Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Dịch bệnh hại lúa diễn biến phức tạp
Theo báo cáo của Cục Bảo vệ thực vật (BVTV)– Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) ngày 6/8, tại các tỉnh Bắc Bộ, bệnh lùn sọc đen xuất hiện triệu chứng trên lúa ở 17/25 tỉnh, thành với diện tích nhiễm gần 3.300 ha. Cho đến nay đã tiến hành tiêu hủy và nhổ cây bệnh là gần 1.700 ha; phun phòng trừ rầy trên diện tích gần 47.600 ha.
Diện tích bị nhiễm bệnh sâu cuốn lá nhỏ trưởng thành lứa 5 (trong tuần từ 2-7/8) là trên 382.500 ha, trong đó bị nặng gần 197.200 ha. Hiện tượng vàng lá lúa cũng đang lây lan trên diện rộng. Ngoài ra còn có bệnh đạo ôn lá, khô vằn, ốc bươu vàng, chuột … gây hại diện hẹp.
Các tỉnh Bắc Trung Bộ, tình hình cũng không khả quan hơn. Từ đầu vụ đến nay bệnh lùn sọc đen đã phát sinh gây hại trên 5.750 ha lúa ở thời kỳ đẻ nhánh – làm đòng tại các tỉnh trong vùng (Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế…). Trên cây mía cũng xuất hiện bệnh chồi cỏ ở Nghệ An (với gần 1.900 ha, trong đó nhiễm nặng 305,8 ha); bọ hung đen gây hại ở Thanh Hóa với diện tích nhiễm 282 ha.
Ở các tỉnh phía Nam, đến ngày 6/8 vụ lúa hè thu 2010 đã xuống giống được gần 1,8 triệu ha; thu hoạch gần 1 triệu ha. Vụ lúa thu đông 2010 đã xuống giống hơn 188.500 ha. Tuy nhiên, cây trồng ở khu vực này cũng đang phải đối mặt với dịch rầy nâu, vàng lùn, lùn xoắn lá, sâu cuốn lá nhỏ và bệnh đạo ôn.
Cụ thể trên lúa hè thu năm 2010, diện tích nhiễm rầy trong tuần từ 2-7/8 là hơn 63.000 ha (tăng 30.042 ha so với tuần trước). Trên lúa thu đông 2010, diện tích nhiễm trong tuần là gần 22.300 ha (tăng 11.509 ha so với tuần trước). Bệnh đạo ôn lá có tỷ lệ lúa bị nhiễm bệnh cao với trên 43.200 ha (tăng hơn 4.700 ha so với tuần trước), trong đó, gần 2.900 ha nhiễm bệnh nặng.
Tại các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, ngoài dịch bệnh trên cây lúa, dịch bệnh trên cây công nghiệp như cà phê, tiêu, mía cũng đang phát sinh mạnh.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến sâu bệnh, hạn chế thấp nhất thiệt hại
Trước tình hình này, Cục BVTV đã chỉ đạo tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết và các đối tượng sâu bệnh hại chủ yếu trên các cây trồng chính, tổ chức phun trừ những diện tích cây trồng có mật độ sâu, tỷ lệ bệnh cao. Theo đó, Cục BVTV và Viện BVTV đã cử nhiều đoàn cán bộ xuống địa phương nắm tình hình, thu thập mẫu bệnh đem giám định, đồng thời thống nhất với địa phương các biện pháp xử lý.
Cụ thể, ở các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ, tiếp tục thực hiện Thông tư số 17/2010/TT-BNNPTNT ngày 26/3/2010 của Bộ NNPTNT, công văn số 975/BVTV-TV của Cục BVTV về việc chủ động phòng chống bệnh lùn sọc đen, lùn xoắn lá trên lúa vụ hè thu, vụ mùa 2010.
Nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 2450/CT-BNN-BVTV ngày 30/7/2010 về việc phòng chống sâu cuốn lá nhỏ và dịch bệnh hại lúa khác trên lúa vụ hè thu, vụ mùa 2010 ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế trở ra phía Bắc; tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến các đối tượng sâu bệnh hại chủ yếu trên các cây trồng chính; tổ chức phun trừ những diện tích cây trồng có mật độ sâu, tỷ lệ bệnh cao.
Các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên chú ý theo dõi sự xuất hiện bệnh virus trên các trà lúa, đặc biệt ở những vùng đã có bệnh phát sinh ở vụ trước. Tích cực kiểm tra đồng ruộng, nắm chắc diễn biến dịch rầy nâu và rầy lưng trắng, sâu đục thân 2 chấm, bệnh đen lép hạt, bệnh khô vằn trên lúa giai đoạn đòng-trỗ-chín; bọ trĩ, sâu keo, sâu cuốn lá chuột...trên lúa hè thu muộn, lúa mùa, lúa vụ 3 và lúa rẫy ở Tây Nguyên...
Riêng các tỉnh Nam Bộ cần theo dõi diễn biến thời tiết và tình hình dịch hại (rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá) để có cách phòng trừ kịp thời.
Kiều Liên