Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Luật Phòng cháy, chữa cháy và các nghị định, thông tư hướng dẫn đưa ra yêu cầu các đơn vị tư vấn thiết kế hệ thống phòng cháy, chữa cháy các công trình công nghiệp và dân dụng đều phải có giấy phép về thiết kế phòng cháy, chữa cháy do Bộ Công an cấp; cũng như yêu cầu cán bộ thiết kế phòng cháy, chữa cháy phải có chứng chỉ do Bộ Công an cấp (phải học tập trung 6 tháng).
Theo ý kiến của Công ty CP Tư vấn xây dựng Điện 4, các quy định trên trái với Điều 45 Luật Điện lực.
Ngoài ra, Công ty cũng phản ánh việc trùng lặp về ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Theo đó, danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện tại Luật số 03/2016/QH14 nếu áp dụng cho doanh nghiệp tư vấn điện lực thì sẽ phải có 2 Giấy phép do 2 Bộ cấp (Bộ Công Thương và Bộ Xây dựng), cụ thể:
Mục 54 trong Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện là “tư vấn chuyên ngành điện lực”. Lâu nay các doanh nghiệp tư vấn đầu tư xây dựng điện lực (các nhà máy điện, trạm biến áp, đường dây tải điện) đều phải được Bộ Công Thương cấp Giấy phép hoạt động điện lực mới được hoạt động.
Các Mục 112, 113, 116 trong Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện là: Tổ chức thiết kế, thẩm tra thiết kế xây dựng; Tư vấn giám sát thi công xây dựng; Quản lý chi phí đầu tư xây dựng (bao gồm lập tổng mức đầu tư xây dựng và dự toán xây dựng).
Để được hoạt động trong các ngành nghề trên thì phải được Bộ Xây dựng cấp Chứng chỉ năng lực hoạt động của tổ chức xây dựng theo Khoản 4, Điều 148 Luật Xây dựng.
Qua Hệ thống Tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, Công ty CP Tư vấn xây dựng điện 4 kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét đối với các doanh nghiệp tư vấn chuyên ngành điện lực, nếu Giấy phép hoạt động điện lực đã có đủ nội dung ngành nghề thì không cần yêu cầu Chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng của Bộ Xây dựng cấp.
Và hệ thống phòng cháy, chữa cháy chỉ là 1 hạng mục trong nhà máy điện, trạm biến áp; nếu Giấy phép hoạt động điện lực đã cho phép thiết kế các công trình trên thì không yêu cầu Giấy phép về Thiết kế phòng cháy, chữa cháy cho các hạng mục đó nữa.
Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời như sau:
Theo Phụ lục 4 Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (ban hành kèm theo Luật số 03/2016/QH14 sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư), ngành, nghề “tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp” không phải là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.
Do vậy, các tổ chức có thể cung cấp dịch vụ tư vấn đấu thầu (mua sắm tập trung, lập hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu…) mà không phải thực hiện thủ tục lập hồ sơ, đăng ký là tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp.
Về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, chuyên ngành điện lực, chuyên ngành xây dựng, Khoản 1, Điều 15 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP quy định: “Hàng năm và theo yêu cầu quản lý của mình, Bộ, cơ quan ngang Bộ có trách nhiệm rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và các điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của mình”.
Điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, chuyên ngành điện lực, chuyên ngành xây dựng… thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng. Do vậy, đề nghị Công ty liên hệ với Bộ quản lý chuyên ngành để được giải đáp cụ thể.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với các Bộ trong quá trình rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và các điều kiện đầu tư kinh doanh.