• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021: Nhiều kết quả tích cực

(Chinhphu.vn) - Kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát và nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu đã đề ra.

23/05/2022 16:47
Kết quả tích cực trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 - Ảnh 1.

Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chiều 23/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, báo cáo trước Quốc hội về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (TKCLP) năm 2021.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, trong năm 2021, mặc dù có rất nhiều khó khăn, thách thức, kinh tế nước ta vẫn tăng trưởng dương 2,58%, thu ngân sách Nhà nước (NSNN) tăng 16,8% so với dự toán. Kết quả thực hành TKCLP năm 2021 đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát và nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu đã đề ra.

Lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, quyết toán quản lý sử dụng NSNN góp phần thực hành TKCLP

Trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát, kéo dài ở nhiều địa phương, Chính phủ kịp thời điều chỉnh về chính sách tài khóa nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, hộ gia đình và người dân. Năm 2021 đã thực hiện miễn, giảm, giãn ước khoảng 119.400 tỷ đồng tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất, góp phần từng bước khôi phục các hoạt động sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống cho người dân trong trạng thái bình thường mới.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường thực hiện các giải pháp THTKCLP; tổ chức điều hành dự toán NSNN chủ động, chặt chẽ, bảo đảm kỷ cương, kỷ luật tài chính, ngân sách; cải cách công tác kiểm soát chi NSNN. Thực hiện cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021. Tổng số chi NSNN năm 2021 ước đạt 1.854,9 nghìn tỷ đồng, bằng 110% dự toán.

Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương chủ động điều hành, tăng cường quản lý nợ Chính phủ, nợ Chính phủ bảo lãnh; giám sát chặt chẽ nợ chính quyền địa phương. Đến cuối năm 2021, dự kiến dư nợ công khoảng 43,1% GDP, nợ Chính phủ khoảng 39,1% GDP, dư nợ vay nước ngoài quốc gia khoảng 38,4%GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu NSNN khoảng 21,7%. Các chỉ tiêu an toàn nợ công đảm bảo nằm trong mức trần, ngưỡng nợ được Quốc hội cho phép.

Các bộ ngành, địa phương đã tiết kiệm kinh phí NSNN do thực hiện cơ chế khoán chi, giao quyền tự chủ cho cơ quan, tổ chức là 1.510 tỷ đồng, điển hình như: Bắc Giang 332 tỷ đồng, Lâm Đồng 162 tỷ đồng, Đà Nẵng 128 tỷ đồng, Quảng Ninh 119 tỷ đồng, Kiên Giang 64,7 tỷ đồng, Hải Dương 54,7 tỷ đồng, Tiền Giang 52,6 tỷ đồng…

Tiết kiệm chống lãng phí trong đầu tư công, quản lý tài sản công

Ngay từ đầu năm 2021, Chính phủ xác định đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản, chỉ thị, công điện để hướng dẫn, triển khai, đôn đốc, đẩy mạnh giản ngân vốn đầu tư công, bảo đảm đúng mục tiêu, định hướng đề ra. Lũy kế giải ngân năm 2021 là khoảng 383.000 tỷ đồng, đạt 83,15% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Ước thanh toán từ đầu năm đến hết 31/1/2022 là 431.000 tỷ đồng, đạt 93,47% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Nhiều bộ, cơ quan, địa phương có kết quả giải ngân đạt trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, như: Ngân hàng Phát triển (100%),  Bộ Tài chính (96,89), Tiền Giang (98,9%), Hưng Yên (98%), Hải Phòng (97%), Bình Thuận (96,7%)...

Thông qua công tác thẩm tra, phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành năm 2020, cơ quan thẩm tra đã loại ra khỏi giá trị chủ đầu tư đề nghị quyết toán là 12.400 tỷ đồng, chiếm 2,17% tổng giá trị chủ đầu tư đề nghị quyết toán.

Chống lãng phí trong tổ chức bộ máy

Các địa phương đã cơ bản hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong cơ quan chuyên môn và tương đương. Số lượng đơn vị sự nghiệp công lập giảm được 12,35% so với năm 2015.

Đến hết năm 2021 biên chế công chức giảm 10,01%, biên chế sự nghiệp giảm 11,67%, số người hoạt động không chuyên trách, thôn, tổ dân phố giảm 46,64% so với năm 2015, hoàn thành vượt mục tiêu tinh giản biên chế 10% mà Bộ Chính trị đề ra tại Nghị quyết số 39-NQ/TW.

Công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về định mức, tiêu chuẩn, chế độ trong các ngành, lĩnh vực có nhiều chuyển biến tích cực. Trong năm 2021, Chính phủ trình Quốc hội thông qua 2 luật, 5 nghị quyết, cho ý kiến đối với 5 dự án luật khác, trình Quốc hội khóa XV tại kỳ họp bất thường Dự án Luật sửa đổi, bổ sung 9 luật; các bộ, ngành, địa phương đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 784 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó nhiều quy định liên quan đến thực hành TKCLP, các định mức, tiêu chuẩn chế độ.

Công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật được tăng cường, nhiều bộ, ngành, địa phương đã tập trung rà soát được số lượng lớn văn bản. Đến năm 2021 có khoảng 13.000 tiêu chuẩn Việt Nam, tỉ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, khu vực trên 60%.

6 nhiệm vụ, giải pháp năm 2022

Năm 2022, Chính phủ đề ra 6 nhiệm vụ, giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chủ yếu.

Một là, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo về thực hành TKCLP tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các cấp. Xây dựng kế hoạch thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm trong từng lĩnh vực được giao phụ trách, trong đó cần phân công, phân cấp cụ thể, rõ ràng trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức…

Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức trong thực hành TKCLP với các hình thức đa dạng nhằm nâng cao, thống nhất nhận thức, trách nhiệm về mục tiêu, yêu cầu, ý nghĩa của công tác thực hành TKCLP đối với các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và toàn xã hội.

Ba là, tăng cường công tác tổ chức thực hành TKCLP trên các lĩnh vực, trong đó tập trung vào một số lĩnh vực: Quản lý NSNN; quản lý vốn đầu tư công; quản lý nợ công; quản lý tài sản công; quản lý tài nguyên, khoáng sản, đặc biệt là đối với đất đai; quản lý vốn, tài sản Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; quản lý các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; quản lý lao động, thời gian lao động...

Bốn là, đẩy mạnh thực hiện công khai, nâng cao hiệu quả kiểm tra, thanh tra, giám sát thực hành TKCLP. Chú trọng thực hiện công khai việc sử dụng NSNN và các nguồn tài chính được giao, công khai thông tin về nợ công và các nội dung đầu tư công theo quy định pháp luật.

Năm là, đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm các vi phạm quy định về thực hành TKCLP, tập trung một số nội dung, lĩnh vực trọng điểm như: Quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản; đầu tư công; quản lý, sử dụng tài sản công; cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước. Thực hiện nghiêm quy định pháp luật về xử lý vi phạm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị và các cá nhân để xảy ra lãng phí.

Sáu là, đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa quản lý; gắn thực hành TKCLP với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Đánh giá của Chính phủ về công tác thực hành TKCLP năm 2021 được Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội nhất trí.

Hải Liên