Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia phòng, chống thiên tai năm 2024 với chủ đề: "Hành động sớm – chủ động trước thiên tai", ngày 23/5, tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức đối thoại trực tuyến với chủ đề: "Chủ động phòng tránh và ứng phó với thiên tai".
Thông tin tại buổi đối thoại cho hay, những năm gần đây, tỉnh Thừa Thiên Huế thường xuyên bị ảnh hưởng nặng bởi thiên tai bão, lũ lụt, sạt lở đất.
Điển hình như năm 2020, thiên tai diễn ra dị thường, khốc liệt, không theo quy luật; bão, lũ xảy ra liên tiếp, với quy mô rộng lớn, cường độ rất mạnh và gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Tình trạng "bão chồng bão", "lũ chồng lũ" chưa từng có trong nhiều năm qua đã gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống và sản xuất của hàng triệu người dân trên địa bàn. Tiếp đến năm 2022, năm 2023 mưa lũ, ngập lũ xảy ra dồn dập.
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh, từ năm 2020 đến năm 2023 thiên tai đã làm 52 người chết, 169 người bị thương, tổng thiệt hại ước tính 4.554 tỷ đồng
Cơ quan khí tượng thuỷ văn nhận định, tình hình ENSO đang ở trạng thái El Nino chuyển trạng thái sang pha trung tính và sang La Nina vào các tháng cuối năm 2024 và còn kéo dài đến những tháng đầu năm 2025. Những năm chuyển pha ENSO, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm, như bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn… thường có diễn biến bất thường và trái với quy luật, khó dự báo.
Vì vậy, trong năm 2024, tại Thừa Thiên Huế, thiên tai có thể xảy ra tương tự với tình huống mưa lũ, bão đặc biệt lớn năm 2020.
Ông Đặng Văn Hòa, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay, theo nhận định, năm 2024, thiên tai tiếp tục diễn biến bất thường, khó lường. Vì vậy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành liên quan tiếp tục tập trung thực hiện phương châm "Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả".
Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, ông Đặng Văn Hòa đề nghị mỗi một người dân cần nắm và thực hiện phương châm "4 tại chỗ", gồm: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện và vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ" một cách chủ động, thực chất và có hiệu quả. Phát huy hiệu quả phương châm thứ 5 "tự quản tại chỗ", cha mẹ quản lý, bảo vệ con cái.
Yêu cầu đầu tiên của phương châm "4 tại chỗ" là đối phó với bão lũ phải được thực hiện đến tận hộ dân, từng gia đình chủ động giằng chống nhà cửa, chuẩn bị dự trữ lương thực, chất đốt, nước sạch; kịp thời di chuyển đến vùng cao... sẵn sàng phương tiện như ghe, thuyền, phao cứu sinh để ứng phó.
Đồng thời, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong gia đình; chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết để khắc phục hậu quả thiên tai cho gia đình; thường xuyên thực hành về các kỹ năng cứu hộ, cứu nạn cho các thành viên gia đình. Phương châm này càng cụ thể thì hiệu quả càng cao, biết kết hợp các nguồn lực khác nhau thì hiệu quả càng lớn.
Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cũng đề nghị mỗi người dân thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo tình hình mưa lũ tại nơi mình đang sống để chủ động đối phó. Thực hiện khung lịch thời vụ sản xuất, nuôi trồng theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.
Ông Hoàng Hải Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định, công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã được chuyển biến mạnh mẽ từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa. Làm thế nào để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại là nhiệm vụ được tỉnh đặt lên hàng đầu trong công tác phòng chống tiên tai.
Tuy nhiên, với tình hình thiên tai ngày càng có xu hướng cực đoan, bất thường và khó dự đoán hơn, công tác phòng chống, ứng phó với thiên tai cần có tầm nhìn xa hơn. Vì vậy, tại buổi đối thoại, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị các cấp, các ngành, các đơn vị chuyên môn thường xuyên rà soát, tính toán, cập nhật kịch bản ứng phó thiên tai, sự cố sát nhất với thực tiễn. Lên kịch bản cho trường hợp xấu nhất.
Đặc biệt là cần làm tốt công tác dự báo để cảnh báo sớm nhất cho người dân chủ động triển khai biện pháp ứng phó. Chủ động ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác phòng, chống thiên tai.
Nhật Anh