• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Tìm hướng đẩy mạnh tiêu thụ cao su nguyên liệu trong nước

(Chinhphu.vn) - Để đạt mục tiêu sử dụng 30% lượng cao su nguyên liệu cho công nghiệp chế biến sản phẩm cao su trong nước vào năm 2020 thì ngay từ bây giờ ngành cao su Việt Nam cần phải có những “cú hích” mạnh mẽ hơn nữa.

25/08/2014 10:10
Ảnh minh họa

Cao su thiên nhiên sơ chế tăng trưởng chậm

Theo báo cáo của Hiệp hội Cao su Việt Nam, lượng cao su thiên nhiên sơ chế cung cấp cho chế biến sản phẩm cao su công nghiệp trong nước tăng trưởng chậm và có xu hướng giảm.

Cụ thể, năm 2011 đạt 145/789,3 ngàn tấn, chiếm 18,4%; năm 2012 đạt 150/877,1 ngàn tấn, chiếm 14,7% và năm 2013 đạt 154/ 949,1 ngàn tấn, chiếm 16,2%.

Ông Võ Hoàng An, Tổng Thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam cho biết, cao su thiên nhiên được tiêu thụ trong nước chủ yếu là để chế biến thành những sản phẩm như săm, lốp, găng tay, linh kiện điện tử, đế giày, nệm gối… Riêng ngành lốp xe hiện đang tiêu thụ đến 70% sản lượng cao su thiên nhiên nhưng chủng loại lốp chất lượng còn nhỏ trong cơ cấu sản phẩm cao su thiên nhiên của Việt Nam. Vì vậy, một số nhà sản xuất lốp xe phải nhập khẩu bổ sung nguồn nguyên liệu từ nước ngoài.

Nguyên nhân là do việc quản lý chất lượng cao su thiên nhiên còn gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, Việt Nam đã có các tiêu chuẩn quốc gia về chất lượng nguyên liệu cao su thiên nhiên tương đương với các nước tiên tiến, nhưng chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các cơ sở sơ chế, chế biến cao su và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với nguồn nguyên liệu đầu vào cũng như với các nhà máy sơ chế mủ cao su.

Như vậy, điều này dẫn đến chất lượng của cao su sơ chế không ổn định nên các DN chế biến sản phẩm cao su công nghiệp ít sử dụng nguyên liệu cao su sơ chế trong nước mà lại nhập nguyên liệu cao su sơ chế từ nước ngoài.

Đặc biệt, nhiều DN chế biến mủ cao su tại Việt Nam chưa quan tâm đến việc nâng cao chất lượng các sản phẩm của mình. Ngoài ra, các DN sản xuất sản phẩm cao su thường là DN vừa và nhỏ nên không chỉ thiếu thông tin thị trường, đầu ra hạn hẹp, nhân lực yếu, công nghệ lạc hậu và khó tiếp cận với nguồn nguyên liệu có chất lượng đảm bảo của các nhà máy sản xuất cao su thiên nhiên quy mô lớn.

Kết nối DN chế biến và DN sản xuất

Ông Đoàn Xuân Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NNPTNT) cho biết, nhu cầu thị trường trong nước về sản phẩm cao su kỹ thuật là rất lớn, nhất là với ngành săm, lốp ô tô, xe máy.

Trong những năm tới, sản phẩm cao su công nghiệp trong nước sẽ có mức tăng trưởng khá hơn khi các nhà máy săm lốp quy mô lớn của DN FDI đi vào sản xuất ổn định như Kumho Tire Việt Nam (Hàn Quốc), Bridgestone Việt Nam (Nhật), Sailun Việt Nam (Trung Quốc), Chính Tân Việt Nam (Đài Loan)… Tuy nhiên, cần phải có những “cú hích” mạnh mẽ từ nhiều phía để các DN sản xuất sản phẩm cao su tăng tỷ lệ sử dụng cao su thiên sơ chế trong nước.

