Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 396/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Bình.
Ninh Bình là vùng đất cố đô giàu truyền thống lịch sử, "địa linh nhân kiệt", nhiều tiềm năng phát triển, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh. Với đường quốc lộ 1A, cao tốc Bắc - Nam, cùng với cảng thủy nội địa, Ninh Bình là "cửa ngõ ra Bắc vào Nam", là nơi tiếp nối giao lưu kinh tế, văn hoá giữa châu thổ sông Hồng với Bắc Trung Bộ, giữa vùng đồng bằng Bắc Bộ với vùng rừng núi Tây Bắc.
Trong năm 2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình đã đoàn kết, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đạt nhiều kết quả tích cực, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Ninh Bình và những thành tựu quan trọng đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị; đóng góp tích cực vào thành tựu chung của cả nước trong năm 2022.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh Ninh Bình vẫn còn một số hạn chế như: Quy mô nền kinh tế nhỏ so với các tỉnh trong khu vực; phát triển kinh tế - xã hội chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, tăng trưởng kinh tế (GRDP) ở mức trung bình so với cả nước; tỷ lệ đô thị hóa và dân số thành thị thấp; sản phẩm du lịch chất lượng cao còn hạn chế; vùng sinh thái đồi núi phía Tây Nam chưa được khai thác hết; vấn đề bảo vệ môi trường cần được quan tâm; Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) chưa được cải thiện, xếp thứ 58/63 tỉnh, thành phố.
Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, tỉnh Ninh Bình khẩn trương hoàn thiện, trình phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; trong đó cần xác định, phát huy tốt nhất tiềm năng khác biệt, nổi trội, lợi thế cạnh tranh của địa phương, phát triển hài hòa, hướng đến phát triển văn hóa. Thực hiện tốt Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đã được phê duyệt, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trên lĩnh vực văn hóa, đi đôi với bảo vệ cảnh quan, môi trường.
Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nguồn vốn ODA, cắt giảm vốn đối với các dự án triển khai chậm; bổ sung vốn cho các dự án có khối lượng hoàn thành cao, xử lý nghiêm các trường hợp để phát sinh nợ đọng.
Thực hiện tăng thu, tiết kiệm chi. Đẩy mạnh hợp tác công tư, huy động mọi nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối nội vùng và liên vùng: Tuyến đường bộ ven biển; tuyến đường Đông Tây; cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng đoạn qua địa bàn tỉnh.
Thực hiện quyết liệt Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 03 Chương trình mục tiêu Quốc gia bảo đảm kịp thời, hiệu quả.
Đẩy mạnh chương trình tiêm vaccine COVID-19, không chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch. Đảm bảo nguồn cung thuốc chữa bệnh, thiết bị, vật tư y tế, xăng dầu trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm nâng cao thứ hạng các chỉ số, đặc biệt là Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
Chú trọng phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm hài hoà với phát triển kinh tế; triển khai tích cực, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Thực hiện tốt các chính sách người có công, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững.
Tăng cường đoàn kết, thống nhất, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của tỉnh trong sạch, vững mạnh, tiên phong đổi mới và phát triển.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, siết chặt kỷ luật, kỷ cương
Tỉnh Ninh Bình tiếp tục đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế dựa trên ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với thực hiện đồng bộ 03 khâu đột phá của Tỉnh bao gồm chuyển đổi số, chuyển đổi cơ cấu nguồn nhân lực, phát triển cơ sở hạ tầng.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, siết chặt kỷ luật, kỷ cương; sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.
Không ngừng củng cố tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Tiếp tục tăng cường phòng chống tham nhũng, tiêu cực; thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, không để khiếu kiện kéo dài.