Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19, sáng 4/6. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Đánh giá diễn biến dịch bệnh trên thế giới, các chuyên gia cho biết, hiện nay, một số quốc gia/vùng lãnh thổ thực hiện tốt chính sách ngăn chặn dịch từ sớm nên đã kiểm soát được dịch bệnh, tương đối an toàn và ổn định. Nhưng đối với nhiều nước khác ở châu Âu, châu Á, châu Phi, châu Mỹ, tình hình dịch bệnh có xu hướng giảm khi thực hiện các biện pháp phong toả, xét nghiệm nhưng do triển khai muộn nên chưa thể khẳng định được khu vực nào là an toàn.
Về nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng, chống COVID-19, hiện đã có nhiều quốc gia và tập đoàn dược phẩm hàng đầu thế giới tham gia nhưng mới ở giai đoạn thử lâm sàng, chưa thể hy vọng có ngay được để phục vụ phòng, chống dịch bệnh…
Các chuyên gia cho rằng tình hình dịch bệnh bên ngoài vẫn diễn biến phức tạp, nên chúng ta vẫn phải tiếp tục quản lý chặt chẽ người nhập cảnh, thực hiện tốt công tác cách ly; kịp thời phát hiện ca mắc mới để thực hiện khoanh vùng, điều trị hiệu quả.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng cho biết, do dịch bệnh kéo dài nên vấn đề tổ chức đưa công dân Việt Nam từ các khu vực có dịch về nước (người lao động hết hợp đồng, du học sinh, người thăm thân, chuyên gia người Việt,… bị kẹt lại các nước do dịch bệnh), cũng như việc đón các đoàn ngoại giao, chuyên gia, nhà đầu tư, người lao động kỹ thuật cao… vào Việt Nam đang tạo ra sức ép rất lớn.
Bộ Ngoại giao đang phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt để giải quyết vấn đề này trong thời gian tới, trong đó có giải pháp: Tổ chức chuyến bay đến một số điểm trung chuyển; đón công dân Việt Nam, các đoàn ngoại giao; mở kênh đăng ký cho các chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam làm việc, bao gồm cả có những chuyên gia chỉ nhập cảnh ngắn hạn để xúc tiến đầu tư, hoạt động thương mại;…
Ảnh: VGP/Đình Nam |
Ban Chỉ đạo nhận định, chúng ta đang đứng trước sức ép rất lớn, một mặt phải giữ an toàn trong nước, mặt khác không thể đóng cửa, vì phải đưa công dân Việt Nam bị kẹt ở nước ngoài về nước, cũng như đón các chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam làm việc, xúc tiến thương mại, hợp tác làm ăn. Do vậy, Ban Chỉ đạo thống nhất tinh thần đảm bảo thực hiện mục tiêu kép nhưng phải tuyệt đối an toàn. Các hướng dẫn về đưa đón, tổ chức cách ly đối với các đối tượng nhập cảnh phải hết sức cụ thể, tổ chức kiểm tra thường xuyên. Bộ Y tế được giao xây dựng và ban hành sớm hướng dẫn đón các chuyên gia, nhà đầu tư vào Việt Nam ngắn hạn.
Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo lưu ý mặc dù tình hình trong nước tương đối tốt nhưng thời gian qua trong bộ máy ở một số nơi có biểu hiện lỏng lẻo, sơ hở, điển hình là việc chuẩn bị những địa điểm cách ly phi hành đoàn, chuyên gia nước ngoài. Chúng ta cần phải tiếp tục kiểm tra, chấn chỉnh.
Tại cuộc họp, thành viên Ban Chỉ đạo và các chuyên gia y tế cũng đã thảo luận và thống nhất tiếp tục quản lý chặt chẽ việc cách ly các phi hành đoàn, tổ bay quốc tế; cách ly người nhập cảnh qua các cửa khẩu đường bộ; xem xét mở kênh đăng ký chuyến bay đối với các chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam; giao Bộ Ngoại giao làm đầu mối xem xét giải quyết thủ tục đưa các chuyên gia, kỹ sư, doanh nhân người Việt đang bị kẹt ở nước ngoài (như đối với chuyên gia nước ngoài) về Việt Nam để phục vụ phát triển sản xuất trong nước…
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn thông tin tình hình bệnh nhân 91 tiến triển tích cực. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Về tình hình điều trị bệnh nhân 91, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn thông tin, thời gian qua ê kíp hồi sức của Bệnh viện Chợ Rẫy đã điều trị rất tích cực. Bệnh nhân có nhiều tiến triển khả quan, đã ngưng sử dụng thuốc an thần và giãn cơ, cai ECMO, đang tiếp tục được hỗ trợ về hô hấp, điều trị nhiễm trùng... Dù vẫn còn nhiều thách thức, song các bác sĩ sẽ cố gắng hết mức để tập trung điều trị cho bệnh nhân này. Vừa qua, Tổng lãnh sự Anh đã vào thăm bệnh nhân và đánh giá rất cao nỗ lực của các thầy thuốc Việt Nam.
Ngoài ra, một số ý kiến tại cuộc họp cũng cho rằng đến nay chúng ta đã qua nửa năm thực hiện phòng, chống dịch COVID-19, ngoài một số cá nhân, tập thể được khen thưởng đột xuất, dư luận, nhân dân ở nhiều nơi mong muốn có thêm những hình thức động viên đối với lực lượng tham gia phòng, chống dịch. Vì vậy, các thành viên Ban Chỉ đạo sẽ xem xét, đề xuất cấp có thẩm quyền ghi nhận biểu dương đối với các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp trong công tác phòng, chống dịch.