Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ngày 15/12/2022, Liên minh Châu Âu (EU) đã thông qua kế hoạch áp thuế suất tối thiểu 15%. Gần đây nhất, ngày 23/12/2022, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua Đạo luật Điều chỉnh Thuế quốc tế, áp dụng mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu từ ngày 01/01/2024. Dự đoán, quy định này của Hàn Quốc sẽ ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc tại các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu là một nội dung chính trong chương trình chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS) do OECD khởi xướng và đã được hơn 140 quốc gia đồng thuận.
Theo Quy tắc này, các công ty lớn có doanh thu từ 750 triệu EUR trở lên sẽ bị áp dụng mức thuế suất tối thiểu 15%. Điều này có nghĩa, khi các công ty này đi đầu tư ở nước ngoài mà nộp thuế thu nhập tại nước đầu tư dưới mức 15% thì sẽ phải nộp phần chênh lệch tại nước nơi họ có trụ sở chính.
Xét về mục tiêu phát triển kinh tế toàn cầu và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng giữa các quốc gia, Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu là một cải cách thuế tiến bộ, nhằm hạn chế thực trạng nhiều công ty lớn lập kế hoạch giảm thiểu thuế bằng cách chuyển lợi nhuận sang các thiên đường thuế, hay hoạt động kinh doanh qua nền tảng số xuyên quốc gia mà không hiện diện vật lý.
Song, một khi Quy tắc này được các nước áp dụng thì có thể làm giảm tính hấp dẫn, cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài của những quốc gia đang phát triển.
Tại Việt Nam, ưu đãi thuế hiện là một công cụ để hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, các nhà đầu tư sẽ phải nộp bổ sung phần thuế chênh lệch về chính quốc, khiến các biện pháp ưu đãi thuế không còn mang lại nhiều tác dụng.
Có thể nói, việc thực thi thuế tối thiểu toàn cầu sẽ đặt ra nhiều thách thức đối với việc duy trì tính cạnh tranh về môi trường đầu tư của Việt Nam.
Hiện nay, các quốc gia trên thế giới đang rất tích cực, chủ động trước vấn đề này, thậm chí đã có những hành động cụ thể. Những nước đi đầu tư như EU, Hàn Quốc, Anh, Nhật Bản… đều đã thông qua hoặc đang ráo riết sửa đổi các quy định liên quan để áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu nhằm thu thuế bổ sung từ năm 2024.
Ngược lại, những nước tiếp nhận đầu tư như Thái Lan, Malaysia, Indonesia… cũng đều đã có các động thái quyết liệt để tìm giải pháp nhằm ứng phó, giữ chân nhà đầu tư trước ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu.
Một trong các giải pháp tối ưu mà các nước đang nghiên cứu áp dụng là cơ chế QDMT. Đây là cơ chế thuế suất tối thiểu nội địa nhằm ngăn chặn việc các quốc gia khác giành quyền đánh thuế và OECD cũng đang tích cực khuyến nghị áp dụng cơ chế này. Cụ thể, khi áp dụng cơ chế QDMT, các nước có thể bảo vệ quyền đánh thuế của mình bằng cách thực hiện việc thu thuế bổ sung bằng chệnh lệch giữa mức thuế tối thiểu nội địa với mức thuế ưu đãi dành cho các công ty con của các tập đoàn đa quốc gia trước khi số thuế này bị nộp về cho chính phủ nơi công ty mẹ đặt trụ sở do thuộc đối tượng áp dụng Thuế suất tối thiểu toàn cầu.
Thời gian qua, các nội dung thảo luận liên quan đến việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu đã trở thành chủ đề nóng của các diễn đàn kinh doanh tại Việt Nam.
Nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đã đề xuất Chính phủ Việt Nam nghiên cứu tác động của thuế tối thiểu toàn cầu đến quyền lợi của các doanh nghiệp nằm trong diện cải cách thuế này.
Ngày 4/8/2022, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 55/QĐ-TTg thành lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về nghiên cứu và đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế suất tối thiểu toàn cầu của OECD.
Hiện nay, Tổ công tác đang được kiện toàn nhân sự để nhanh chóng xây dựng khung pháp lý nội luật về thuế thu nhập doanh nghiệp liên quan đến việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, để đảm bảo các chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam được thực thi hiệu quả.
Trong khi thời điểm áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu đã cận kề, một số chuyên gia cho rằng, Việt Nam không thể chậm trễ trong việc rà soát chính sách hiện hành một cách toàn diện để tìm hướng đi phù hợp nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực, đảm bảo vị thế cạnh tranh của môi trường đầu tư.
Các chuyên gia quốc tế cũng cho rằng Việt Nam có thể xem xét nhiều cách khác nhau để thu hút đầu tư nước ngoài và khuyến khích các nhà đầu tư hiện tại như hoàn thiện hệ thống pháp luật nội địa, hiện đại hóa việc quản lý thuế, nâng cao hiệu quả của các chính sách thuế và đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ đầu tư, nhất là các biện pháp hỗ trợ sau thuế theo xu thế chung và phù hợp với các cam kết quốc tế.
Nguyễn Đức