Tại hội thảo “Đẩy mạnh hiệu quả sử dụng và tiêu thụ cao su nguyên liệu trong nước” do Bộ Công Thương và Bộ NNPTNT tổ chức tuần qua tại TPHCM, các nhà quản lý, các chuyên gia trong ngành đều cho rằng để đẩy mạnh việc tiêu thụ cao su trong nước, giảm nhập khẩu nguyên liệu thô và phát triển công nghiệp chế biến sản phẩm cao su, bên cạnh những chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Chính phủ, các giải pháp chiến lược của Bộ, ngành và địa phương, thì bản thân các DN cung cấp nguyên liệu cũng như các DN sản xuất sản phẩm cao su phải có sự liên kết chặt chẽ để nâng cao chất lượng sản phẩm cao su từ hai phía.

Cùng với đó xây dựng mối liên kết chặt chẽ, tin cậy giữa nhà cung cấp nguyên liệu và nhà chế biến sản phẩm để từ đó các cơ sở sản xuất, chế biến chuyển đổi cơ cấu chủng loại cao su, phù hợp với nhu cầu sản phẩm của các DN sản xuất.

Theo đó, các DN sản xuất nguyên liệu phải chú trọng nghiên cứu những chủng loại cao su thiên nhiên sao cho, vừa phù hợp với nhu cầu trong sản xuất các sản phẩm cao su, vừa là ưu thế của Việt Nam như SVR 3L, SVR 10, SVR CV50/60, latex để nhân rộng quy mô. Đồng thời, cần cam kết đảm bảo nguồn cung cấp nguyên liệu, đảm bảo về số lượng và chất lượng đúng tiêu chuẩn quốc gia, kiểm soát giá thành, giá bán để tăng tính cạnh tranh và hiệu quả kinh tế cho ngành.

Đối với các DN sản xuất, cần tích cực tham gia nghiên cứu thị trường và công nghệ mới; quan tâm đầu tư cải tiến công nghệ, thiết bị; nâng cao trình độ nhân lực; tăng cường năng lực quản lý rủi ro và hiệu quả trong sản xuất; chia sẻ thông tin về sản phẩm chủ lực cho các DN sản xuất nguyên liệu cao su.

Đặc biệt, cần tận dụng ưu thế và nguồn nguyên liệu trong nước được thu hoạch và sơ chế từ các vườn cao su quy mô lớn để định hướng trong phát triển quy mô sản xuất của mình.

Chia sẻ về kinh nghiệm liên kết giữa nhà sản xuất cao su thiên nhiên sơ chế với nhà chế biến sản phẩm cao su, đại diện Công ty cổ phần VRG Khải Hoàn (nhà sản xuất găng tay y tế hàng đầu tại Việt Nam) cho biết, Khải Hoàn hàng năm xuất hơn 2 tỷ chiếc găng tay ra thị trường nội địa và thế giới. Nguồn nguyên liệu chủ yếu mà Khải Hoàn sử dụng là cao su thiên nhiên (latex) của Việt Nam với 16.000 tấn/năm.

Hình thức để đảm bảo nguồn nguyên liệu thường xuyên cho sản xuất là Khải Hoàn mua nguyên liệu cao su thiên nhiên sơ chế từ các đơn vị thành viên của Tập đoàn Cao su Việt Nam theo hợp đồng ký kết cho từng năm và dài hạn tùy theo từng đơn hàng đã ký kết.

Ngoài ra, Công ty CP Cao su Đồng Phú cũng cho rằng các nhà máy cung cấp nguyên liệu phải tập trung ứng dụng khoa học kỹ thuật; mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu chủng loại cao su để phù hợp với nhu cầu trong và ngoài nước; hợp tác nghiên cứu những sản phẩm cao su mà thường sử dụng các chủng loại cao su thiên nhiên ưu thế của Việt Nam như SVR 3L, latex, SVR 10…

Đứng về góc độ quản lý, ông Võ Hoàng An cho rằng ngành Cao su cần mở rộng các cơ sở chế biến sản phẩm cao su công nghiệp hiện có, tập trung đầu tư, mở sản xuất các sản phẩm cao su kỹ thuật phục vụ các ngành công nghiệp và dân dụng. Hoàn thiện các cơ chế chính sách nhằm hạn chế việc nhập khẩu các sản phẩm cao su sơ chế và cao su công nghiệp trong nước đã sản xuất được…

Thanh Thủy