Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ảnh minh họa |
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tại phiên họp tổng kết năm 2019, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2020.
Thông báo nêu rõ, năm 2019, Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục khẳng định là trụ cột vững chắc bao trùm lên mọi lĩnh vực đời sống xã hội được Ban Chỉ đạo Trung ương, các cấp, các ngành thực hiện nghiêm túc, tạo sự chuyển biến tích cực góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, kế hoạch về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước; chăm lo xây dựng đời sống văn hóa tinh thần cho người dân ngày một tốt hơn.
Nhiều nội dung hoạt động của Phong trào được lồng ghép, kết hợp triển khai sâu rộng trong xã hội; khía cạnh văn hóa, môi trường đã được chú trọng hơn trong các phong trào thi đua chung của đất nước như: xây dựng nông thôn mới, khuyến học, an toàn giao thông...; nhiều giá trị văn hóa tốt đẹp được bảo tồn, phát huy; công tác quản lý và tổ chức lễ hội từng bước đi vào nề nếp, tạo không khí vui tươi, phấn khởi. Việc cưới, việc tang tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Nhiều tấm gương điển hình trong văn hóa ứng xử ở các lĩnh vực đã được lan tỏa và nhân rộng.
Công tác kiểm tra, giám sát hoạt động Phong trào được Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm túc, kiên quyết loại bỏ bệnh chạy theo thành tích, góp phần nâng cao nhận thức cho người dân về mục đích, ý nghĩa của Phong trào trong xây dựng và phát triển đất nước.
Bên cạnh kết quả đã đạt được, một số cơ quan, đơn vị ở Trung ương và địa phương chưa vào cuộc quyết liệt, bị động, không sâu sát với nhiệm vụ được phân công; hoạt động bình xét các danh hiệu văn hóa và hoạt động của Phong trào vẫn còn nặng về hình thức. Công tác tuyên truyền về thực hiện Phong trào mặc dù đã được các cấp, các ngành và địa phương quan tâm, tuy nhiên kết quả đạt được chưa cao, chưa tương xứng với vị thế và nội hàm của Phong trào.
Năm 2020 là năm diễn ra nhiều sự kiện lớn của đất nước, là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Ban Chỉ đạo các cấp cần xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện thật tốt các nội dung của Phong trào, tạo sự chuyển biến tích cực và sâu rộng hơn nữa trong mọi lĩnh vực, tầng lớp nhân dân.
Trong đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn triển khai thực hiện việc bình xét và công nhận các danh hiệu văn hóa theo quy định tại Nghị định số 122/2018/NĐ-CP ngày 17/9/2018 của Chính phủ; tổng hợp những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị từ các địa phương về việc thực hiện Nghị định này; hướng dẫn, rà soát, sửa đổi các tiêu chí văn hóa trong Phong trào phù hợp với thực tiễn hiện nay.
Tổ chức tuyên dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, có thành tích xuất sắc trong thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2000 - 2020; tăng cường công tác tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ, phổ biến kịp thời nội dung các văn bản mới liên quan đến thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” cho cán bộ làm công tác phong trào tại Trung ương và các địa phương.
Bộ Giáo dục và Đào tạo tập trung tuyên truyền, giáo dục học sinh, sinh viên những hành vi ứng xử văn hóa trong nhà trường. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục đào tạo nâng cao trách nhiệm quản lý học sinh, sinh viên; nghiên cứu giải pháp phòng ngừa bạo lực học đường, xâm hại trẻ em; tăng cường giáo dục pháp luật về văn hóa giao thông; không sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông.
Bộ Y tế đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho y bác sĩ tại các cơ sở khám chữa bệnh; trong đó tập trung vào việc nâng cao ứng xử văn hóa, y đức của y bác sĩ, cán bộ y tế đối với người dân đến khám, chữa bệnh.
Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan truyền thông, báo chí nghiên cứu các giải pháp tuyên truyền hiệu quả nội dung thực hiện Phong trào; phân loại đối tượng, lứa tuổi, cách thức để có phương pháp tuyên truyền phù hợp.
Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện Phong trào tại các địa phương
Các cơ quan thành viên khác của Ban Chỉ đạo Trung ương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Phong trào tại các địa phương theo sự phân công, bảo đảm hài hòa với chương trình công tác của các địa phương đến kiểm tra; kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc, chủ động tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương; lựa chọn các nội dung cụ thể của Phong trào thuộc lĩnh vực quản lý để tập trung chỉ đạo trong xây dựng đời sống văn hoá, nhất là văn hóa công sở, doanh nghiệp, trường học..., đặc biệt chú trọng chấn chỉnh kỷ cương, đẩy lùi “bệnh hình thức”.
Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương, các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo chủ động, tích cực trong công tác phối hợp và trong phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức đoàn thể xã hội khác và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức hiệu quả truyền thông thực hiện Phong trào, chú trọng lồng ghép các nội dung liên quan đến xây dựng đời sống văn hóa trong các phong trào thi đua khác; đẩy mạnh tuyên truyền qua các phương tiện truyền thông đại chúng, không chỉ trên báo chí mà chú trọng truyền thông trên mạng xã hội, kiên quyết phản bác các hành vi phản văn hóa, lệch chuẩn về văn hóa, lên án mạnh mẽ các tệ nạn như nghiện hút ma tuý, mại dâm, tệ nạn rượu bia, các hình thức đánh bạc, cá độ... gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ vào tình hình và điều kiện thực tế, có hình thức phù hợp tổ chức tổng kết 20 năm thực hiện Phong trào giai đoạn 2000 - 2020 tại địa phương; đưa nội dung thực hiện phong trào vào Nghị quyết Đảng bộ địa phương và văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Tiến hành khen thưởng theo thẩm quyền và đề xuất Ban Chỉ đạo Trung ương khen thưởng các cá nhân, tập thể có thành tích trong thực hiện Phong trào. Trên cơ sở tổng kết thực tiễn, đề xuất các giải pháp thực hiện Phong trào trong giai đoạn tiếp theo, đảm bảo thực chất, khách quan, hiệu quả; tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn, bảo đảm vệ sinh môi trường trong xây dựng nông thôn mới.