• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

TỔNG THUẬT: BỘ TRƯỞNG NGUYỄN THANH LONG TRẢ LỜI CHẤT VẤN

(Chinhphu.vn) - Ngày 10/11, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội sẽ tiến hành Phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long.

10/11/2021 20:25

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị mỗi đại biểu lựa chọn vấn đề tâm đắc nhất, đặt câu hỏi chất vấn ngắn gọn, trọng tâm trong vòng 1 phút, Bộ trưởng trả lời trong phạm vi 3 phút theo tinh thần “hỏi nhanh, đáp gọn”. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Nhất định không để dịch bệnh bùng phát một lần nữa

Phát biểu kết luận phần chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, sau hơn nửa ngày làm việc, phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực y tế đã có 32 đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi, 6 đại biểu Quốc hội phát biểu tranh luận.

Các đại biểu Quốc hội đã đặt câu hỏi cụ thể, rõ ràng, ngắn gọn, đúng nội dung theo tinh thần đổi mới trong hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Một số đại biểu Quốc hội chưa hoàn toàn đồng ý với trả lời của Bộ trưởng đã đăng ký tranh luận, trao đổi thẳng thắn, để đi đến cùng, làm rõ hơn các vấn đề chất vấn.

Với nhóm vấn đề về lĩnh vực y tế, các đại biểu Quốc hội đã chất vấn Bộ trưởng về một số nội dung cụ thể: Nguyên nhân để dịch COVID-19 bùng phát đợt 4 gây tổn thất nặng nề, bài học kinh nghiệm; trách nhiệm tham mưu của Bộ trong công tác dự báo, tham mưu các kịch bản, phương án thích ứng với diễn biến của tình hình dịch COVID-19. Trách nhiệm tham mưu của Bộ trong việc xây dựng và triển khai chiến lược vaccine; nguyên tắc phân bổ công bằng vaccine; những ý kiến liên quan đến rủi ro trong việc triển khai tiêm vaccine cho trẻ em từ 12-17 tuổi; công tác quản lý giá xét nghiệm COVID-19. Tình trạng lợi ích nhóm trong hoạt động nhập khẩu bộ kit test xét nghiệm; thời điểm vaccine trong nước được cấp phép và đưa vào sử dụng… Việc kết hợp áp dụng y học cổ truyền và y học hiện đại trong điều trị COVID-19; giải pháp để triển khai thực hiện đồng bộ Nghị quyết 128 của Chính phủ; quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả COVID-19 và Quyết định 4800 hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế do Bộ Y tế ban hành. Các chế độ, chính sách, công tác đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực ngành y tế, nhất là nhân lực chất lượng cao, tình trạng "chảy máu" nguồn nhân lực y tế do áp lực công việc cũng như chế độ, chính sách chưa phù hợp. Đánh giá việc khám, điều trị của đội ngũ y, bác sĩ khu vực công khi đồng thời tham gia hành nghề tại khu vực tư. Giải pháp giảm thiểu sự chênh lệch chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh giữa các tuyến và các vùng, miền, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa. Lộ trình thông tuyến khám chữa bệnh, chất lượng khám, sàng lọc; giải pháp nâng cao năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng. Việc phân cấp quản lý đối với hệ thống Trung tâm y tế cấp huyện, cấp xã; việc sắp xếp, bố trí mô hình trung tâm y tế huyện chức năng; giải pháp hỗ trợ về bảo hiểm y tế đối với người lao động bị ngắt quãng quá trình đóng bảo hiểm y tế do mất việc làm. Vấn đề quản trị các đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là trong điều kiện đã tự chủ tài chính; giải pháp nâng cao năng lực quản trị của người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là những bác sĩ chuyển từ hoạt động chuyên môn thuần túy sang làm công tác quản lý. Chủ trương xã hội hóa lĩnh vực y tế, trách nhiệm của Bộ trưởng trong việc xảy ra các sai phạm trong ngành y tế.

Theo Chủ tịch Quốc hội: Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tuy lần đầu tiên trả lời chất vấn trước Quốc hội nhưng cũng có thời gian công tác lâu năm trong ngành y tế và là một chuyên gia trong lĩnh vực này. 

Đồng thời, trong thời gian vừa qua khi đảm nhận chức vụ này đã rất sâu sát trong công việc chuyên môn, trong trách nhiệm tham mưu cho Chính phủ. Do đó, Bộ trưởng đã nắm vững các nội dung và trả lời hết tất cả các câu hỏi, các nội dung chất vấn của đại biểu Quốc hội quan tâm.

“Phần trả lời cơ bản đi đúng vào các nội dung chất vấn và cơ bản làm hài lòng đa số các đại biểu Quốc hội tham gia chất vấn", Chủ tịch Quốc hội đánh giá.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, kết thúc phiên chất vấn, Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết về vấn đề đã chất vấn, đưa ra những mục tiêu, yêu cầu, thời hạn để Chính phủ, Bộ trưởng và các bộ, ngành liên quan triển khai; các cơ quan của Quốc hội giám sát, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cử tri và Nhân dân theo dõi, đánh giá việc thực hiện.

Thay mặt Quốc hội, cử tri và nhân dân, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trân trọng ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương lực lượng y tế - những chiến sĩ áo trắng, cùng với các lực lượng tuyến đầu trong suốt gần 2 năm vừa qua, đặc biệt là trong đợt dịch thứ 4 đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, không quản ngại gian khổ, hy sinh, cùng toàn bộ hệ thống chính trị cống hiến hết mình cho sự nghiệp bảo vệ sức khỏe và tính mạng của nhân dân.

"Đây là những nghĩa cử cao đẹp để lại những tình cảm sâu đậm trong lòng Nhân dân và cử tri cả nước", Chủ tịch Quốc hội khẳng định.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mong muốn, trong thời gian tới, ngành y tế phải đúc kết được kinh nghiệm trong thời gian phòng, chống dịch để sớm tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành chiến lược tổng thể về kiểm soát dịch bệnh COVID-19 trong điều kiện thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả và linh hoạt; tuyệt đối không để xảy ra bị động, lúng túng, bất ngờ trên cơ sở nâng cao năng lực phân tích, đánh giá, dự báo và xây dựng các kịch bản, các phương án đối phó phù hợp nhất.

