Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 435/QĐ-TTg ngày 24/4/2023, sau cuộc làm việc với tỉnh Ninh Bình vào tháng 5/2023, sáng 19/10, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Trần Văn Sơn và Đoàn công tác VPCP tiếp tục làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Bình về tình hình sản xuất, kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn.
Trước khi làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Bình, chiều 18/10, Đoàn công tác VPCP đã đi khảo sát thực tế dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển, đoạn qua tỉnh Ninh Bình tại địa phận huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.
Tại UBND tỉnh Ninh Bình, cùng chủ trì cuộc làm việc có Bí thư tỉnh ủy Ninh Bình Đoàn Minh Huấn, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc. Tham gia đoàn có đại diện các bộ, ngành và các vụ, cục, đơn vị của VPCP cùng các sở, ngành của tỉnh Ninh Bình.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn nhấn mạnh, vào tháng 5/2023, Đoàn công tác của VPCP đã làm việc tại Ninh Bình để nắm bắt tình hình khó khăn tại địa phương trong việc triển khai kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và các dự án, công trình trọng điểm.
Từ cuộc làm việc này, Đoàn cũng đã ghi nhận các đề xuất, kiến nghị của tỉnh và đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở báo cáo của các đoàn công tác, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, cơ quan nghiên cứu, giải quyết, hướng dẫn cụ thể, dứt điểm, rõ ràng các kiến nghị của địa phương.
Để tiếp tục nắm bắt tình hình, những khó khăn, vướng mắc để kịp thời tháo gỡ theo thầm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền, Đoàn công tác của VPCP và các bộ, ngành Trung ương làm việc với tỉnh Ninh Bình để nghe báo cáo, trao đổi về những khó khăn, vướng mắc của địa phương trong quá trình triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng chiến lược, xuất nhập khẩu và các giải pháp, đề xuất kiến nghị với cấp có thẩm quyền.
Theo UBND tỉnh Ninh Bình, trước tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, ngay từ đầu năm, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, được các doanh nghiệp hưởng ứng tích cực, quyết tâm, nỗ lực vượt qua khó khăn.
Do vậy, tình hình kinh tế xã hội của tỉnh vẫn duy trì được mức tăng trưởng khá. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) trên địa bàn tỉnh 9 tháng năm 2023 ước đạt trên 37.886 tỷ đồng, tăng 6,84% so với cùng kỳ năm 2022 (xếp thứ xếp thứ 23/63 tỉnh, thành phố cả nước và đứng thứ 8/11 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Hồng). Trong đó, khu vực nông - lâm - thủy sản tăng 2,57%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 0,76% (riêng công nghiệp giảm 0,93%); khu vực dịch vụ tăng 14,27%.
Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp, nhất là các sản phẩm chủ lực của tỉnh vẫn gặp nhiều khó khăn, chỉ số phát triển công nghiệp (IIP) 9 tháng năm 2023 toàn tỉnh giảm 2,69%. Phần lớn các sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh có mức sản xuất giảm sút như: Modul camera, tai nghe điện thoại di động, xe ô tô 5 chỗ trở lên, xe ô tô chở hàng…; khối lượng tồn kho một số sản phẩm đến ngày 31/8 tăng như giày dép, đạm ure, kính xây dựng, xi măng…
Điểm sáng của tỉnh Ninh Bình là hoạt động thương mại và dịch vụ diễn ra sôi động và đạt được tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ, đặc biệt là các ngành du lịch, dịch vụ lưu trú và ăn uống. Hoạt động kinh doanh khách sạn, nhà hàng và dịch vụ du lịch đạt tốc độ tăng cao, lượng khách du lịch đến Ninh Bình tăng vượt bậc. Tổng số lượt khách đến các điểm thăm quan, du lịch trên địa bàn tỉnh 9 tháng năm 2023 ước đạt 5,5 triệu lượt khách, gấp gần 2,0 lần so với 9 tháng năm 2022. Doanh thu du lịch ước thực hiện trên 5.060 tỷ đồng, gấp 2,3 lần cùng kỳ năm trước.
