Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tín dụng chính sách xây dựng thương hiệu OCOP
Đến thăm hộ gia đình đảng viên Hà Văn Ngọc, sinh năm 1989, người dân tộc Tày - Chủ nhiệm HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp thanh niên ở Bản Ké, thị trấn Yên Minh, huyện Yên Minh (Hà Giang) những ngày đầu năm mới, đúng vào thời điểm cuối buổi chiều, anh và các thành viên trong HTX lùa gia súc, gia cầm về chuồng. Sau một hồi gõ chuông, hàng nghìn con gà đen từ trên đồi vừa bay, vừa chạy ào ào về chuồng. Cùng với đó, hàng chục con bò vào chuồng, lũ dê vẫn nhẩn nha ăn cỏ bên bờ rào, tất cả đều hiện lên một cảnh tượng trù phú, no đủ.
Anh Ngọc chia sẻ, năm 2017, sau khi học xong ngành học về nông nghiệp, anh trở về quê kiếm việc làm. Lúc đó, gia đình anh là một hộ nghèo trong xã. Thấy cuộc sống gia đình quá vất vả, anh đăng ký chương trình khởi nghiệp của Trung ương Đoàn, được Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) cho vay 50 triệu để nuôi dê, nuôi ong. Vừa khởi nghiệp được vài năm, sắp thu hoạch kết quả thì đại dịch COVID-19 khiến tất cả lao đao.
Cũng may lúc đó, công việc nuôi ong trên rừng không bị dịch bệnh làm gián đoạn, anh Ngọc đã tìm mọi cách xoay sở để duy trì việc chăn nuôi. Năm 2022, sau khi trả nợ hết vốn vay lần thứ nhất, gia đình anh được NHCSXH cho vay tiếp 100 triệu. Cùng với số tiền vay được, gia đình anh Ngọc đã huy động, vay mượn thêm anh em bạn bè được 100 triệu nữa để bắt đầu mở rộng việc chăn nuôi trâu, bò, lợn gà, tiếp tục duy trì nuôi dê và ong.
Dần dần anh cùng 12 thành viên trong hợp tác xã đã hình thanh mô hình vừa chăn nuôi vừa trồng trọt. Hiện, anh có 5 ha đất rừng, trồng 2.500 gốc xoài, xen lẫn với ớt, bồ kết, sắn để nuôi gà. Với khoảng 3.000 con gà đen, trang trại của anh Ngọc không đủ nguồn cung, vì cứ đến lúc xuất chuồng là có người vào mua tận nơi. Ngay cả cây bồ kết, dù chưa đến vụ thu hoạch, nhưng đã có đơn vị bao tiêu đầu ra.
Tổng toàn bộ trang trại gồm cây trồng và vật nuôi của anh Ngọc có giá trị khoảng 2,5 tỷ đồng. Thu nhập của 12 thành viên trong HTX mỗi năm đạt khoảng 110 triệu đồng/người. Anh còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 6 lao động, với mức lương tối đa 6 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, anh Ngọc còn hỗ trợ giúp đỡ vợ chồng Hầu Mỹ Hồ và Tào Thị Bân là người dân tộc Mông ở Cao Bằng, bao ăn ở tại trạng trại. Anh Hồ là bệnh nhân chạy thận, nhưng nhờ có sự cưu mang, tạo công ăn việc làm của Ngọc nên vợ chồng đã có chỗ dựa để kiếm thêm thu nhập, có tiền chữa bệnh. HTX của Ngọc hiện có 3 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó có 2 sản phẩm mật ong Ngọc Tuyên và 1 sản phẩm gà đen.
Từ một hộ nghèo, anh Ngọc đã giúp gia đình và các thành viên trong HTX có công ăn việc làm, có thu nhập, không những thoát nghèo còn nâng cao đời sống vật chất cho bà con.
Trách nhiệm của đảng viên
Với những thành tích đạt được, anh Hà Văn Ngọc vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Là người dân tộc thiểu số, vươn lên thoát nghèo, làm giàu rồi lại được kết nạp Đảng, bên cạnh niềm vinh dự, tự hào, cùng là trách nhiệm. Thấm nhuần phương châm "Đảng viên đi trước, làng nước theo sau", anh Ngọc luôn cố gắng để mở lối làm kinh tế cho gia đình cũng như các thành viên trong HTX, đồng thời hỗ trợ cho những người dân làm kinh tế.
Nói về hiệu quả nguồn vốn vay chính sách, Giám đốc NHCSXH huyện Yên Minh Đỗ Văn Hùng cho biết "Là một đảng viên, anh Ngọc xứng đáng là điển hình tiêu biểu của địa phương với ý chí nghị lực và tinh thần trách nhiệm rất cao. NHCSXH coi hộ vay như anh Ngọc không những là nguồn động viên mà còn là niềm tin để gửi gắm giá trị nhân văn, từ đó giúp cho đồng bào các dân tộc miền núi có cơ hội thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Khi đồng vốn được giải ngân hiệu quả, thì chính đó đã đem lại nhưng "quả ngọt" cho hộ nghèo, cũng là lúc NHCSXH làm tròn trách nhiệm được Đảng, Nhà nước giao".
Chia sẻ thêm về kết quả thực hiện phong trào thi đua "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau", Giám đốc Đỗ Văn Hùng cho biết tiếp tục thực hiện hiệu quả phong trào thi đua của cấp uỷ, chính quyền địa phương phát động và không ngừng nêu cao trách nhiệm trong công tác giảm nghèo và vì người nghèo trên địa bàn, cụ thể đã triển khai phong trào rộng rãi đến toàn thể các cơ quan, đơn vị, UBND các xã thị trấn trên địa bàn huyện.
Các cấp chính quyền địa phương đã chỉ đạo các cơ quan đơn vị tiếp tục quan tâm chăm lo đời sống cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số; các chế độ chính sách ưu đãi cho gia đình chính sách và người có công, bảo trợ xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Đặc biệt thông qua các Chương trình mục tiêu quốc gia đã hỗ trợ xóa nhà tạm cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tổng số là 725 hộ, trong đó thuộc Chương trình Mục tiêu giảm nghèo bền vững là 655 hộ, chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc tiểu số là 65 nhà, từ các nguồn vốn chương trình khác là 25 hộ; hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia các dự án sinh kế cho các hộ gia đình hộ dân tộc thiều số, hộ nghèo trên địa bàn huyện...
VH