Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Thực hiện "4 đẩy mạnh", "3 tiên phong" để đạt mục tiêu "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh" và "giảm nghèo toàn diện, bao trùm và bền vững".
Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 339/TB-VPCP ngày 1/7/2025 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị toàn quốc tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và phong trào "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới", phong trào "Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" giai đoạn 2021-2025.
Thông báo nêu hai Chương trình (Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững) đã cơ bản đạt và vượt các mục tiêu được giao thực hiện trong giai đoạn 2021-2025. Đến thời điểm hiện tại, cả nước có 6.084/7.669 xã (79,3%) đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 10,6% so với cuối năm 2021 và cơ bản hoàn thành mục tiêu cả giai đoạn 2021-2025 được giao); có 2.567 xã (42,4%) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (tăng 2.064 xã so với cuối năm 2021, vượt mục tiêu cả giai đoạn 2021-2025 được giao) và 743 xã (12,3%) đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (tăng 700 xã so với cuối năm 2021, vượt mục tiêu cả giai đoạn 2021-2025 được giao); bình quân cả nước đạt 17,5 tiêu chí/xã (tăng 0,5 tiêu chí so với cuối năm 2021).
Đối với cấp huyện, cả nước có 329/646 đơn vị cấp huyện (51%) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 116 đơn vị so với cuối năm 2021, vượt mục tiêu cả giai đoạn 2021-2025 được giao), trong số các huyện đạt chuẩn nông thôn mới, đến nay đã có 48/240 huyện (20%) được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (hoàn thành mục tiêu cả giai đoạn 2021-2025 được giao); đối với cấp tỉnh, có 12 tỉnh, thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (đạt 80% mục tiêu cả giai đoạn 2021-2025 được giao). Về thu nhập bình quân của người dân nông thôn, năm 2024 đạt 54 triệu đồng/người/năm (tăng 1,3 lần so với năm 2020).
Thực tế cho thấy, những kết quả đạt được đã minh chứng rõ nét về định hướng, giải pháp thực hiện giảm nghèo nhanh, bền vững tại các Nghị quyết Đại hội X, XI, XII, XIII của Đảng, tính đúng đắn của chủ trương xây dựng và triển khai Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2008 và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, hiệu quả mang lại rất tích cực: Góp phần cơ cấu lại, phát triển kinh tế đất nước theo hướng nhanh, bền vững; cơ sở hạ tầng, diện mạo nông thôn, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn được nâng lên toàn diện; Việt Nam trở thành hình mẫu thế giới về thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ, trong đó có giảm nghèo, phát triển nông thôn.
Các phong trào "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới", "Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" do Thủ tướng Chính phủ phát động, cuộc vận động "Toàn dân xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, có sức lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng trong cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp Nhân dân, phát huy mạnh mẽ vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.
Nhưng trong thực tiễn triển khai thực hiện 02 Chương trình vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc và thách thức như: Tỷ lệ giải ngân vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, giải ngân vốn sự nghiệp còn thấp; một số nơi còn rủi ro tái nghèo. Với 02 phong trào thi đua, mặc dù đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ, vẫn còn những điểm nghẽn cần được giải quyết một cách căn cơ để đảm bảo sự phát triển bền vững và bao trùm cho khu vực nông thôn trong giai đoạn tiếp theo. Nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của một số cấp uỷ đảng, chính quyền có nơi có lúc chưa đầy đủ; công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai phong trào thi đua của một số cấp ủy, chính quyền chưa thật sự sâu sát và đi vào thực chất, thiếu sự phân công theo dõi, đôn đốc, kiểm tra thường xuyên.
Đẩy mạnh phát triển hạ tầng chiến lược cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn
Thủ tướng khẳng định đất nước ta đang bước vào giai đoạn phát triển trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng của dân tộc; cần tiếp tục thực hiện các chương trình, phong trào thi đua, kiên trì, kiên định để thực hiện bằng được mục tiêu xây dựng "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh" và "giảm nghèo toàn diện, bao trùm và bền vững".
