Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo TTXVN, Shilla Stay, thương hiệu bình dân của Khách sạn Shilla ở Hàn Quốc đang có nhiều gói giảm giá khác nhau cho khách hàng khi họ xuất trình giấy chứng nhận tiêm chủng. Khách sạn Millennium Hilton Seoul và Conrad Seoul, 2 khách sạn hàng đầu ở trung tâm thành phố Seoul, đang giảm giá từ 30-50% tại các nhà hàng buffet cho thực khách đã tiêm phòng.
Bên cạnh đó, các rạp chiếu phim, vốn có lượng người xem giảm mạnh trong bối cảnh đại dịch do các quy định giãn cách xã hội, cũng đang giảm giá. Ba chuỗi rạp lớn - CJ CGV, Lotte Cinema và Megabox - cho biết họ giảm giá 50% và tặng thêm 1 vé cho người đã tiêm phòng.
Các hãng hàng không và đại lý du lịch cũng đang nâng hạng và giảm giá cho khách hàng đã được tiêm chủng khi Chính phủ Hàn Quốc nới lỏng quy trình kiểm dịch bắt buộc trong 14 ngày đối với những người đã tiêm chủng.
Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), quy định mới dự kiến sẽ được thực hiện vào tháng 7/2021 và sẽ cho phép những người đã được tiêm chủng đầy đủ trong nước được miễn cách ly khi nhập cảnh từ nước ngoài nếu họ đã được tiêm chủng 2 tuần trước khi đi.
Công ty TMON, một trong những trang thương mại điện tử lớn của Hàn Quốc, đã "bắt tay" với các công ty du lịch địa phương để cung cấp các phiếu giảm giá và phiếu giảm giá có thể đổi lấy vé máy bay và gói du lịch.
Nhiều chính quyền địa phương của Hàn Quốc cũng đã đưa ra nhiều biện pháp khuyến khích khác nhau cho người đã tiêm chủng nhằm nỗ lực tăng tỷ lệ tiêm chủng và cuối cùng giúp người dân trở lại cuộc sống bình thường.
Những người đã tiêm có thể được miễn phí vào các công viên và cơ sở do chính phủ quản lý, chẳng hạn như phòng tập thể dục và có thể vào các trung tâm công cộng vốn bị đóng cửa.
Liên quan tới tình hình dịch COVID-19 tại Hàn Quốc, ngày 18/6, Bộ Y tế nước này thông báo ghi nhận 482 ca nhiễm mới COVID-19 trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 tại nước này lên 150.720 ca.
Như vậy, kể từ tháng 8/2020, số ca nhiễm mới mỗi ngày tại Hàn Quốc vẫn nằm ở 3 con số. Phần lớn số ca nhiễm hàng ngày tại Hàn Quốc chủ yếu được ghi nhận tại thủ đô Seoul, khu vực xung quanh tỉnh Gyeonggi cũng như các ca nhập khẩu.
Tính tới ngày 18/6, Hàn Quốc đã tiến hành xét nghiệm hơn 10.32 triệu người, trong đó có 10.043.713 ca cho kết quả âm tính.
KDCA cho biết kể từ khi Hàn Quốc bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vào ngày 26/2, tính đến ngày 18/6, đã có hơn 14,23 triệu người dân Hàn Quốc đã được tiêm mũi đầu tiên vaccine phòng COVID-19, chiếm khoảng 27,7% trong số 51,3 triệu dân số nước này.
Với kết quả này, Hàn Quốc đã đạt được mục tiêu sớm hơn dự kiến so với kế hoạch tiêm chủng đầy tham vọng đã đề ra đó là tới cuối tháng 6, 1/4 dân số sẽ được tiêm vaccine phòng COVID-19.
Nới quy định giãn cách xã hội
Ngày 20/6, Hàn Quốc đã công bố các quy định giãn cách xã hội mới cho phép tụ tập nhiều người hơn và dỡ bỏ các quy định đối với các doanh nghiệp trong bối cảnh chương trình tiêm chủng phòng dịch COVID-19 được đẩy nhanh.
