Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu tăng trưởng GDP đạt trên 8%, tạo tiền đề hướng đến tăng trưởng kinh tế hai chữ số trong giai đoạn 2026-2030. Về động lực tăng trưởng tín dụng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã có những định hướng mới và cụ thể.
Ngày 7/1 vừa qua, NHNN cũng đã tổ chức họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025. Cập nhật tại họp báo, NHNN cho biết, tính đến ngày 31/12/2024, tín dụng nền kinh tế tăng khoảng 15,08 % so với cuối năm 2023, đồng nghĩa với 2,1 triệu tỷ đồng đã được bơm ra thêm trong năm qua để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Lý giải tại họp báo, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, so với giai đoạn trước, trong năm 2024, nền kinh tế nước ta đã có nhiều thuận lợi, nhờ những cơ chế và chỉ đạo quyết liệt từ Quốc hội, Chính phủ. Nhiều khó khăn đã được tháo gỡ, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, các doanh nghiệp đã chủ động hơn và hoạt động kinh doanh dần được khơi thông. Đây là nền tảng chung để tăng trưởng tín dụng tích cực năm qua, cũng là tiền đề cho năm 2025.
Trên nền thuận lợi đó, năm 2025, NHNN hướng mục tiêu tăng trưởng ở mức khoảng 16%, cao hơn khoảng định hướng từ 14-15% giai đoạn vừa qua. Cùng với điểm mới này, ngay từ đầu năm, một cấu phần liên quan đến tăng trưởng tín dụng cũng có điểm mới: 145.000 tỷ đồng trong kế hoạch cho vay phát triển nhà ở xã hội sẽ không tính vào "room" tín dụng. Theo đó, 9 ngân hàng thương mại, gồm Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV, MB, HDBank, VPBank, Techcombank và TPBank tham gia gói tín dụng này sẽ có thêm không gian để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Đáng chú ý, cùng với những định hướng trên, tại họp báo, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, mặc dù các mức lãi suất điều hành giữ nguyên trong bối cảnh lãi suất thế giới vẫn neo ở mức cao, nhưng NHNN tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp, qua đó có điều kiện để hỗ trợ nền kinh tế.
Như những năm trước, NHNN đã sớm giao chỉ tiêu tín dụng ngay từ đầu năm để các NHTM chủ động thực hiện, cũng như sẽ linh hoạt với diễn biến thực tiễn trong năm để đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế.
Mức giao chỉ tiêu căn cứ kết quả chấm điểm xếp hạng năm 2023 nhân với hệ số áp dụng chung cho các ngân hàng. Có thể thấy, những ngân hàng lớn có các cân đối tài chính mạnh, như MB, VPBank, HDBank và Techcombank đều được giao và đạt kết quả tăng trưởng tín dụng ở Top đầu toàn ngành giai đoạn vừa qua.
Đây cũng là "bộ tứ" đang sở hữu tỉ lệ an toàn vốn (CAR) dẫn đầu thị trường, đạt từ 13% đến trên 15%, vượt trội so với mức quy định tối thiểu 8% của NHNN.
Về hiệu quả hoạt động, nếu như Techcombank dẫn đầu về tỉ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA), thì HDBank dẫn đầu về tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE). Trong đó, qua cập nhật các quý trong năm 2024, HDBank có lợi thế lớn về các cân đối, khi tỉ lệ cho vay so với huy động (LDR) được giữ quanh 75% so với giới hạn 85% quy định, tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn chỉ quanh 21% so với giới hạn 30%... tạo dư địa tăng trưởng lớn trong năm 2025.
Cùng đó, kết quả kinh doanh năm 2024 dự báo tiếp tục tích cực sẽ là cơ sở để nhóm NHTM này gia tăng động lực. Trong đó, VPBank và Techcombank đã trở lại quỹ đạo tăng trưởng lợi nhuận khá cao, HDBank vượt các chỉ tiêu năm theo cập nhật tại hội nghị nhà đầu tư vừa qua.
Tại khối "Big 4", cuối năm 2024 Agribank đã được NHNN phê duyệt quyết định tăng vốn điều lệ, từ 40.963 tỷ đồng lên 51.639 tỷ đồng, thêm sức nâng tín dụng cho năm nay.
Với Vietcombank, một động lực mới được kỳ vọng sớm hiện thực. Tại Đại hội cổ đông bất thường 2024, ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch HĐQT Vietcombank dự tính, việc bán 6,5% vốn cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài có thể xong trong nửa đầu năm 2025; qua đó có thêm triển vọng tăng cường nguồn vốn và tỉ lệ CAR để thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cao hơn.
Trong năm 2024, những ngân hàng lớn lớn khác, như BIDV và HDBank cũng đã gợi mở hướng gia tăng tiềm lực này.
Triển vọng tại Vietcombank cũng thêm một cơ sở nữa, sau khi đã chính thức nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém trong năm qua, đi cùng với room tín dụng, sẽ được tạo điều kiện hơn như NHNN từng nêu cơ chế hỗ trợ. Tương tự, MB cũng đã nhận chuyển giao. Và như thông tin gợi mở thời gian qua, thị trường kỳ vọng năm 2025 VPBank và HDBank sẽ sớm nhập cuộc thúc đẩy quá trình tái cơ cấu này.
Mặc dù có những động lực mới cùng những triển vọng trên, song tín dụng chỉ là một trong những nguồn lực quan trọng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Trước mục tiêu tăng trưởng GDP cao năm nay và tạo tiền đề cho cho giai đoạn 2026-2030 mà Chính phủ đã định hướng, tại buổi họp báo nói trên, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú chia sẻ rằng, ngành ngân hàng rất mong nền kinh tế nhận được nhiều nguồn vốn khác như trái phiếu doanh nghiệp, nguồn vốn tư nhân, nguồn vốn ngân sách... để giảm áp lực cho tín dụng, để cùng thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
MT