"Nhất định không để dịch bệnh bùng phát một lần nữa nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội, có điều kiện tiên quyết để phục hồi và phát triển kinh tế trong và hậu đại dịch", Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Bộ trưởng Tô Lâm: Tình trạng vi phạm pháp luật trong đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế phức tạp, nhất là vụ xảy ra tại bệnh viện lớn được khởi tố, điều tra. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Sai phạm của một số cán bộ y tế không vì lỗi cơ chế, hệ thống mà là lợi dụng khó khăn, lách luật để vi phạm

Chiều 11/10, tham gia trả lời câu hỏi trong nội dung chất vấn – trả lời chất vấn về lĩnh vực y tế,  Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã cho biết một số vấn đề về trách nhiệm lực lượng Công an cùng với ngành y tế tham gia chống dịch và xử lý một số vụ án, vụ việc có liên quan đến đấu thầu, mua sắm thiết bị y tế.

Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, thời gian vừa qua, hoạt động vi phạm liên quan đến đấu thầu, mua sắm các thiết bị y tế diễn ra rất phức tạp, các vụ vi phạm xảy ra các bệnh viện lớn đã được lực lượng Công an phát hiện, khởi tố và điều tra.

Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị chức năng quán triệt quan điểm chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư là phát hiện 1 vụ cảnh tỉnh cả vùng.

Trong đó, Công an các đơn vị, địa phương cũng đã chủ động nắm tình hình, nhận diện vi phạm, lựa chọn các khâu đột phá để kiên quyết đấu tranh, xử lý triệt để các hành vi vi phạm, có tác dụng cảnh tỉnh răn đe cả lĩnh vực. Điển hình là một số vụ như sai phạm tại CDC Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Tim Hà Nội, Sở Y tế Hà Tĩnh, Sở Y tế Cần Thơ, Sơn La…

Qua đấu tranh, hiện nay các đối tượng đều đã thừa nhận hành vi phạm tội. Bộ Công an sẽ đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án, sớm kết luận để đưa ra truy tố các bị can trước pháp luật.

“Qua các vụ việc này, cũng có dư luận cho rằng các vi phạm trong ngành y tế là do lỗi cơ chế hoặc hệ thống nhưng chúng tôi khẳng định không phải do các lỗi này. Đều là do lợi dụng khó khăn, lách luật để vi phạm. Những vi phạm về hình sự đều rất đáng bị xử lý.

Trước khi xử lý hình sự, chúng tôi đều yêu cầu Cơ quan điều tra phải cá thể hoá trách nhiệm hình sự của từng cá nhân trong từng vụ việc đó. Phải chứng minh yếu tố tư lợi, tham ô, tham nhũng, trục lợi để xử lý các đối tượng này.

Ví dụ việc mua sắm thiết bị y tế, đối tượng đã thông đồng với nhà thầu để nâng giá thiết bị, có ăn chia nhau, trích phần trăm… Đây là những yếu tố tư lợi, biểu hiện của tham ô, tham nhũng mới bị xử lý”, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định.

Qua việc trên, Bộ Công an kiến nghị với Quốc hội một số vấn đề: Cụ thể đề nghị Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục tăng cường rà soát, thanh tra, kiểm tra toàn bộ quá trình tham mưu, quy trình đầu tư cơ sở vật chất, công tác triển khai mua sắm trang thiết bị để kịp thời ngăn chặn các vi phạm.

Đề nghị các bộ, ngành chức năng nghiên cứu, đưa một số mặt hàng, trang thiết bị y tế vào nhóm mặt hàng bình ổn để quản lý giá, không để các đối tượng bên ngoài câu kết, thông đồng với các cơ quan đơn vị nâng giá, trục lợi.

“Về phía Bộ Công an – chúng tôi sẽ tiếp tục điều tra xử lý các vi phạm”, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định.

Vấn đề thứ 2 Bộ Công an thấy nổi lên, đó là trong thời gian qua, tình hình buôn lậu, buôn bán trái phép thiết bị, vật tư  y tế, vật tư sử dụng xét nghiệm, thuốc hỗ trợ điều trị COVID-19… cũng diễn ra phức tạp trong cả nước. Các đối tượng sử dụng nhiều hình thức tinh vi để nhập lậu, như dùng mạng xã hội để làm nơi buôn bán; sử dụng những địa điểm là những nơi đang xây dựng, địa hình khó đi lại để làm nơi tập kết, cất giấu hàng hóa.

Bộ Công an cũng đã chỉ đạo Công an các địa phương tập trung lực lượng, phương tiện triển khai các biện pháp để phòng ngừa, đấu tranh, xử lý những vi phạm về các lĩnh vực, nhất là y tế như thuốc, vật tư y tế, thậm chí có cả vaccine.

Vấn đề thứ 3 được  Bộ trưởng Tô Lâm đề cập là việc lực lượng Công an là một trong những lực lượng tuyến đầu tham gia cùng với ngành y tế tham gia chống dịch.  

“Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục ứng dụng khoa học, công nghệ để tham gia tích cực trong quản lý bệnh dịch, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt và các hoạt động của nhân dân, phục vụ cho việc cung cấp và hỗ trợ, an sinh xã hội thông qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để cùng với ngành y tế đồng hành chống dịch COVID-19", Bộ trưởng nêu rõ. 

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Thời gian vừa qua, đã xảy ra nhiều sai phạm trong lĩnh vực giá, không chỉ là giá thiết bị, mà còn cả giá giáo dục, giá đất... Đây là lỗ hổng cần phải hoàn thiện. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Bịt lỗ hổng trong quản lý giá thiết bị y tế, xét nghiệm

Phát biểu giải trình về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ Tài chính đối với việc quản lý giá, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Luật Quản lý giá năm 2012 đã xác định giao giá chuyên ngành về chuyên ngành ngành quản lý, như vậy trách nhiệm quản lý giá y tế là thuộc về Bộ Y tế. 

Theo Bộ trưởng Tài chính, thời gian vừa qua, đã xảy ra nhiều sai phạm trong lĩnh vực giá, không chỉ là giá thiết bị, mà còn cả giá giáo dục, giá đất... Đây là lỗ hổng cần phải hoàn thiện.

Khi Bộ Y tế đã xây dựng Nghị định 98/2021/NĐ-CP, Bộ Tài chính đã tham gia cùng với Bộ Y tế và đã có hai văn bản số 11527 và 12599 góp ý đề nghị thắt chặt các lỗ hổng.

