Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Trong giai đoạn trước dịch COVID-19, Trung Quốc là thị trường du lịch outbound (khách đi du lịch nước ngoài) lớn nhất thế giới, mang lại nguồn thu chiếm tới 20% doanh thu du lịch toàn cầu. Tuy nhiên với chính sách "Zero COVID", trong 3 năm qua (2020-2022) Trung Quốc đóng cửa và vì vậy, nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam trước đây khách du lịch Trung Quốc là nguồn khách lớn nhất, gặp khó khăn.
Chính phủ Trung Quốc mở cửa du lịch quốc tế từ ngày 8/1/2023 đã tạo ra hiệu ứng tích cực cho du lịch toàn cầu. Hầu hết các quốc gia dự kiến đón khách Trung Quốc đều đã đưa ra các chính sách thu hút nhanh lượng khách quan trọng này. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn, các nước cũng có các quy định trong kiểm soát việc phòng, chống dịch COVID-19.
Đối với Việt Nam, Trung Quốc là thị trường du lịch quốc tế lớn nhất, cả inbound (đón khách quốc tế vào) và outbound (đưa khách ra nước ngoài). Năm 2019, Việt Nam đón 5,8 triệu lượt khách Trung Quốc (chiếm gần 1/3 lượng khách quốc tế đến Việt Nam) và số người dân Việt Nam đi du lịch Trung Quốc (đạt khoảng 4,5 triệu lượt) cũng đứng đầu danh sách khách outbound của Việt Nam.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình chỉ ra những mặt còn hạn chế như: Tình trạng xuất hiện tour giá rẻ (thường gọi là tour 0 đồng), xuất hiện các công ty "núp bóng", hướng dẫn viên là người nước ngoài, lừa đảo trong mua bán hàng hóa. Nhiều cửa hàng, khách sạn, công ty lữ hành "chui" đã làm cho việc đón và phục vụ khách Trung Quốc ở nhiều nơi trở nên lộn xộn, khó khăn trong việc quản lý.
"Những việc làm trên đã gây bức xúc cho xã hội, làm ảnh hưởng đến thương hiệu Du lịch Việt Nam, gây thiệt hại cho ngành du lịch. Mặc dù nhiều cơ quan truyền thông báo chí, cơ quan quản lý du lịch ở Trung ương và địa phương đã vào cuộc nhưng cơ bản tình trạng nói trên chưa giải quyết được", ông Bình nói.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, với gần 155 triệu lượt khách đi du lịch nước ngoài năm 2019, mức chi tiêu 255 tỷ USD, Trung Quốc là một trong những thị trường nguồn khách quốc tế lớn và quan trọng nhất thế giới. Các nước trong và ngoài khu vực đều có những đầu tư, biện pháp cạnh tranh, đẩy mạnh khai thác thị trường này.
Dưới tác động của đại dịch COVID-19, Trung Quốc đã áp dụng chính sách "Zero Covid", đóng cửa gần như hoàn toàn với thế giới. Điều này đã để lại khoảng trống khó lấp cho thị trường du lịch quốc tế đến Việt Nam.
Kể từ khi mở lại hoạt động du lịch từ tháng 3/2022, du lịch Việt Nam đã và đang hoạt động nhộn nhịp trên cả nước. Những cố gắng và nỗ lực phục hồi, phát triển du lịch của các cơ quan quản lý từ cấp Trung ương tới địa phương, chung tay đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân đã giúp ngành du lịch đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Năm 2022, khách du lịch nội địa đạt trên 101 triệu lượt, tăng 68% so với kế hoạch năm và tăng 19% so năm 2019. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 495.000 tỷ đồng, vượt hơn 23% so với kế hoạch năm 2022. Tuy nhiên, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam vẫn chưa phục hồi. Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 3,6 triệu lượt, đạt 70% kế hoạch năm, nhiều doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ vẫn còn hoạt động khó khăn.
Việc Trung Quốc điều chỉnh chính sách phòng, chống dịch và xuất nhập cảnh từ ngày 8/1 là tín hiệu tích cực đối với ngành du lịch Việt Nam ngay trong những ngày đầu năm 2023. Khi các cửa khẩu đường bộ, đường biển được mở, đường bay thương mại giữa hai nước được nối lại, kỳ vọng mang lại cơ hội lớn cho các hoạt động du lịch quốc tế của toàn ngành, cũng như các địa phương, các doanh nghiệp.