Thủ tướng Hàn Quốc Kim Boo-kyum cho biết bắt đầu từ ngày 1/7 tới, Chính phủ nước này sẽ cho phép các cuộc tụ tập lên đến 6 người ở khu vực Thủ đô Seoul và vùng phụ cận. Con số này sẽ được nâng lên 8 người sau giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 2 tuần.
Hàn Quốc đã công bố lệnh cấm tụ tập từ 5 người trở lên ở khu vực Seoul và vùng phụ cận từ ngày 23/12/2020. Biện pháp này đã được áp dụng cho các khu vực khác vào tháng 1/2021.
Các cuộc tụ tập lên đến 8 người sẽ được cho phép ở các khu vực khác ngay lập tức bắt đầu từ tháng 7 tới.
Mở rộng áp dụng chế độ tuần làm việc tối đa 52 giờ
Cũng từ ngày 1/7, Hàn Quốc bắt đầu mở rộng áp dụng chế độ tuần làm việc tối đa 52 giờ với các doanh nghiệp dưới 50 nhân viên. Các tổ chức kinh tế đang đề nghị Chính phủ hoãn thực thi trong thời điểm hiện nay, do các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn vì dịch COVID-19.
Chế độ tuần làm việc tối đa 52 giờ được áp dụng nhằm cải thiện vấn đề thời gian làm việc “dài bậc nhất thế giới” của người lao động Hàn Quốc. Tháng 2/2018, Quốc hội Hàn Quốc thông qua dự thảo sửa đổi Luật tiêu chuẩn lao động quy định về chế độ này.
Ban đầu, chế độ dự kiến được thực thi với các doanh nghiệp có trên 300 nhân viên từ ngày 1/7 cùng năm. Tuy nhiên, Chính phủ Hàn Quốc đã cho các doanh nghiệp thêm 6 tháng để được “hướng dẫn thực hiện”.
Sau đó, các doanh nghiệp quy mô từ 50-299 nhân viên cũng được hoãn thực thi một năm, thay vì từ năm 2020 như kế hoạch ban đầu. Trong thời gian này, các doanh nghiệp sẽ vẫn phải thực thi quy định, nhưng không bị xử phạt nếu vi phạm.
5 tổ chức kinh tế lớn của Hàn Quốc gồm Hiệp hội thương mại quốc tế (KITA), Phòng Thương mại và công nghiệp Hàn Quốc (KORCHAM), Liên đoàn giới chủ Hàn Quốc (KEF), Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Hàn Quốc (KBIZ) và Liên đoàn doanh nghiệp tầm trung Hàn Quốc (FOMEK) mới đây ra tuyên bố chung, cho rằng trong tình cảnh khó khăn do dịch bệnh, việc Chính phủ thực hiện chế độ tuần làm việc tối đa 52 giờ trong khi không hề có đối sách bổ sung nào sẽ gây ra cú sốc cho các doanh nghiệp.
Chính phủ phải tạo thêm thời gian chuẩn bị cho các doanh nghiệp dưới 50 nhân viên, tương tự như đã làm với các doanh nghiệp trên 300 nhân viên và từ 50-299 nhân viên do các doanh nghiệp này có quy mô nhỏ, năng lực đối phó kém hơn.
Đặc biệt, các doanh nghiệp dưới 50 nhân viên đang gặp khó khăn nghiêm trọng trong việc tuyển thêm nhân lực, nhất là ngành xây dựng, đóng tàu, những lĩnh vực cần lao động tay nghề cao. Lập luận của giới doanh nghiệp là điều hoàn toàn có thể được chấp nhận.
Lao động trong nước thường có chiều hướng tránh các công việc nguy hiểm, độc hại, nên các doanh nghiệp thường phải tuyển dụng nhân lực nước ngoài. Tuy nhiên, do dịch COVID-19 mà vấn đề nguồn cung nhân lực nước ngoài hiện đang gặp khó khăn.
Trong tình hình này, nếu Chính phủ áp dụng chế độ tuần làm việc tối đa 52 giờ thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ khó có thể trụ vững. Do vậy, giới doanh nghiệp cho rằng Chính phủ cần tạo thêm thời gian và lập đối sách bổ sung cho doanh nghiệp trước khi thực hiện./.