Tuyến đường bộ ven biển tại địa bàn huyện Kim Sơn đang được tỉnh Ninh Bình tập trung triển khai - Ảnh: VGP/Gia Huy
Tỉnh Ninh Bình hiện đang tập trung đầu tư xây dựng dự án trọng điểm có sức lan tỏa cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của vùng. Đó là các dự án: Đầu tư xây dựng tuyến đường ĐT.482 kết nối Quốc lộ 1A với Quốc lộ 10 và kết nối Quốc lộ 10 với Quốc lộ 12B; dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển, đoạn qua tỉnh Ninh Bình, giai đoạn I; dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Ninh Bình, giai đoạn II; dự án Xây dựng tuyến đường Đông - Tây, tỉnh Ninh Bình giai đoạn I.
Trong đó, dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển, đoạn qua tỉnh Ninh Bình, giai đoạn I đi qua các huyện: Kim Sơn (Ninh Bình), Nghĩa Hưng (Nam Định) có tổng mức đầu tư trên 682 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương. Dự án đang tiến hành thi công phần cầu vượt sông Đáy và phần đường, thoát nước (phía Nam Định và Ninh Bình).
Dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Ninh Bình, giai đoạn II có tổng mức đầu tư trên 398 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương. Địa điểm qua các huyện: Nghĩa Hưng (Nam Định), Kim Sơn (Ninh Bình), Nga Sơn (Thanh Hóa). Hiện nay, dự án đã được phê duyệt, thiết kế bản vẽ thi công-dự toán, tổ chức lựa chọn xong nhà thầu thi công và chuẩn bị khởi công.
Tại buổi làm việc, tỉnh Ninh Bình đã nêu các khó khăn trong thực hiện các dự án đầu tư xây dựng; các công trình trọng tâm, trọng điểm. Như công tác giải phóng mặt bằng tuy đã thực hiện tốt nhưng trong quá trình thực hiện vẫn còn khó khăn, vướng mắc về công tác quy hoạch, xây dựng khu tái định cư mất nhiều thời gian dẫn đến bố trí cho người dân vào nơi ở mới chậm. Công tác xác định giá bồi thường đối với đất ở tại một số vị trí, khu vực còn gặp khó khăn do giá thực tế chưa có để so sánh, áp dụng…
Tỉnh cũng nêu các khó khăn về sản xuất kinh doanh liên quan đến việc hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn; một số doanh nghiệp sản xuất may mặc, giầy da, camera module thiếu đơn hàng; các doanh nghiệp sản xuất xi măng, đạm, phân bón, kính nổi gặp khó khăn về nguyên liệu sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm; nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa tìm được các đơn hàng mới.
Từ đó, tỉnh Ninh Bình kiến nghị VPCP và các bộ, ngành liên quan tiếp tục quan tâm tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho địa phương.
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn, Trưởng đoàn công tác bày tỏ vui mừng với những kết quả tích cực của tỉnh Ninh Bình trên các mặt kinh tế, xã hội.
Trong thời gian tới, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đề nghị tỉnh Ninh Bình quan tâm, tập trung hơn nữa để đẩy nhanh tốc độ triển khai dự án đường cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng. Đây là trục giao thông chiến lược kết nối đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, các địa phương và mở ra không gian phát triển mới cho Ninh Bình.
Đối với tuyến cao tốc này, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý điều chỉnh nhiệm vụ giao Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình chủ trì lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua tỉnh Ninh Bình và đầu tư bằng hình thức đầu tư công.
Vì vậy, Trưởng đoàn công tác đề nghị trong thời gian chờ Quốc hội ban hành Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số Luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ, tỉnh Ninh Bình khẩn trương hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tuyến đường để có thể triển khai ngay khi có chủ trương của Quốc hội. Ngoài ra, đề nghị tỉnh tiếp tục huy động mọi nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối nội vùng và liên vùng.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cũng đề nghị tỉnh Ninh Bình cần khẩn trương hoàn thiện và trình phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đồng thời tổ chức quản lý, thực hiện tốt quy hoạch, bảo đảm tích hợp, đồng bộ, thống nhất với quy hoạch vùng, quy hoạch ngành quốc gia. Trong đó, cần xác định rõ tiềm năng khác biệt và cơ hội nổi trội để Ninh Bình phát triển.
Đối với các kiến nghị của tỉnh, Đoàn công tác ghi nhận và sẽ hoàn thành báo cáo gửi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có giải pháp tháo gỡ.
Gia Huy