Để sớm phục hồi lượng khách từ thị trường này trở lại mạnh mẽ hơn giai đoạn trước đại dịch, Tổng Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh đề nghị các địa phương, doanh nghiệp lưu ý một số nội dung. Trước hết, trong bối cảnh có thể có nhiều biến chủng COVID-19 mới, cần có những biện pháp vừa đón, phục vụ khách du lịch được chu đáo, cung cấp dịch vụ đa dạng, chất lượng, vừa phải bảo đảm an toàn, phòng chống dịch bệnh.
Tạo điều kiện thuận lợi về các thủ tục nhập cảnh, đi du lịch Việt Nam bằng đường bộ, đường không và đường thủy một cách thuận tiện nhất có thể, đặc biệt là đối với các địa phương có biên giới tiếp giáp Trung Quốc và giàu tiềm năng du lịch như tỉnh Quảng Ninh.
Kết nối, mở lại các đường bay thương mại tới các thành phố lớn, đặc biệt là những sân bay, thành phố trước đây là những trạm trung chuyển khách Trung Quốc đến Việt Nam sôi động nhất.
Đánh giá và xây dựng sản phẩm, dịch vụ du lịch phù hợp với nhu cầu và tính chất đặc thù riêng của du khách Trung Quốc sau đại dịch. Trên thực tế, sau đại dịch COVID-19, nhiều thói quen và nhu cầu đi du lịch của du khách trên toàn thế giới đã thay đổi. Trong đó khách Trung Quốc cũng không nằm ngoài sự ảnh hưởng này. Việt Nam rất cần những sản phẩm mới với chất lượng cao và sức cạnh tranh tốt nhằm đáp ứng khách hàng. Đây có thể là thời điểm thích hợp để chúng ta thay đổi lại phân khúc thị trường khách hướng tới chất lượng hơn, hiệu quả hơn.
Việc đầu tư chỉnh trang, hoàn thiện và nâng cấp cơ sở vật chất như: Cầu cảng, cửa khẩu, sân bay, khách sạn, nhà hàng, các điểm tham quan du lịch... cần được quan tâm, nhất là những cơ sở vật chất xuống cấp do điều kiện khí hậu không tốt và tần suất sử dụng thấp trong thời gian diễn ra đại dịch.
Kết nối thị trường, xúc tiến, quảng bá, các địa phương, doanh nghiệp có kế hoạch, đầu tư, kết nối lại thị trường, kết nối với các địa phương, doanh nghiệp, đối tác Trung Quốc trong việc giới thiệu, tổ chức cho khách Trung Quốc đi du lịch Việt Nam; tổ chức các chương trình gặp gỡ, khảo sát, giới thiệu sản phẩm, du lịch, đón các đoàn famtrip, KOL (người có ảnh hưởng xã hội) từ thị trường Trung Quốc...
Bên cạnh đó, cần ứng dụng công nghệ thông tin chủ động tiếp cận thị trường Trung Quốc trên các nền tảng mạng xã hội phổ biến ở Trung Quốc như weibo, douyin, xigua... phát triển trang web giới thiệu điểm đến, sản phẩm dịch vụ của địa phương, doanh nghiệp với phiên bản tiếng Trung để tiếp thị tới thị trường này.
Nguồn nhân lực du lịch cũng phải được quan tâm nhiều hơn sau thời gian dài bị tác động của dịch COVID-19. Lực lượng lao động trong ngành du lịch đã có sự dịch chuyển rất lớn, nhiều nhân lực trong ngành đã chuyển sang làm công việc khác do lượng khách trong nước và quốc tế sụt giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp du lịch giải thể, hoạt động cầm chừng...
Theo Tổng Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh, các địa phương, doanh nghiệp thảo luận, thống nhất các hoạt động cụ thể để toàn ngành, địa phương, doanh nghiệp có những giải pháp hiệu quả nhất thu hút khách du lịch Trung Quốc trong bối cảnh mở cửa biên giới sau gần 3 năm; mang lại những trải nghiệm mới mẻ, thú vị và để lại ấn tượng sâu sắc với du khách Trung Quốc; nâng cao sức cạnh tranh của Việt Nam với các điểm đến khách trong khu vực và quốc tế, góp phần hoàn thành mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2023.
Diệp Anh