Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus. |
Phát biểu trong cuộc họp báo mới đây, người đứng đầu WHO lưu ý biến thể Delta hiện đã có mặt ở ít nhất 98 quốc gia trên thế giới. Theo ông, biến thể này vô cùng nguy hiểm, do nó vẫn biến đổi và đang "thống trị" ở nhiều quốc gia.
Người đứng đầu WHO cho rằng cần theo dõi các đột biến mới của virus SARS-CoV-2, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xét nghiệm lây nhiễm, phát hiện sớm, cách ly người nhiễm và điều trị, cũng như cần tuân thủ tất cả biện pháp phòng ngừa, trong đó có việc đeo khẩu trang, duy trì giãn cách xã hội.
Ngoài ra, ông Ghebreyesus cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế đảm bảo cùng kỳ năm sau, sẽ có 70% người dân ở mỗi nước đã được tiêm vaccine phòng bệnh. Để đạt được điều này, các nước cần giúp đỡ lẫn nhau về vaccine phòng COVID-19, máy thở, thuốc men và các xét nghiệm, đồng thời tăng tốc độ tiêm chủng. Ông khẳng định đây là cách tốt nhất để làm chậm đại dịch COVID-19, cứu sống, thúc đẩy sự phục hồi kinh tế toàn cầu và ngăn chặn sự gia tăng của các biến thể mới nguy hiểm của virus SARS-CoV-2.
Theo người đứng đầu WHO, hiện đã có 3 tỷ liều vaccine được phân phối trên thế giới, song chưa đầy 2% trong số này được đưa tới các nước nghèo. Mặc dù các nước giàu, trong đó có Anh, Canada, Mỹ, Pháp... cam kết viện trợ 1 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19, WHO ước tính thế giới vẫn cần tới 11 tỷ liều để có thể đạt được miễn dịch cộng đồng.
Cảnh báo của WHO đưa ra trong bối cảnh tỷ lệ tử vong tại Ấn Độ đã vượt qua 400.000 người. Nga, Indonesia và Thái Lan cũng chứng kiến số ca tử vong kỷ lục theo ngày. Nhật Bản đang cân nhắc khả năng sẽ không cho phép khán giả tham dự Thế vận hội dự kiến diễn vào tháng 7 này...
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 9h00' sáng 4/7 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 184.215.590 ca mắc COVID-19, trong đó có 3.986.895 ca tử vong. Hiện vẫn còn hơn 11,6 triệu bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, hơn 168,59 triệu người đã hồi phục và xuất viện.
Trong 24 giờ qua, toàn thế giới ghi nhận thêm 374.372 ca mắc mới và 6.973 ca tử vong. Châu Á là khu vực ghi nhận số ca mắc mới nhiều nhất, với 140.838 ca, trong khi Nam Mỹ là khu vực có số ca tử vong cao nhất thế giới, với 2.824 ca.
Ấn Độ và Indonesia là 2 nước châu Á có số ca nhiễm mới cao nhất khu vực, lần lượt là 43.296 và 27.913.
Chính quyền Palestine (PA) cũng quyết định gia hạn tình trạng khẩn cấp do sự lây lan biến thể Delta tại các vùng lãnh thổ của Palestine. Trong 24 giờ qua, Palestine ghi nhận thêm 83 ca mới mắc COVID-19 tại Bờ Tây và Dải Gaza, 1 trường hợp tử vong. Palestine lần đầu tiên ban bố tình trạng khẩn cấp từ tháng 3/2020 sau khi phát hiện ca mắc COVID-19 đầu tiên. Kể từ đó, PA đã gia hạn hoặc tiếp tục ban bố tình trạng khẩn cấp hằng tháng.
Cũng trong 24 giờ qua, toàn châu Phi ghi nhận 42.968 ca nhiễm mới và 484 ca tử vong, trong đó Nam Phi ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất khu vực, với 26.000 ca.
Đây là ngày thứ hai liên tiếp, số ca nhiễm mới của nước này lên mức cao nhất từ trước đến nay, trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm thứ ba đang tấn công Nam Phi - nơi đa số người dân chưa được tiêm vaccine phòng bệnh.
Số ca nhiễm mới gia tăng cũng đã gây gánh nặng đối với hệ thống của Nam Phi, khi nhiều bệnh viện rơi vào cảnh thiếu giường bệnh và bác sĩ.
Trước tình hình trên, nhà chức trách Nam Phi đã phải áp đặt các hạn chế đóng cửa 1 phần. Tính đến nay, Nam Phi ghi nhận hơn 2 triệu ca nhiễm, trong đó có 61.500 người không qua khỏi. Hiện mới chỉ có 3,3 triệu người, tương đương 5% dân số đã được tiêm vaccine phòng bệnh.
Tại châu Âu, chủ yếu do sự lây lan của biến thể Delta, Anh là nước có số ca nhiễm mới cao nhất tại "lục địa già", trong 24 giờ qua ghi nhận 24.885 ca nhiễm mới. Trước tình hình trên, các bác sĩ nước này khuyến cáo cần duy trì một số biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại xứ England sau ngày 19/7 - thời điểm hầu hết các hạn chế hiện nay được dỡ bỏ. Trong một tuyên bố, Hiệp hội Y khoa Anh mong muốn người dân tiếp tục đeo khẩu trang.
Liên quan đến vấn đề vaccine, cảnh sát Italy tuyên bố phá vỡ một số âm mưu chào bán trực tuyến các chứng nhận kỹ thuật số của Liên minh châu Âu (EU) về COVID-19 giả mạo và vaccine phòng COVID-19. Tuyên bố của cảnh sát Italy nêu rõ, cuộc điều tra do văn phòng công tố tội phạm mạng ở Milan điều phối cho thấy hàng nghìn người đã sẵn sàng trả tiền cho những chứng nhận đã tiêm đủ vaccine phòng COVID-19 giả.
Cảnh sát Italy cho biết họ đã chiếm quyền kiểm soát 10 kênh trên dịch vụ nhắn tin mã hóa Telegram được liên kết với các tài khoản ẩn danh trên các thị trường trong các trang mạng đen (dark web), qua đó có thể liên hệ với người bán, những người đã yêu cầu thanh toán bằng tiền điện tử. Giá cả gói gồm chứng chỉ giả và 1 lọ vaccine dao động từ 110-130 euro (130-155 USD)./.