Để đạt mục tiêu đề ra, cả hệ thống chính trị cần tập trung thực hiện "4 đẩy mạnh": (1) Đẩy mạnh hoàn thiện thể chế để nông dân là trung tâm, là chủ thể, nông nghiệp là động lực, nông thôn là nền tảng của sự phát triển; thực hiện giảm nghèo cả khu vực nông thôn và thành thị, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; (2) Đẩy mạnh phát triển hạ tầng chiến lược cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn (gồm hạ tầng giao thông, thủy lợi, năng lượng, y tế, văn hóa, giáo dục, thể thao, hạ tầng số…) theo hướng xanh và bền vững; (3) Đẩy mạnh xây dựng, phát triển yếu tố con người, nhất là nông dân phù hợp với yêu cầu phát triển giai đoạn mới, mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, thực hiện "bộ tứ trụ cột" theo 4 Nghị quyết của Bộ Chính trị; (4) Đẩy mạnh đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP phù hợp nhu cầu, yêu cầu, xu hướng tiêu dùng của thị trường trong nước và thế giới; đa dạng hóa chuỗi cung ứng, thị trường xuất khẩu trong nông nghiệp.
Người nông dân cần thực hiện "3 tiên phong": (1) Tiên phong thoát nghèo và thi đua làm giàu (2) Tiên phong xây dựng nông dân văn minh; (3) Tiên phong sản xuất xanh, bền vững, chuyển đổi số và đặc biệt là hưởng ứng phong trào Bình dân học vụ số, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số, công dân số.
Thủ tướng yêu cầu các Bộ, cơ quan địa phương tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả các chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhất là của đồng chí Tổng Bí thư; khẩn trương xây dựng các Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2026-2035 theo hướng tích hợp thành 1 Chương trình; huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, phân công 6 rõ: "Rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ thẩm quyền"; tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để giải phóng nguồn lực, lấy nguồn lực nhà nước đóng vai trò "vốn mồi" dẫn dắt, kích hoạt mọi nguồn lực xã hội, kêu gọi đoàn kết, chung tay của tất cả người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy hợp tác công tư; đào tạo nhân lực; đầu tư hạ tầng; làm tốt các chính sách xã hội, bảo đảm an sinh, không để ai bị bỏ lại phía sau, không hy sinh tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội và môi trường nông thôn để chạy theo tăng trưởng đơn thuần.
Việc triển khai chương trình, phong trào phải sống động, thực chất, đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, mang lại hiệu quả, có thể lượng hóa được kết quả. Khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua, có công cụ để ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong quá trình thực hiện. Các cơ quan báo chí truyền thông cần vào cuộc, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền tạo sự đồng thuận, thống nhất cao. Tổ chức thực hiện hiệu quả, bảo đảm sự hưởng thụ thực chất của người dân, không chỉ chạy theo thành tích.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan khẩn trương hoàn thiện Báo cáo tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trước ngày 15 tháng 7 năm 2025, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định; nghiên cứu xây dựng dự thảo Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới các cấp, đảm bảo đầy đủ căn cứ pháp lý, nguồn lực thực hiện, phù hợp với giai đoạn tới; báo cáo Đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình giai đoạn 2026-2035 theo hướng tích hợp 02 Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững thành 01 Chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn 2026-2035 trình Chính phủ cho ý kiến trong tháng 7 năm 2025 trước khi báo cáo, trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 10 năm 2025.
Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến, sớm hoàn thiện báo cáo tổng kết 02 Phong trào thi đua; nghiên cứu, tham mưu Thủ tướng Chính phủ phát động, lồng ghép 02 Phong trào thi đua của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững thành 01 Phong trào thi đua cho giai đoạn 2026-2035.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương kiện toàn Ban Chỉ đạo các cấp ngay sau khi kiện toàn chính quyền địa phương 02 cấp để bảo đảm không gián đoạn công tác chỉ đạo thực hiện 02 Chương trình từ nay đến hết năm 2025; quan tâm chỉ đạo ổn định đội ngũ cán bộ, bộ máy làm công tác xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn tới;
Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn ngân sách nhà nước được giao, phấn đấu hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công thực hiện 02 Chương trình mục tiêu quốc gia trong năm 2025 theo quy định; khẩn trương chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức đánh giá hiện trạng xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững trên địa bàn sau sắp xếp, làm cơ sở xác định cụ thể mục tiêu, nhiệm vụ cần thực hiện giai đoạn 2026-2030 và định hướng đến 2035; kịp thời nắm bắt và giải quyết ngay các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Phương Nhi