Bước chuyển của Nghị định 36/2016/NĐ-CP sang Nghị định 98 chặt chẽ hơn, từ phương thức công khai giá theo Nghị định 36, đến Nghị định 98 là buộc phải kê khai giá.

Theo đó, các cơ sở y tế phải kê khai giá và được truyền về trung tâm dữ liệu của Bộ Y tế để quản lý. Khi đã kê khai, nếu bán giá sai quy định sẽ bị xử phạt hành chính và thậm chí là thu hồi giấy phép hoạt động. Nếu gây ra hậu quả nghiêm trọng thì phải truy tố trước pháp luật.

Trong kê khai giá, Nghị định yêu cầu nếu nhập khẩu, phải công khai giá nhập hải quan, cộng với chi phí được tính hợp lý để hình thành lên giá cơ sở. Còn nếu sản xuất trong nước thì phải đưa ra giá thành sản xuất và công khai giá bán.

Đối với vấn đề “loạn giá”, Bộ Tài chính cho biết đã chỉ đạo Tổng cục Thuế và ngành hải quan quản lý chặt chẽ, không để các đơn vị lợi dụng việc viện trợ, tài trợ để nâng giá, đưa vào chi phí sản xuất.

Đối với vướng mắc về tài chính cấp huyện, mô hình hiện nay để Sở Y tế quản lý tài chính. Theo Bộ Tài chính, có thể giao quản lý tài chính về cho huyện, thị xã, thị xã quản lý, Sở Y tế chỉ quản lý về mặt chuyên môn.

Về xã hội hóa về y tế, Bộ trưởng khẳng định đây là mô hình tốt, kể cả trong Luật PPP cũng đã đánh giá ưu điểm. Tuy nhiên, nhược điểm của mô hình này là khi đã liên doanh, liên kết thì việc xác định giá vật tư, thiết bị đầu vào có thể bị nâng giá khống.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà: Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bộ Y tế nghiên cứu kỹ hơn, có giải pháp đảm bảo nhân sự lãnh đạo y tế vừa có năng lực chuyên môn vừa có năng lực quản trị. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Đảm bảo nhân sự lãnh đạo y tế vừa có năng lực chuyên môn vừa có năng lực quản trị

Về vấn đề bác sĩ giỏi nhưng chưa chắc làm quản trị giỏi và đề nghị xem xét tách bạch việc quản trị bệnh viện và quản lý chuyên môn đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, các quy định hiện hành đã nêu rõ tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình bổ nhiệm viên chức quản lý ở đơn vị sự nghiệp.

Nghị định của Chính phủ quy định khung, sau đó các Bộ chuyên ngành xây dựng tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của ngành mình. Bộ Y tế đã ban hành thông tư quy định cụ thể chức năng, tiêu chuẩn bổ nhiệm trong ngành y.

Tuy nhiên, thực tiễn đã có những vấn đề phát sinh ở một số cơ sở y tế, nhân sự quản lý có năng lực chuyên môn, nhưng chưa có năng lực về quản trị.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, từ thực tiễn trên, với góc độ của ngành, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bộ Y tế nghiên cứu kỹ hơn, đảm bảo nhân sự lãnh đạo vừa có năng lực chuyên môn vừa có năng lực quản trị, trường hợp cụ thể thì cân nhắc.

Khi đang đẩy mạnh thực hiện tự chủ đơn vị sự nghiệp công, lãnh đạo cần có năng lực quản trị, đáp ứng yêu cầu. Theo đó, phải làm rõ về tiêu chuẩn, điều kiện và trách nhiệm của người đứng đầu với đơn vị sự nghiệp khi đang thực hiện tự chủ, đẩy mạnh xã hội hóa trong ngành y tế.

Về phân cấp trong hệ thống y tế, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Bộ Nội vụ đồng tình với kiến nghị phải rà soát, xem xét căn cơ, cụ thể về quản lý nhà nước đối với hệ thống y tế. Ngay sau kỳ họp này Bộ sẽ báo cáo Chính phủ thực hiện sớm việc phân cấp cho phù hợp với thực tiễn.

Liên quan đến nguồn nhân lực ngành y tế, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhận định, hiện vấn đề còn nhiều khó khăn, vừa chưa đảm bảo về số lượng cũng như chất lượng.

Thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với ngành y tế rà soát lại toàn bộ hệ thống cơ chế, chính sách hiện có để trên cơ sở đó có một chủ trương cụ thể để từ đó xây dựng một đề án có tính chiến lược chung xây dựng nguồn nhân lực cho ngành y tế trong tình hình mới.

Bên cạnh đó tiếp tục rà soát lại toàn bộ yêu cầu liên quan đến việc thực hiện tự chủ với các cơ sở y tế. Những năm qua, khi thực hiện Nghị quyết 19, số lượng đơn vị sự nghiệp y tế đã đạt 10%, tự chủ hoàn toàn đạt 6%. Tới đây, phải đánh giá thật kỹ lưỡng, cụ thể việc thực hiện Nghị quyết 19 trong đó có vấn đề tự chủ với đơn vị sự nghiệp, nhất là những cơ chế, chính sách vận hành.  Bộ trưởng nhấn mạnh, cần phải quan tâm xác định danh mục dịch vụ công thiết yếu để đẩy mạnh tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp, đáp ứng yêu cầu xã hội hóa.

Các đại biểu tham dự phiên họp. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Tiêm vaccine mRNA có ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản và phát triển của trẻ em không?

Nêu vấn đề, có ý kiến cho rằng vaccine chế tạo theo công nghệ mRNA có thể ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản và sự phát triển bình thường của trẻ, đại biểu Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) đề nghị Bộ trưởng Y tế cho biết ý kiến về vấn đề này và cơ sở khoa học để Bộ triển khai tiêm vaccine đại trà cho trẻ em 12-17 tuổi để cử tri yên tâm.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng cho biết, việc tổ chức tiêm vaccine cho trẻ em được đưa ra sau khi Bộ Y tế tổng kết, đánh giá, nghiên cứu, trao đổi với WHO, Quỹ nhi đồng Liên Hợp Quốc và các nhà khoa học; căn cứ theo hướng dẫn của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Thuốc Hoa Kỳ (FDA) cho phép tiêm vaccine mRNA cho trẻ từ 12 tuổi trở lên.

