• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Tìm hiểu về thiên tai thường xảy ra và các biện pháp phòng chống thiên tai ở Kon Tum

13/05/2011 09:20

Nước lũ năm 2009 tại cầu Đăk Bla-Kon Tum.
Thiên tai khá đa dạng về chủng loại cũng như quy mô tác động. Nguyên nhân hình thành của chúng cũng khác nhau nhưng có đặc điểm chung là đều gây tác động xấu đến đời sống của con người, có khi chúng là những thảm họa cho một vùng hay nhiều vùng rộng lớn.
Mưa lớn
Ở Kon Tum, mưa lớn xảy ra chủ yếu trong thời kỳ giữa và cuối mùa mưa. Lượng mưa lớn nhất trong một ngày ở Kon Tum có giá trị từ 100 - 280mm. So với các tỉnh lân cận, lượng mưa trong một ngày ở Kon Tum thuộc loại lớn. Kết hợp với địa hình núi cao, những trận mưa có cường độ lớn gây xói mòn và lũ quét nghiêm trọng, đặc biệt là các huyện Đăk Tô, Sa Thầy và những vùng núi thuộc huyện Kon Plong. Mưa có cường độ lớn, diện rộng tập trung từ 1 đến 2 ngày thường gây các trận lũ lớn. Mưa lớn sinh ra do một số nguyên nhân chính sau:
Mưa lớn do bão và áp thấp nhiệt đới
Kon Tum ở sườn Tây Trường Sơn tuy ít chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, ATNĐ, nhưng nhận được lượng mưa do ảnh hưởng của bão, ATNĐ rất lớn. Lượng mưa một ngày lớn nhất trong những trận bão đổ bộ từ Đà Nẵng đến Tuy Hòa thương vượt 100mm; lượng mưa ngày lớn nhất xảy ra ngày 29/9/2009 đạt từ 150 – 250mm. Vào những tháng có bão, lượng mưa do bão thường chiếm từ 60 – 80% lượng mưa tháng. Mưa lớn do ảnh hưởng của Bão, ATNĐ thường xảy ra từ khoảng giữa tháng 9 đến đầu tháng 12 hàng năm.
Mưa do gió mùa Tây Nam kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới
Thời kỳ tháng 7 đến giữa tháng 9 Kon Tum chịu sự khống chế của khối không khí nhiệt đới xích đạo nóng nhiều hơi ẩm gây mưa lớn. Vì vậy, tháng 7, tháng 8 là thời kỳ có mưa nhiều nhất trong năm.
Mưa do gió mùa Đông Bắc về sớm, cường độ mạnh
Ngoài hai loại hình thế gây mưa lớn chủ yếu ở trên còn phải kể đến loại hình thế gió mùa Đông Bắc về sớm có cường độ mạnh cũng gây mưa lớn ở Kon Tum.
Vào tháng 6 khi gió mùa Đông Bắc tràn về với cường độ mạnh kết hợp với trục rãnh thấp thường cho mưa rất lớn ở vùng phía Đông, Đông Bắc tỉnh. Diện mưa hẹp hơn do bão và dải hội tụ nhiệt đới, nhưng lượng mưa khá lớn; có thể đạt từ 80 – 150mm/ngày, chủ yếu tập trung ở các huyện Kon Plong, Tu Mơ Rông và bắc Đắk Glei.
Lũ, lụt, lũ quét, sạt lở đất
Nước lũ trên sông Đăk Bla – Kon Tum.
Theo Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Kon Tum thì hiện tại, tỉnh Kon Tum đã xác định nhiều điểm xung yếu có nguy cơ về lũ quét và sạt lở, như ở thành phố Kon Tum có 6 điểm; huyện Kon Rẫy có 4 điểm tại xã Đăk Côi, Đăk Tờ Lùng, Đăk Ruồng và thị trấn Đăk Rve; huyện Kon Plông có 11 điểm ở xã Măng Bút, Đăk Tăng, Đăk Ring, Đăk Nên, Ngọc Tem; huyện Đăk Hà có 8 điểm ở xã Đăk Psi, Đăk Hring, Ngọc Wang, Ngọc Réo; huyện Đăk Tô có 8 điểm ở xã Ngọc Tụ, Đăk Rơ Nga, Diên Bình, Đăk Trăm, Tân Cảnh, Kon Đào; huyện Ngọc Hồi có 2 điểm ở xã Đăk Ang, Đăk Nông; huyện Đăk Glei có 7 điểm ở các xã Đăk Pét, Xốp, Đăk Choong, Đăk Man, Đăk Kroong, thị trấn Đăk Glei và đặc biệt là ở các xã Đăk Sao, Đăk Na, Ngọc Yêu, Văn Xuôi (huyện Tu Mơ Rông). Cùng với các khu dân cư là hệ thống đường giao thông trên địa bàn, nhất là các tuyến đường trọng yếu có nhiều nguy cơ xảy ra sạt lở, ách tắc như đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 24, 40, 14 C và các tuyến Tỉnh lộ từ 671 đến Tỉnh lộ 678… cũng đang phải đối mặt với nguy cơ sạt lở cao.
