Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du |
Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Hà Tĩnh chủ trì tổ chức kỷ niệm 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du (1765-2015) tại địa phương theo đúng quy định tại Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 22/7/2010 của Bộ Chính trị và Nghị định số 145/2013/NĐ-CP ngày 29/10/2013 của Chính phủ quy định về tổ chức ngày kỷ niệm, nghi thức trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua, nghi lễ đối ngoại và đón tiếp khách nước ngoài.
Theo Dự thảo Kế hoạch Kỷ niệm 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du do UBND tỉnh Hà Tĩnh xây dựng, nhiều hoạt động sôi nổi sẽ được tổ chức trong dịp này, bao gồm các hội thảo khoa học Quốc gia và Quốc tế; xuất bản các ấn phẩm liên quan đến Truyện Kiều và Nguyễn Du; xây dựng phim tư liệu, phim truyện, các tác phẩm sân khấu, âm nhạc về thời đại Nguyễn Du, cuộc đời, sự nghiệp Nguyễn Du và dòng họ Nguyễn Tiên Điền.
Đồng thời cũng sẽ tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, trình diễn về bản sắc văn hóa Việt, thi ngâm Kiều, lẩy Kiều, bình Kiều, nói chuyện về tác phẩm của Nguyễn Du. Tổ chức tuần văn hóa – du lịch Nguyễn Du tại Hà Tĩnh và một số tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Bình, Thừa Thiên Huế, Nghệ An, Thành phố Hồ Chí Minh...
Mới đây, Hội đồng chấp hành UNESCO đã ra Nghị quyết 191/EX32 về việc UNESCO cùng các quốc gia thành viên kỷ niệm trong hai năm 2014 và 2015 một số nhân vật có tầm ảnh hưởng đặc biệt trên thế giới. Nghị quyết nêu 93 nhân vật có những đóng góp lớn trong lĩnh vực văn hóa được kỷ niệm, trong đó có Đại thi hào Nguyễn Du của Việt
Nguyễn Du sinh ngày 23/11 năm Ất Dậu (1765) tại Thăng Long, mất ngày 10/8 năm Canh Thìn (1820), tên chữ là Tố Như, hiệu Thanh Hiên. Quê cha ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, nay thuộc Hà Tĩnh; quê mẹ tại Đông Ngàn, Kinh Bắc (nay thuộc Từ Sơn, Bắc Ninh). Đây đều là những vùng quê văn vật, có truyền thống văn hóa, khoa cử nổi tiếng. Nguyễn Du để lại một khối lượng tương đối lớn các trước tác rất có giá trị. Ông có 3 tập thơ chữ Hán, tổng cộng 250 bài: Thanh Hiên thi tập (Tập thơ của Thanh Hiên) gồm 78 bài; Nam Trung tạp ngâm (Ngâm vịnh tản mạn trên đường từ Nam ra Trung) gồm 40 bài; Bắc hành tạp lục (Ghi chép tản mạn trên đường đi sứ phương Bắc) gồm 132 bài. Đây là 3 tập thơ đánh dấu những chặng đường nghệ thuật quan trọng với những nỗi buồn mang tính nhân loại của Nguyễn Du. Về chữ Hán, ông còn có lời bình thơ hết sức tinh tế và sâu sắc cho tập thơ Hoa Nguyên thi thảo của Lê Quang Định và Hoa trình thi tập của Nguyễn Gia Cát. Về văn Nôm, Nguyễn Du sáng tác chủ yếu bằng hai thể thơ lục bát và song thất lục bát, gồm: Văn chiêu hồn, Đoạn trường tân thanh (Truyện Kiều), Thác lời trai phường nón và Văn tế sống hai cô gái Trường Lưu. Truyện Kiều là tác phẩm vĩ đại nhất, làm nên tên tuổi thực sự của Nguyễn Du, nơi thể hiện cao nhất chủ nghĩa nhân đạo của ông. Truyện kiều được viết dưới hình thức truyện Nôm – một thể loại văn học thuần túy dân tộc, có nguồn gốc sâu xa từ truyện thơ dân gian đã được bác học hóa và là sáng tạo nghệ thuật của văn học thế kỷ XVIII-XIX. Thể thơ mà Nguyễn Du lựa chọn là lục bát, cũng là một thể thơ thuần túy dân tộc. Truyện Kiều kết tinh tinh hoa của văn hóa, văn học dân tộc phát triển qua hàng ngàn năm lịch sử và chứa đựng trong đó những vấn đề xã hội mang tầm nhân loại. Truyện Kiều đã có những ảnh hưởng hết sức lớn lao trong đời sống xã hội, trong văn hóa và văn học, trở thành cuốn sách của mọi người, tạo nên xung quanh nó một môi trường văn hóa đặc biệt với những hình thức như bói Kiều, nảy Kiều, vịnh Kiều, chèo Kiều, cải lương Kiều v.v… do tính nhân đạo ở tầm vóc toàn nhân loại của tác phẩm. Truyện Kiều đã được dịch ra hơn 20 thứ tiếng, đặc biệt phổ biến tại Pháp và Mỹ. |
Phan Hiển