Hiện loại vaccine này đã được tiêm ở gần 40 quốc gia. Cách làm của các nước cũng như chúng ta là tiêm lứa tuổi cao xuống thấp, tiêm cho nhóm có nguy cơ, bệnh lý nền, sau đó mở rộng.

Bộ trưởng nêu rõ: Vaccine duy nhất được sử dụng tiêm cho trẻ em ở Việt Nam là Pfizer - BioNTech theo công nghệ mRNA. Cơ chế tác động của vaccine này là khi vào cơ thể không xâm nhập vào hệ gen của người và giúp cơ thể sản xuất kháng thể chống lại sự xâm nhập của virus vào tế bào.

Theo Bộ trưởng, do không có sự xâm nhập trực tiếp của vaccine vào ADN của người, cho nên những ý kiến nói rằng nó có thể gây đột biến, ảnh hưởng về sinh sản đối với trẻ đến thời điểm hiện nay đã được FDA, CDC Hoa Kỳ khẳng định không có và Việt Nam vẫn tiếp tục theo dõi.

"Tất cả vaccine cấp phép sử dụng ở Việt Nam đảm bảo an toàn chất lượng và theo đúng chuẩn chung của thế giới, đã được tham khảo tổ chức quốc tế khi quyết định dùng cho trẻ em", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định.

Vì sao Việt Nam mua vaccine muộn hơn so với nhiều nước?

Trả lời câu hỏi của đại biểu về trách nhiệm tham mưu của Bộ trưởng trong việc xây dựng và triển khai chiến lược vaccine, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng, Việt Nam tiếp cận vaccine sớm nhưng mua muộn hơn so với nhiều nước.

Theo Bộ trưởng, có nhiều lý do gồm khách quan và chủ quan. Từ tháng 9/2020, Việt Nam đã làm việc và có thỏa thuận với COVAX. Tháng 11/2020, Việt Nam đã có thỏa thuận với Astra Zeneca để cung ứng 30 triệu liều vaccine. Trước đó, từ tháng 5/2020, Bộ Y tế đã gặp gỡ các công ty để thúc đẩy nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan dẫn đến việc mua chậm. 

Thứ nhất là do tình trạng khan hiếm vaccine trên quy mô toàn cầu diễn ra cả năm qua và kéo dài đến nay.

Thứ hai, một số nước phát triển sản xuất được vaccine đã đặt hàng mua với số lượng rất lớn. Bộ trưởng cho rằng đây là tình trạng bất bình đẳng trong vấn đề cung ứng vaccine trên quy mô toàn cầu. Có nước đặt hàng cao hơn nhu cầu sử dụng đến 4 lần.

Thứ ba, là do tâm lý sử dụng vaccine "không phải lúc nào cũng như hiện nay". Vào đầu năm 2021 đã có tình trạng tẩy chay, từ chối sử dụng vaccine diễn ra không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nước trên thế giới.

Thứ tư, hàng loạt khó khăn Việt Nam gặp phải khi mua vaccine, trong đó có cả rào cản về pháp luật. Bên bán đề ra các điều kiện và không cho thương thuyết. Bộ Y tế đã tổ chức hơn 200 cuộc đàm phán với các hãng, nhưng điều kiện các công ty cung ứng vaccine đưa ra đều không thể thay đổi, bởi đây là những điều kiện áp dụng chung trên toàn cầu.

Ngoài ra, Việt Nam phải chấp nhận toàn bộ rủi ro khi mua vaccine, như có thể giao hàng chậm, giá mua sau này thấp hơn cũng không được giảm giá, không được trả lại vaccine kể cả trong trường hợp chất lượng không đảm bảo; chỉ khi nào quốc tế công nhận vaccine đó không đảm bảo mới được trả lại. Bên bán cũng không chịu trách nhiệm về giao hàng không đúng thời hạn.

"Đây là những khó khăn trong việc mua vaccine. Những vấn đề này, luật pháp Việt Nam cũng chưa có quy định", Bộ trưởng nói.

Sau khi có Nghị quyết của Bộ Chính trị tháng 2/2021 và Nghị quyết của Chính phủ từ tháng 5/2021, Việt Nam thúc đẩy rất nhanh tiến trình mua vaccine. Đến nay, Việt Nam được đánh giá là nước có tổ chức tiêm và bao phủ vaccine rất nhanh.

Bộ Y tế nhận trách nhiệm về vấn đề này và đã triển khai đảm bảo vaccine cho năm 2021 và năm 2022.

Người dân ào ạt về quê, phát sinh nhiều ổ dịch mới, trách nhiệm của Bộ trưởng như thế nào?

Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) nêu vấn đề: Cử tri cho rằng từ trung tuần tháng 10/2021 đến ngày 10/11, sau khi có Nghị quyết 128 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế, qua thực tiễn cho thấy do đẩy mạnh giao thương giữa các vùng và dòng người lao động và nhân dân từ TPHCM cùng các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai ào ạt về quê.

Từ đó, các tỉnh thành có người dân trở về từ vùng dịch đã phát sinh nhiều ổ dịch mới, con số tăng lên hằng ngày. Vùng xanh đã biến thành vùng vàng và vùng cam tăng lên rõ rệt, gây khó khăn, lúng túng cho chính quyền các tỉnh, thành trong công tác phòng chống dịch bệnh, đặc biệt các địa phương kinh tế còn thiếu và yếu, độ che phủ vaccine còn thấp.

Đại biểu đặt chất vấn, qua kinh nghiệm, bài học của 20 tháng phòng, chống dịch, với cương vị là tư lệnh ngành y tế, Bộ trưởng cảm nhận về trách nhiệm của mình về vấn đề mà cử tri nêu ra như thế nào? Đồng thời có giải pháp gì trong thời gian tới với phương châm thích ứng, sống chung với dịch, vì mục tiêu cao cả là bảo vệ sức khỏe nhân dân và ổn định, phục hồi kinh tế xã hội cho đất nước? 

Không được ngăn sông cấm chợ, nhưng phải bảo đảm an toàn

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng cho biết, trong thời gian qua, sau khi chúng ta chuyển sang trạng thái thích ứng, an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả đối với dịch COVID-19 và lượng người di chuyển từ địa bàn có dịch đến các tỉnh, thành phố rất nhiều.

