Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ông Lê Văn Dư (Bình Định) tham khảo Nghị định số 27/2015/NĐ-CP ngày 10/3/2015 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân”, “Nhà giáo Ưu tú” thấy có nội dung về tiêu chuẩn danh hiệu “Nhà giáo Ưu tú” là "Nhà giáo có thời gian trực tiếp nuôi dạy, giảng dạy từ 15 năm trở lên. Cán bộ quản lý giáo dục có thời gian công tác trong ngành từ 20 năm trở lên, trong đó có 10 năm trở lên trực tiếp nuôi dạy, giảng dạy".
Ông Dư hỏi, thời gian làm Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng ở trường THPT, phải dạy số tiết/tuần theo quy định và được hưởng 30% phụ cấp ưu đãi ngành cho người trực tiếp đứng lớp có phải là "thời gian trực tiếp giảng dạy" không?
Về vấn đề này, Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời như sau:
Nghị định số 27/2015/NĐ-CP ngày 10/3/2015 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân”, “Nhà giáo Ưu tú” đã quy định rõ đối tượng đề nghị xét tặng danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân”, “Nhà giáo Ưu tú” tại Điều 2 bao gồm nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Nhà giáo Ưu tú” cụ thể đối với các đối tượng tại Điều 9 Nghị định này.
Bên cạnh đó, Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT ngày 21/10/2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định chế độ làm việc của giáo viên phổ thông cũng quy định rõ nhiệm vụ của từng đối tượng: giáo viên, giáo viên chủ nhiệm, Hiệu trưởng và Phó Hiệu trưởng.
Điều 7 Thông tư nêu trên quy định, Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng trường phổ thông có nhiệm vụ giảng dạy một số tiết để nắm được nội dung, chương trình giáo dục và tình hình học tập của học sinh nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý.
Do vậy, thời gian làm Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng có dạy đủ số tiết/tuần theo quy định, được hưởng phụ cấp ưu đãi ngành nhưng không được tính là thời gian trực tiếp giảng dạy.
Chinhphu.vn