảng 182 triệu cây, trong đó, cây xanh phân tán 120 triệu cây, tăng 1,5 lần so với năm 2020.

Từ năm 2022 - 2025, trồng bình quân 204,5 triệu cây/năm, trong đó, cây xanh phân tán 142,5 triệu cây, tăng 1,8 lần so với năm 2020.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan liên quan xây dựng cụ thể kế hoạch 5 năm và hằng năm.

Vì một Việt Nam xanh

Tháng 11/2020, phát biểu tại Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đề xuất sáng kiến trồng mới 01 tỷ cây xanh trong 5 năm 2021-2025. Ngày 31/12/2020, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chỉ thị số 45/CT-TTg về tổ chức phong trào “Tết trồng cây” và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng ngay từ đầu năm 2021.

Góp phần hiện thực hóa các chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhằm tuyên truyền cho người dân, doanh nghiệp nhận thức rõ hơn về vai trò, lợi ích lâu dài của phát triển bền vững, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã đẩy mạnh thông tin-truyền thông về chương trình trồng mới 1 tỷ cây xanh, phối hợp với một số địa phương như Bến Tre, Phú Yên tổ chức phát động hưởng ứng sáng kiến của Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ  đã ghi nhận, biểu dương và gửi Thư khen Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và tỉnh Bến Tre - địa phương đầu tiên tổ chức phát động hưởng ứng sáng kiến của Thủ tướng vào ngày 2/1/2021. Ngày 20/2, tham dự lễ phát động Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ xuân Tân Sửu năm 2021 tại Phú Yên, hưởng ứng chương trình trồng mới 1 tỷ cây xanh, Thủ tướng đã đề nghị chính thức chọn thông điệp cho chương trình trồng mới 1 tỷ cây xanh là “Vì một Việt Nam xanh”.

Thời gian tới, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan báo chí-truyền thông tiếp tục đẩy mạnh truyền thông về chương trình trồng mới 1 tỷ cây xanh với tác động tích cực, lâu dài, có ý nghĩa nhiều mặt, góp phần thúc đẩy, lan tỏa phong trào trồng cây xanh tới các địa phương trên cả nước, giúp nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và người dân cả nước để tiếp tục có nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, huy động được nhiều nguồn lực trong việc trồng cây, trồng rừng, phục hồi và bảo vệ thiên nhiên theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: “Mỗi người trồng và chăm sóc ít nhất một cây xanh, mỗi nhà góp một mảng xanh, mỗi khu dân cư góp một vùng xanh để đất nước ta ngày càng xanh, phát triển nhanh và bền vững, cùng chung tay chăm lo cho cuộc sống của nhân dân tốt đẹp hơn, đóng góp thiết thực vào việc bảo vệ Trái đất - ngôi nhà chung của nhân loại”.

Chí Kiên