Theo thống kê sơ bộ mà Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có báo cáo, khoảng 1,6 triệu người lao động đi từ những địa bàn TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An về các địa phương, đặc biệt khu vực phía Tây và đối với các tỉnh Tây Nguyên. Hiện giờ cũng đã có hiện tượng di chuyển ngược lại.

Đối với vấn đề này, từ quản lý về việc di chuyển, phòng, chống dịch cho việc di chuyển của người dân, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia đã có rất nhiều chỉ đạo liên quan, đảm bảo người dân được di chuyển an toàn và đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch đối với việc di chuyển của người dân.

Bộ Y tế, các cơ quan chuyên môn cũng đã tham mưu và đồng thời cũng đã có công điện đối với các địa phương cho việc phòng, chống dịch đối với người di chuyển rời đi từ Bình Dương, Đồng Nai, Long An, TP Hồ Chí Minh,…

Khi đi về các địa phương, đây là nhóm đối tượng có yếu tố nguy cơ và Bộ đã có chỉ đạo phải xét nghiệm, cách ly, theo dõi, giám sát y tế một cách chặt chẽ.

Tuy nhiên, số lượng người dân rất lớn đối với khu vực này, vì vậy Bộ Y tế đề nghị các địa phương tiếp tục thực hiện theo tinh thần chung của Nghị quyết 128, không ngăn sông cấm chợ, không có cản trở việc đi lại nhưng phải đảm bảo đối với công tác phòng, chống dịch khi người dân trở về địa phương của mình, nếu có kế hoạch đưa đón thì tốt nhất. Trên cơ sở đó có kế hoạch phòng, chống một cách rất hiệu quả, theo dõi, giám sát để y tế, đối với một số trường hợp có thể cách ly phù hợp với các địa phương để đảm bảo công tác phòng, chống dịch.

Kiểm soát, quản lý rủi ro

Bộ trưởng nhấn mạnh, khi chúng ta chuyển sang trạng thái an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả thì không thể không có ca nhiễm nhưng chúng ta phải kiểm soát và quản lý rủi ro. Quản lý rủi ro ở đây là quản lý nguy cơ có thể tăng nặng bệnh và gây ra tử vong.

Chính vì vậy, trong Nghị quyết 128 đã nêu rất rõ là các địa phương phải tăng độ bao phủ vaccine cho người trên 65 tuổi, trên 50 tuổi. Đồng thời, phải củng cố hệ thống y tế để đảm bảo khi bệnh nhân mắc và bị nặng, y tế cơ sở có thể cấp cứu và điều trị kịp thời.

Theo Bộ trưởng: Đây điều mà tất cả các nước trên thế giới đã thực hiện, đã triển khai trong thời gian qua và chúng ta cũng tương tự như vậy.

Các đại biểu tham dự phiên họp. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Các bệnh viện đã tự chủ hoàn toàn hằng năm phải được kiểm toán

Điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu một số vấn đề: Thứ nhất là theo tinh thần Nghị quyết 19 của Trung ương về sắp xếp, đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập thì có một số việc rất quan trọng. Theo đó, các đơn vị sự nghiệp công lập như các bệnh viện nếu đã tự chủ hoàn toàn thì được phép tổ chức hạch toán như doanh nghiệp và phải kiểm toán hàng năm báo cáo về tài chính, hoặc là kiểm toán nhà nước hoặc là kiểm toán độc lập phải làm việc này.

Vậy chúng ta đã thực hiện nghiêm việc này chưa, hay là đến khi "mất bò mới lo làm chuồng"? 

Theo Chủ tịch Quốc hội, vấn đề hướng dẫn, kiểm tra, giám sát của Bộ là một chuyện, nhưng vấn đề nữa đó là về chế độ kế toán và kiểm toán đối với các đơn vị này. Trong Nghị quyết 19 nói rất rõ là phải thực hiện quản lý và hạch toán như doanh nghiệp.

Nên những trường hợp ví dụ như là liên kết đặt máy rồi mua bán thuốc, vật tư, thiết bị y tế là hàng năm bệnh viện công nhà nước sẽ được kiểm toán và những đơn vị đã hạch toán như doanh nghiệp tự chủ hoàn toàn thì phải kiểm toán và công khai việc này. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế kiểm tra lại việc này.

Thống nhất quản lý y tế cấp huyện

Một vấn đề nữa là các đơn vị y tế cấp huyện, tuy là không ghi trực tiếp trong Nghị quyết nhưng trong đề án đã nói rõ tất cả các điều này là chuyển về cho địa phương, ngành y tế chỉ quản lý về mặt chuyên môn thôi. Bởi vì không ai khác là ở cấp huyện rất thành thạo về vấn đề con người, về nhân sự, quản lý về đất đai, quản lý tất cả mọi thứ trên địa bàn và Chính phủ khóa trước cũng đã có chủ trương về vấn đề này rồi.

Vậy tại sao bây giờ chúng ta lại làm rất là khác nhau và qua cái đợt chống dịch này thì vấn đề này lại bộc lộ ra? Chủ tịch Quốc hội nêu vấn đề và đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giải trình vấn đề này. Dù đã 4, 5 năm làm việc này rồi nhưng cho đến nay vẫn còn rất không thống nhất giữa các địa phương với nhau. Đây là vấn đề rất lớn mà qua vấn đề phòng, chống dịch thì năng lực của y tế cơ sở càng bộc lộ.

“Chúng tôi rất mong muốn đại biểu Quốc hội đi đến thống nhất để trong lần này Nghị quyết về chất vấn, trả lời chất vấn chúng ta có nội dung này. Hoặc là vẫn để cho ngành y tế thì cho ra ngành y tế hoặc nếu chúng ta chuyển về cho địa phương thì dứt khoát là phải thống nhất trên phạm vi toàn quốc”, chủ tịch Quốc hội nêu rõ và đề nghị Bộ trưởng Nội vụ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phải nói rõ quan điểm về vấn đề này.

Giá xét nghiệm mỗi nơi một kiểu, có buông lỏng hay không?

Cơ bản thống nhất với những ý kiến giải trình của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long về quản lý giá xét nghiệm, tuy nhiên đại biểu Phạm Văn Hòa cũng nêu thêm ý kiến tranh luận.