Hạn hán
Hạn hán là hiện tượng mưa thiếu hụt nghiêm trọng kéo dài, làm giảm hàm lượng ẩm trong không khí và trong đất, làm suy kiệt dòng chảy trên sông suối và hạ thấp mực nước ngầm trong các tầng chứa nước trong đất.
Tình trạng thiếu nước trên sông Đăk Bla vào mùa cạn.
Ảnh hưởng của hạn hán đến sự phát triển kinh tế - xã hội
Hạn hán không xảy ra đột ngột như bão, lũ nhưng hậu quả của nó thường kéo dài và có thể gây thiệt hại rất lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và đặc biệt đối với các ngành như Nông nghiệp và Thủy điện...
Trong nhiều trường hợp hạn hán nghiêm trọng kéo dài làm suy thoái đất canh tác dẫn đến hoang mạc hóa, tức hệ sinh thái bị suy giảm thể hiện qua: Lớp phủ thực vật bị suy giảm hay kém phát triển; sự thiếu hụt ẩm và tích muối trong đất; giảm độ màu mỡ của đất và sa mạc hóa.
Ngoài những năm bị ảnh hưởng hạn do ảnh hưởng của biến đổi thời tiết có quy mô khu vực hay toàn cầu thì hàng năm tỉnh ta ít nhiều đều bị ảnh hưởng hạn với tính chất và quy mô nhỏ hơn. Nguyên nhân và đặc điểm của những đợt hạn này là:
- Hạn giữa mùa mưa
Thông thường mỗi đợt hạn này kéo dài khoảng 5 – 10 ngày, đôi khi tới 15 ngày hoặc hơn. Hàng năm hiện tượng này xảy ra thường vào thời gian từ tháng 6 đến tháng 8, khi ảnh hưởng của lưỡi áp cao này thì toàn bộ khu vực Tây Nguyện lượng mưa giảm hẳn.
- Hạn do mùa mưa bắt đầu muộn và kết thúc sớm
Thông thường mùa mưa trong tỉnh bắt đầu từ đầu tháng 5 và kết thúc khoảng cuối tháng 10 đầu tháng 11. Tuy nhiên có một số năm mùa mưa diễn ra không theo quy luật trên dẫn đến tổng lượng mưa năm sụt giảm so với trung bình nhiều năm. Hiện tượng này không thường xuyên nhưng cũng không phải là hiếm và mỗi khi xảy ra đều gây những thiệt hại về năng suất hoa màu, nhiều năm khô hạn đã ảnh hưởng mạnh đến đời sống KT-XH nói chung.
Trong mùa khô 2004 -2005 ở Tây Nguyêncó trên 30% dân số trong vùng thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng (riêng tỉnh Đắk Nông có tới 240.000 người bằng 60% dân số thiếu nước sinh hoạt); trên 200.000 ha cây trồng thiếu nước tưới. Hàng trăm ngàn con gia súc bị đói, khát (tỉnh Gia Lai đã có 450 con trâu, bò chết). Tỉnh Kon Tum có trên 3500ha cây trồng các loại bị thiệt hại, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của 4300 hộ gia đình. Mùa khô 2010 – 2011 tỉnh Kon Tum đã có trên 1300ha cây trồng bị hạn và hơn 2000ha cây trồng có nguy cơ ảnh hưởng; có khoảng 2.253 công trình nước sinh hoạt (giếng nước, nước tự chảy…) bị thiếu nước.
Lốc xoáy
Lốc xoáy là cơn gió xảy ra đột ngột và mạnh tới cấp gió bão, có hướng và tốc độ thay đổi nhanh chóng. Đường kính của của một lốc xoáy trung bình từ 30 – 300m (cá biệt có những lốc xoáy có phạm vi chiều ngang đến 5 – 6 km) thời gian tồn tại kéo dài 5-10 phút, ít khi quá 2 giờ. Khi xuất hiện và di chuyển qua các vùng, tùy theo quy mô của lốc xoáy mà nó để lại đằng sau một vệt dài tàn phá có khi kéo dài đến hàng trăm km.
