Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo ông Nghị tìm hiểu thì chưa có văn bản nào định nghĩa "nguyên liệu chính" là gì. Ông Nghị hỏi, nguyên liệu và thành phần chính cần phải được ghi cụ thể đến mức độ nào là đủ để tuân thủ với quy định hiện hành?
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời vấn đề này như sau:
Khoản 4 Điều 3 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa có quy định: “Nhãn phụ là nhãn thể hiện những nội dung bắt buộc được dịch từ nhãn gốc của hàng hóa bằng tiếng nước ngoài ra tiếng Việt và bổ sung những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt theo quy định của pháp luật Việt Nam mà nhãn gốc của hàng hóa còn thiếu”.
Khoản 3 Điều 7 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP quy định: “Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc”.
Theo Thông tư số 21/2019/TT-BNNPTNT ngày 28/11/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn một số điều của Luật Chăn nuôi về thức ăn chăn nuôi, việc ghi thành phần nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trên nhãn được quy định tại Phụ lục II, cụ thể như sau:
Đối với thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh, thức ăn đậm đặc: Phải ghi tên các loại nguyên liệu chính sử dụng để phối chế sản phẩm, không bắt buộc ghi định lượng của từng nguyên liệu.
Đối với thức ăn bổ sung, thức ăn truyền thống: Phải ghi tên các nguyên liệu sử dụng để phối chế sản phẩm, không bắt buộc ghi định lượng của từng nguyên liệu.
Như vậy, nhãn phụ của thức ăn chăn nuôi nhập khẩu phải ghi thành phần nguyên liệu theo quy định tại Thông tư số 21/2019/TT-BNNPTNT nêu trên.