Theo đại biểu, trong thời gian qua, Bộ Y tế dường như buông lỏng giá xét nghiệm. Vì vậy, dẫn đến tình trạng mỗi nơi mỗi kiểu, mỗi địa phương đều có giá khác nhau.

Mặc dù, giá kit xét nghiệm nhập về có chênh lệch giá, doanh nghiệp này nhập vào cao hơn, doanh nghiệp khác thì có thể thấp hơn nhưng Bộ Y tế lại không quản lý giá.

Đại biểu cho rằng đây là một thiếu sót, thời gian qua người dân rất phàn nàn về điều này.

Tới đây, Bộ Y tế đã có quy định mới, tuy nhiên, không biết giá này có tham khảo với Bộ Tài chính hay không? Do đó, đại biểu đề nghị phải rất cẩn trọng để có một sự kiểm tra, giám sát, tránh trường hợp thiếu sự đồng bộ. 

Mặc dù giá xét nghiệm đề ra là 106 – 109 nghìn sắp tới đây là của Nhà nước nhưng còn của tư nhân thì thế nào?

Chắc chắn giá xét nghiệm sẽ được điều chỉnh

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, giá xét nghiệm phụ thuộc nhiều vào giá sinh phẩm. Tuy nhiên, sinh phẩm lại không thuộc mặt hàng quản lý giá theo quy định của Luật Giá và đây chính là điểm khiến cho giá có sự khác nhau.

Theo Bộ trưởng, đối với giá xét nghiệm của các đơn vị y tế công lập thực hiện theo quy định của Bộ Y tế là thực thanh thực chi; đối với các đơn vị y tế tư nhân, giá là do đơn vị tự chịu trách nhiệm nhưng phải niêm yết, phải công khai.

Bộ trưởng xin tiếp thu ý kiến của đại biểu, để trên cơ sở đó cùng với các đơn vị chức năng đưa ra những hình thức tăng cường kiểm tra, giám sát đối với việc giá xét nghiệm của các đơn vị tư nhân.

Đồng thời, Bộ trưởng cũng đề nghị đối với các địa phương cũng tăng cường việc kiểm tra, giám sát và cho biết Bộ Y tế đã có văn bản gửi cho các địa phương đối với việc này.

Bộ trưởng nêu rõ, Bộ Y tế đã nhận thấy trách nhiệm và đã triển khai các giải pháp rất quyết liệt trong thời gian qua. Bộ Y tế cũng đã đề xuất đưa mặt hàng về sinh phẩm xét nghiệm vào mặt hàng về quản lý giá.

Bộ trưởng khẳng định: Tới đây chắc chắn rằng việc giá xét nghiệm sẽ từng bước được điều chỉnh theo hướng cố gắng hạ được giá xét nghiệm để bảo đảm phòng chống dịch hiệu quả.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long: Xử lý cán bộ sai phạm là việc rất đau lòng! Ảnh VGP/Nhật Bắc

Tách riêng quản lý chuyên môn và tài chính

Về vấn đề liên quan đến tách riêng giữa quản lý chuyên môn và quản lý kinh tế đối với Giám đốc bệnh viện, để ngăn ngừa các sai phạm.

Bộ trưởng nhấn mạnh đây là vấn đề được cử tri và ngành y tế hết sức quan tâm. Những sai phạm về đấu thầu, mua sắm, liên quan đến một số cá nhân trong ngành y tế thời gian qua là rất đáng tiếc. Tuy nhiên, đây là một vài trường hợp không ảnh hưởng lớn đến ngành. Những trường hợp có vi phạm, sai phạm phải xử lý theo những quy định về mặt pháp luật.

Theo Bộ trưởng, việc quản lý nhân sự quản lý của các cơ sở y tế được thực hiện theo các quy định của Đảng, Nhà nước đối với các đơn vị về sự nghiệp công, trong đó có quy định về giám đốc và các phó giám đốc bệnh viện. Theo Luật Khám, chữa bệnh và theo các hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ cũng đã cố gắng tách bạch riêng giữa người quản lý chuyên môn và người quản lý về mặt tài chính.

Bộ Y tế quản lý về mặt chuyên môn, kỹ thuật đối với các bệnh viện trên toàn quốc, còn các địa phương, theo thẩm quyền, UBND cấp tỉnh, thành phố thực hiện quản lý tổ chức y tế theo địa bàn và quản lý nhân sự, tài chính,... Việc này, Bộ Y tế cũng không chỉ đạo được.

Tới đây, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Nội vụ và các cơ quan để minh bạch hóa toàn bộ quá trình, xây dựng các quy định, thể chế để cố gắng ngăn ngừa, hạn chế tối đa xảy ra những việc đáng tiếc như trong thời gian qua.

Xử lý cán bộ sai phạm là việc rất đau lòng!

Về sai phạm, vi phạm kinh tế tại bệnh viện khiến một số cán bộ y tế bị xử lý trong thời gian qua, nhất là trong công tác đấu thầu, mua sắm thuốc men, vật tư, trang thiết bị y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long bày tỏ, đây là vấn đề rất đau lòng.

Những sai phạm đó xuất phát từ nhiều lý do, như về cơ chế, hướng dẫn, đặc biệt là do những vi phạm mang tính cá nhân. Mặc dù đã có các quy định về đấu thầu rất cụ thể nhưng vẫn có những vi phạm. "Chúng tôi kịch liệt lên án những sai phạm đó và các cơ quan chức năng sẽ xử lý theo đúng các quy định pháp luật."- Bộ trưởng Long nói.

Mặt khác, Bộ Y tế sẽ tiếp tục rà soát lại các hướng dẫn, thể chế có liên quan đến việc quản lý, mua sắm, đấu thầu; về việc phân cấp, phân quyền. Bộ Y tế cũng đã có nhiều văn bản, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các đơn vị thuộc Bộ và các địa phương.

Bộ cũng sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các đơn vị y tế nhằm ngăn ngừa, phòng, chống, đấu tranh, cũng như xử lý các trường hợp vi phạm.

Đối với các trường hợp để xảy ra sai phạm, dù đau đớn, nhưng tinh thần là phải xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật. Vấn đề này Chính phủ cũng đã thể hiện tinh thần chỉ đạo, phải thực hiện nghiêm theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương về phòng, chống tham nhũng và lãng phí…

Bao giờ có vaccine "made in Việt Nam"?

