Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Sơ chế vải xuất khẩu tại Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu (Lục Ngạn). |
Sau quá trình đàm phán, kết nối, vải thiều Bắc Giang tiếp tục được xuất khẩu sang một số nước châu Âu.
Báo Bắc Giang dẫn thông tin từ Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu (Lục Ngạn) cho biết Công ty này đã ký được hợp đồng xuất khẩu vải thiều Bắc Giang sang thị trường các nước Pháp, Đức, CH Czech.
Hiện nay, Công ty đang hoàn thiện thủ tục để xuất khẩu vải thiều theo đường hàng không trong tuần tới. Toàn bộ vải xuất khẩu được đơn vị thu mua từ vùng trồng được cấp mã số và chăm sóc theo quy trình GlobalGAP, bảo đảm tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh. Vải được sơ chế theo quy trình xông hơi, khử trùng đóng gói tại dây chuyền của Công ty dưới sự giám sát của chuyên gia Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT).
Trong mùa vụ này, vải thiều Bắc Giang đã xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Mỹ, Malaysia, Đức, Singapore, Thái Lan, Campuchia…
Theo Sở Công Thương, tính đến ngày 12/6, tổng sản lượng vải thiều tiêu thụ toàn tỉnh đạt 88.726 tấn; lượng vải xuất khẩu đạt gần 36.400 tấn.
Đến thời điểm này, diện tích vải của huyện Tân Yên đã thu hoạch xong; lượng vải còn lại chủ yếu của huyện Lục Ngạn và một phần các huyện Lục Nam, Sơn Động, Lạng Giang.
Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cho biết hiện vải thiều đang tiêu thụ thuận lợi cả trong nước và xuất khẩu. Thị trường Trung Quốc vẫn chiếm ưu thế, chiếm 90% tổng lượng vải thiều xuất khẩu của tỉnh. Lượng vải bán sang thị trường Lào và Campuchia cũng tăng cao, đạt hơn 2.700 tấn.
Khu vực dành riêng cho vải thiều xuất khẩu tại Lạng Sơn. Ảnh: Báo Bắc Giang |
Tại huyện Lục Ngạn, năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên hầu hết các thương nhân Trung Quốc không sang Bắc Giang để trực tiếp thu mua vải. Tuy nhiên, do làm ăn với nhau đã lâu nên nhiều bạn hàng Việt Nam tại Lục Ngạn đã được thương nhân Trung Quốc chuyển tiền, đặt mua vải thiều Lục Ngạn với sản lượng hơn 30.000 tấn.
Nhiệm vụ của các thương nhân Việt Nam là thu mua, đóng gói và vận chuyển rồi giao hàng cho bạn tại cửa khẩu ở Lào Cai, Lạng Sơn. Vì thế, việc vận chuyển, thông quan sang Trung Quốc rất thuận lợi. Đây là tín hiệu vui cho người trồng vải trong những ngày tới.
BT