Nguyên nhân của lốc xoáy cũng là do chênh lệch lớn về khí áp giữa hai vùng kế cận. Không khí lạnh tràn đến chỗ không khí nóng tạo ra dòng xoáy mạnh. Khi có lốc xoáy xuất hiện thường kèm theo sấm chớp và mưa rào lớn, thậm chí có mưa đá. Tốc độ di chuyển của lốc xoáy vào khoảng 50 - 90km/giờ, và sức gió vùng gần tâm cơn lốc có thể đạt đến mức 315km/h hay lớn hơn. Vì sức gió mạnh cấp gió bão nên sức tàn phá của lốc xoáy cũng rất lớn, có thể quật ngã các cây cổ thụ, bẻ gãy các cột điện hay ném những chiếc xe hơi chứa đầy hàng đi xa vài chục mét.
* Mưa đá
Theo khí tượng học, mưa đá là một hình thức giáng thủy (mưa) ở thể cứng dưới dạng các tinh thể băng rơi xuống mặt đất.
Ruộng dưa sau trận mưa đá.
Mưa đá được hình thành từ các đám mây giông phát triển rất mạnh, thường kèm với mưa rào lớn (tuy nhiên không phải cơn giông nào cũng cũng cho mưa đá). Các tinh thể băng rơi xuống thường có có nhiều kích thước và hình dạng khác nhau nhưng rất rắn chắc. Theo các tài liệu cho biết thì kích thước thước thường từ 5 – 50mm, trọng lượng phổ biến từ 5 – 50gram, tuy nhiên theo tài liệu lịch sử người ta cũng đã ghi lại được trận mưa đá lớn nhất thế giới xảy ra ngày 14/4/1986 ở Bangladet có trọng lượng 1020gram. Trận mưa đá này đã làm chết 92 người.
Mưa đá chỉ xảy ra trong thời đoạn ngắn từ một vài phút đến 20 phút, phạm vi ảnh hưởng phụ thuộc vào quy mô của cơn giông, vận tốc rơi của những “ hòn đá” gia tăng tỷ lệ thuận với kích thước của chúng (dao động trong khoảng 30 – 60m/s, tương đương với 100 – 200km/h). Như vậy đã có thể hình dung được mức độ gây thiệt hại của mưa đá là rất lớn, có thể làm chết người hay súc vật, làm thiệt hại nhà cửa, hoa màu...
CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI TỔNG HỢP
Phòng chống thiên tai (PCTT) là biện pháp mà con người lựa chọn nhằm hạn chế thiệt hại do chúng gây ra. Các biện pháp PCTTT ở Kon Tum phải là biện pháp tổng hợp, liên kết với nhau nhằm đảm bảo hạn chế được thiệt hại do hạn hán trong mùa khô và tránh được lũ lụt trong mùa mưa lũ. Chúng cần xây dựng dựa trên điều kiện tự nhiên, trình độ phát triển kinh tế xã hội của địa phương và tình hình thiên tai hàng năm. Kon Tum có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, cũng là nơi có nhiều dân tộc với các phong tục tập quán khác nhau sinh sống và là nơi bắt nguồn của các con sông lớn nên việc xây dựng và áp dụng các biện pháp PCTT cần chú trọng vấn đề môi trường sinh thái, đảm bảo duy trì và phát triển tốt bản sắc của mỗi dân tộc, đồng thời mang tính cộng đồng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương ở hạ lưu các con sông. Các biện pháp nên áp dụng là:
1- Tích cực tác động tới các nguyên nhân hình thành thiên tai ở Kon Tum:
Nổi lên vấn đề quan tâm bảo vệ rừng – mặt đệm của lưu vực, một yếu tố quan trọng liên quan đến quá trình điều hòa dòng chảy của lưu vực. Xác định được tầm quan trọng của rừng đối với việc bảo vệ môi trường sinh thái, phòng chống thiên tai, nhất là các khu rừng phòng hộ, có liên quan đến sự an toàn, tuổi thọ và khả năng phát huy tác dụng của các hồ chứa, Chính phủ đã có sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề phát triển bảo vệ rừng, trong đó có việc đẩy mạnh thực hiện định canh định cư của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng và đầu tư trồng mới ở những đất trống đồi núi trọc. Hiện tại một số địa phương ở Kon Tum cũng đang có những hành động kiến quyết bảo vệ rừng hiện có, đồng thời thu hồi đất rừng bị lấn chiếm trái phép để khoang nuôi, trồng mới trả lại mầu xanh cho cây rừng. Tuy nhiên, hiện ở Kon Tum vấn là một trong những vùng có diện tích đất trống đồi núi trọc và nương dãy bỏ hoang nhiều nên rất cần được đầu tư phủ xanh cây rừng).
2- Nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo Khí tượng Thủy văn.
Song song với việc tiếp tục bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ dự báo cho các dự báo viên, cũng cần đẩy mạnh đầu tư xây dựng bổ sung mạng lưới trạm quan trắc đo đạc, nhất là các trạm đo mưa và mực nước tại các lưu vực trọng yếu, những nơi mạng lưới quan trắc còn thưa thớt, những vùng đã từng xuất hiện những thiên tai đặc biệt nguy hiểm như lũ quét, lũ ống,vv. Nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống thông tin liên lạc. Đổi mới, đa dạng hóa công tác truyền tin, dự báo, phát báo,…
3- Đầu tư xây dựng, tu bổ và nâng cao năng lực phục vụ cho các công trình thủy lợi
Quy hoạch, bố trí hợp lý dân cư, chuyển đổi cơ cấu vật nuôi cây trồng, cân đối sản xuất theo hướng phù hợp với trình độ sản xuất và điều kiện tự nhiên trong đó chú trọng tài nguyên đất và tài nguyên nước,vv.. Khi thực hiện các nhiệm vụ này cần lưu ý đến các yêu cầu hiệu quả phòng chống thiên tai tổng hợp bao gồm cả thiên tai hạn hán, lũ lụt, lũ quét và các thiên tai khác. Trong đó, việc đảm bảo an toàn và hiệu quả sử dụng của hồ chứa trong điều kiện khí hậu thủy văn và mặt đệm có sự thay đổi đáng kể so với trước đây cần được quan tâm kỹ.
4- Chủ động bố trí thưc hiện các biện pháp phòng, tránh và hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra.
Trong điều kiện địa bàn rộng lớn, giao thông khó khăn, phương tiện hạn chế như ở Kon Tum thì công tác chuẩn bị về mọi mặt trong đó có việc sớm bố trí các phương án dự phòng là cần thiết nhằm có sự chủ động di dời khi có nguy hiểm. Chuẩn bị tốt về nơi ở tạm, khả năng cung cấp lương thực, thực phẩm , y tế,...
5- Tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức về thiên tai và các biện pháp phòng chống giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra cho mọi tầng lớp Nhân dân.
Đây là việc làm cần được thực hiện thường xuyên sao cho mọi người dân đều được tiếp cận với các thông tin kiến thức phòng chống thiên tai qua đó nhận thức được mức độ nguy hiểm của thiên tai; biết cách tự bố trí phòng tránh. Công tác tuyên truyền phải đạt hiệu quả giúp người dân hiểu rõ phòng chống thiên tai là trách nhiệm của cả cộng đồng để từ đó luôn đề cao ý thức cảnh giác, theo dõi chặt chẽ thông tin thời tiết thủy văn, tuân thủ sự chỉ đạo chung trong các vấn đề phòng chống thiên tai của chính quyền và cơ quan chức năng, củng cố đoàn kết, tương thân tương ái giúp đỡ lẫn nhau trong hoạn nạn.
Sinh thời Bác Hồ kính yêu của chúng ta đặc biệt quan tâm đến công tác chỉ đạo nhân dân tham gia đấu tranh phòng chống thiên tai: Theo ý kiến chỉ đạo của Bác: Công tác phòng chống lụt bão là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Không được chủ quan, ỉ nại vào quy luật tự nhiên đã biết. Điều đó chưa đủ. Phải chủ động và quyết tâm thắng giặc lụt, thiên tai. Thật vậy, việc chủ động nắm bắt diễn biến thời tiết thủy văn, dự báo sớm khả năng xuất hiện những biến động thời tiết có khả năng gây ra thiên tai bão lũ hay hạn hán, đồng thời phát huy sức mạnh Đại đoàn kết dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng thông qua sự chỉ đạo chặt chẽ của các cấp chính quyền là tiền đề cho việc thực hiện tốt các giải pháp trong công tác phòng chống và giảm nhẹ thiên tai ở Kon Tum.

Kỹ sư: Nguyễn Văn Huy