Về nghiên cứu sản xuất vaccine phòng COVID-19, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, Bộ Y tế hết sức quan tâm và mong muốn chủ động được nguồn vaccine trong nước.

Tuy nhiên, việc cấp phép sản xuất vaccine trong nước phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Bộ Y tế đã cố gắng để giảm tối đa thời gian thực hiện các thủ tục hành chính nhưng về mặt khoa học thì phải tuân thủ.

Bộ Y tế đã thành lập 2 hội đồng (Hội đồng Y đức và Hội đồng cấp phép). Các hội đồng này hoạt động độc lập với Bộ trưởng. Được biết, thời gian qua các hội đồng đã phối hợp rất chặt chẽ với các đơn vị nghiên cứu, sản xuất để hoàn thiện hồ sơ cấp phép theo quy định. Thời gian cụ thể phải chờ đợi kết quả từ 2 hội đồng.

Phòng chống đại dịch chưa có trong tiền lệ

Về giải pháp thực hiện Nghị quyết 128, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, đại dịch COVID-19 là đại dịch chưa có trong tiền lệ, các quốc gia đều phải căn cứ vào tình hình thực tế để triển khai các biện pháp, chiến lược chống dịch, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, hoàn thiện dần.

Trên cơ sở thực tiễn đất nước và tham khảo ý kiến của các tổ chức quốc tế, kinh nghiệm của các nước, Bộ Y tế đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị quyết 128, triển khai chiến lược "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19".

Căn cứ vào Nghị quyết 128 và Quyết định 4800 của Bộ Y tế, các địa phương chủ động đánh giá cấp độ dịch trong địa bàn quản lý (từ cấp xã, huyện, tỉnh), căn cứ vào tình hình cụ thể, các địa phương chủ động triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp với từng cấp độ, đảm bảo hiệu quả; tránh tình trạng lơ là, chủ quan, mất cảnh giác,... Đến nay, về cơ bản các địa phương đã triển khai đồng bộ, thống nhất Nghị quyết 128 trên phạm vi cả nước.

Tổ chức cách ly linh hoạt, bảo đảm an toàn

Về công tác cách ly, Bộ trưởng cho biết, căn cứ trên Nghị quyết 128 và Quyết định 4800, Bộ Y tế đã có hướng dẫn về việc xét nghiệm, cách ly đối với những trường hợp đi từ những vùng dịch trở về, đối với cấp độ 3 và cấp độ 4 được phân ra làm nhiều quy định.

Thứ nhất, người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine chỉ cần theo dõi y tế ở nhà 7 ngày và xét nghiệm ngày thứ nhất, người đã khỏi bệnh cũng như vậy. Những người đã tiêm 1 mũi vaccine thì cách ly tại nhà 7 ngày, người chưa tiêm mũi nào sẽ cách ly tại nhà 14 ngày.

Tuy nhiên, còn tùy thuộc vào các điều kiện của từng địa phương và trong khuyến cáo của Bộ Y tế là tùy mức độ, tùy địa phương và nhất là vấn đề về việc bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch đối với những khu vực có mật độ dân cư cao như chung cư hay những khu vực có nhiều người dân sinh sống mà chưa được tiêm vaccine thì cố gắng bảo đảm việc cách ly một cách linh hoạt để bảo đảm tính an toàn.

Đối với trường hợp này, Bộ Y tế cũng kiến nghị áp dụng cho cụ thể. Đối với những khu chung cư đông người mà tỷ lệ tiêm chủng chưa cao thì phải áp dụng hình thức cách ly tập trung hoặc cách ly tại nhà. Đây là những điều mà Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn.

Có bắt buộc F1 tiêm đủ 2 mũi vaccine phải cách ly tập trung không?

Về việc những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, đeo khẩu trang và không tiếp xúc nhưng chẳng may vô tình đi cùng thang máy với F0 và hoàn toàn có đủ khả năng tự cách ly tại căn hộ và trong trường hợp đó có bắt buộc phải đưa họ đi cách ly tập trung hay không? Bộ trưởng cho biết, tình trạng này cũng đã xảy ra đối với một vài địa phương và đối với TP. Hà Nội.

Bộ Y tế đã trao đổi với TP. Hà Nội trong những trường hợp như vậy thì không bắt buộc cách ly tập trung 14 ngày và trong hướng dẫn của Bộ Y tế đã nêu rất rõ trường hợp như vậy chỉ cách ly tại nhà 7 ngày.

Đồng thời, Bộ Y tế đã có văn bản đưa ra các mức độ về những đối tượng tiêm 2 mũi vaccine, 1 mũi vaccine, người chưa tiêm và người đã khỏi bệnh thì như thế nào.

Bộ trưởng đề nghị đối với các địa phương áp dụng để tạo sự thống nhất trong vấn đề thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ. Bởi vì hiện nay đã chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả thì phải quản lý những rủi ro và làm tốt trên bình diện chung của tất cả các địa phương để tạo sự thống nhất, đồng bộ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên chất vấn.

Giá sinh phẩm phụ thuộc nhiều yếu tố

Về quản lý giá sinh phẩm, trang thiết bị y tế, giá xét nghiệm, Bộ trưởng nêu rõ: Về khách quan, giá cả thiết bị, sinh phẩm phụ thuộc vào nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, thời điểm mua; khi dịch bệnh mới bùng phát, thiếu nguồn cung, các quốc gia tranh mua,... nên giá cao; sau khi nguồn cung được mở rộng, giá giảm;...

Bộ Y tế đã chỉ đạo các doanh nghiệp cung ứng sản phẩm phải công khai, niêm yết giá trên Cổng TTĐT của Bộ để các địa phương tham khảo, quyết định mua sắm;...

Đồng thời, Bộ Y tế cũng tăng cường cấp phép cho các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu test kit, tạo điều kiện nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm mới, mở rộng nguồn cung, hạ giá thành sản phẩm; tăng cường vận động doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế, các nước tài trợ để bảo đảm đủ số lượng, chất lượng test kit, sinh phẩm,... phục vụ công tác phòng chống dịch;...

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng liên tục điều chỉnh chiến lược xét nghiệm cho phù hợp với từng thời điểm diễn biến dịch bệnh, để triển khai công tác xét nghiệm tiết kiệm, hiệu quả; liên tục có văn bản nhắc nhở các địa phương đảm bảo việc thực hiện đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm theo đúng quy định của pháp luật.

