Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ngày 22/11 tại Hà Nội, Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan) phối hợp với Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội nghị "Đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế - hải quan 2022".
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết, sau 2 năm ảnh hưởng bởi dịch bệnh, chương trình đối thoại năm nay được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Hà Nội và TPHCM, đánh dấu năm thứ 17 chương trình đối thoại giữa Bộ Tài chính với cộng đồng doanh nghiệp nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình vận hành các cơ chế quản lý nhà nước đối với ngành thuế - hải quan hoặc phát sinh từ thực tiễn kinh doanh của doanh nghiệp. Đây cũng là cơ hội để củng cố quan hệ giữa cơ quan thuế - hải quan với cộng đồng doanh nghiệp trong chia sẻ thông tin, cùng nhau thảo luận các cơ chế hợp tác phù hợp, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho hoạt động của cả hai bên.
Chủ tịch VCCI cũng nhấn mạnh, các nỗ lực cải cách của Bộ Tài chính đã mang lại những kết quả quan trọng tác động đến môi trường hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, thời gian qua tình hình thế giới biến động rất nhanh, phức tạp, chưa có tiền lệ; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; xung đột Nga - Ukraine kéo dài; lạm phát thế giới tăng cao, xu hướng tăng lãi suất, thắt chặt chính sách tiền tệ… dẫn đến suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu; rủi ro tài chính, tiền tệ, mất an ninh năng lượng, lương thực đang hiện hữu… Ở trong nước, áp lực lạm phát tăng cao; giá xăng dầu, nguyên vật liệu biến động mạnh, ảnh hưởng lớn đến nhiều ngành, lĩnh vực, tác động tiêu cực tới sản xuất kinh doanh và đời sống người dân.
Trong bối cảnh đó, Bộ Tài chính đã chủ động theo dõi sát diễn biến thực tế để nghiên cứu, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền cũng như ban hành theo thẩm quyền các giải pháp về gia hạn các khoản thuế. Đồng thời, để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để đề xuất, tham mưu với Chính phủ trình Quốc hội thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Đồng thời tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp về gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất. Dự kiến thực hiện các giải pháp này trong năm 2022 sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân với giá trị tiền thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí là khoảng 233 nghìn tỷ đồng (trong đó, số tiền thuế, phí, lệ phí được miễn, giảm khoảng 98 nghìn tỷ đồng; số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn khoảng 135 nghìn tỷ đồng). Có thể thấy, đây là năm mà các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân về thuế, phí và lệ phí với quy mô lớn nhất, phạm vi áp dụng rộng nhất trong nhiều năm qua.
Đặt trong bối cảnh nguồn thu ngân sách nhà nước bị ảnh hưởng lớn, trong khi đó vẫn phải bảo đảm nhu cầu chi cho các hoạt động thường xuyên, đảm bảo nguồn vốn cho đầu tư phát triển và đặc biệt là việc tăng nhu cầu chi về an sinh xã hội, chi cho công tác phòng chống dịch bệnh... thì việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ nêu trên càng thể hiện sự quyết tâm luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.
Trong thời gian tới, bên cạnh những yếu tố tích cực, thuận lợi, dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức từ những tác động bất lợi chung của kinh tế thế giới, áp lực lạm phát tăng cao... ảnh hưởng tới quá trình hồi phục và phát triển của nền kinh tế. Lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình thực tế để nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phù hợp. Trước mắt sẽ tập trung triển khai quyết liệt và hiệu quả các giải pháp về thuế, phí, lệ phí đã và sắp được ban hành trong thời gian tới; đồng thời tổng kết, đánh giá việc thực hiện để có các giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn.
Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu, tham mưu việc đánh giá, rà soát và sửa đổi, bổ sung các luật về thuế theo đúng Chiến lược Cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 nhằm hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách thuế phù hợp với các tiêu chuẩn của hệ thống thuế tốt theo thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu về nguồn lực để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, hướng tới một hệ thống thuế có cơ cấu bền vững, bảo đảm huy động hợp lý các nguồn lực cho ngân sách nhà nước. Đồng thời, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công bằng, khuyến khích đầu tư, thúc đẩy cạnh tranh, điều tiết thu nhập hợp lý, phù hợp với quá trình hội nhập, phát triển bền vững của nền kinh tế.
"Bộ Tài chính cũng sẽ tiếp tục cải cách trên mọi mặt công tác: Hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy, cải cách thủ tục hành chính theo hướng toàn diện và hiệu quả hơn, tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hoá các lĩnh vực của ngành tài chính, đặc biệt là trong các lĩnh vực thuế, hải quan, vốn được xem là các lĩnh vực có liên quan nhiều và trực tiếp tới doanh nghiệp, người dân nhằm tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp để cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia", Thứ trưởng Cao Anh Tuấn nhấn mạnh.
Anh Minh