Đối với giá dịch vụ xét nghiệm của các bệnh viện công thực hiện theo "thực thanh, thực chi", đối với các cơ sở y tế tư nhân, thực hiện theo cơ chế thị trường và phải công khai niêm yết giá. Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với lĩnh vực xét nghiệm để kịp thời phát hiện, điều chỉnh những bất cập và xử lý nghiệm những sai phạm.

Về phân bổ vaccine, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, việc phân bổ vaccine được thực hiện theo Nghị quyết 21 của Chính phủ, phân bổ theo các khu vực ưu tiên, các địa bàn trọng tâm, trọng điểm,... Hiện các địa phương đang tiến hành tiêm vaccine cho các đối tượng ưu tiên: Nhóm đối tượng tuyến đầu chống dịch, người cao tuổi, người có bệnh lý nền,... Một số địa phương đang tiến hành tiêm vaccine cho trẻ em.

Về việc quản lý các bệnh viện công, Bộ trưởng Bộ Y tế bày tỏ đồng tình với quan điểm cần phải tách bạch giữa quản lý chuyên môn, chuyên ngành với quản lý tài chính, hậu cần,... Bộ Y tế tiếp thu ý kiến của các đại biểu, phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan để hoàn thiện các quy định, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở y tế.

Đa số chuyên gia đầu ngành đều đang làm trong các cơ sở y tế công lập

Về đào tạo nhân lực, giữ chân người tài, Bộ trưởng khẳng định, thời gian qua, Bộ Y tế luôn luôn quan tâm chỉ đạo về đào tạo nhân lực, đảm bảo đáp ứng yêu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân cũng như y tế của Việt Nam tương đương với các nền y tế hiện đại của các nước trên thế giới.

Cụ thể về đào tạo, đã triển khai rất nhiều chương trình; đã có chính sách, có giải pháp để thu hút nguồn nhân lực làm việc đối với các đơn vị y tế công lập. Về chính sách này, có hai điểm chính là chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề và thứ hai là chế độ phụ cấp đặc biệt cho công tác phòng, chống dịch đã triển khai trong thời gian qua.

Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp, cán bộ y tế ở các đơn vị công lập sang làm việc cho những đơn vị y tế tư nhân. Bộ trưởng khẳng định, đây chỉ là số ít, đội ngũ nhân lực của y tế công lập hiện nay vẫn đang là chủ đạo, những người có trình độ chuyên môn cao, các chuyên gia đầu ngành hầu hết vẫn đang làm việc ở lĩnh vực y tế công lập.

Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục quan tâm vấn đề này bằng nhiều hình thức. Thứ nhất, sẽ tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực. Thứ hai, tiếp tục tăng cường chế độ thu hút những người làm việc trong lĩnh vực y tế công lập. Thứ ba, tiếp tục đào tạo và đào tạo lại, tức là đào tạo với trình độ cao hơn đối với toàn bộ lực lượng y tế chứ không riêng đối với y tế công lập hay y tế tư nhân. Thứ tư, cải cách chế độ tiền lương cũng như chế độ phụ cấp để đảm bảo những cán bộ y tế yên tâm làm việc ở các cơ sở y tế công lập.

Về giải pháp nhằm giảm chênh lệch về chất lượng khám chữa bệnh giữa các khu vực, Bộ Y tế sẽ quy hoạch lại mạng lưới y tế, tiến hành xây dựng các bệnh viện tuyến cuối trên các địa bàn trọng điểm (Tây Bắc, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ); tiếp tục đổi mới công tác đào tạo nhân lực, chuyển giao kỹ thuật từ tuyến trên xuống tuyến dưới; nâng cao số lượng, chất lượng nhân lực cho vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; triển khai đề án khám chữa bệnh từ xa, kết nỗi hỗ trợ khám chữa bệnh, điều trị trực tuyến;... 

Dịch bệnh sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp

Về dự báo tình hình dịch bệnh, Bộ trưởng nhấn mạnh: Đây là công việc rất khó khăn, khó thực hiện, do virus liên tục biến chủng, đại dịch chưa có tiền lệ, diễn biến dịch bệnh vẫn rất phức tạp...

Bộ trưởng cho biết, đến thời điểm hiện nay, tất cả các nước trên thế giới hầu hết chưa có dự báo mang tính dài hạn. Tổ chức Y tế thế giới chỉ đưa ra khuyến cáo chung là đại dịch COVID-19 không thể kết thúc trong năm 2022 mà phải có thể đến năm 2023. Lúc đó hy vọng dịch COVID-19 sẽ thành một bệnh theo mùa, bệnh đặc hữu.

Một số nước cũng đưa ra những dự báo mang tính ngắn hạn bởi vì đại dịch lần này xuất hiện chưa có trong tiền tệ và liên tục có biến chủng, thay đổi liên tục. Trước đây chủng gốc với tốc độ lây lan ở mức độ vừa phải, nhưng khi biến chủng delta xuất hiện thì tốc độ lây lan rất nhanh, mạnh. Vì vây, việc dự báo là rất khó khăn và khó thực hiện.

Trong Báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội và báo cáo với Trung ương, chúng tôi đã nhìn nhận một cách rất thẳng thắn vấn đề về tồn tại những yếu kém trong việc dự báo tình hình ở một số địa phương chưa đúng, chưa sát với thực tế. 

Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp, tham khảo tư vấn của các tổ chức quốc tế trong công tác này; đồng thời yêu cầu các địa phương không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong phòng chống dịch bệnh, đẩy nhanh tiến độ bao phủ vaccine; Bộ trưởng đề nghị người dân phải thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K để phòng chống dịch.

Về dự báo từ nay đến hết năm 2022, Bộ trưởng cho rằng tình hình dịch sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. Chúng ta gần như trở lại trạng thái bình thường mới nên đã xuất hiện tâm lý chủ quan, đặc biệt là một bộ phận người dân đã không áp dụng những biện pháp, khuyến cáo của cơ quan y tế.

Ngoài ra còn có một số nguyên nhân khác nữa đó là vấn đề về thời tiết, nhất là đối với khí hậu lạnh ở miền Bắc, hay khi Tết đến có những hoạt động tập thể đông người. Đây là điểm rất quan ngại đối với tình hình dịch từ nay đến cuối năm.

Các địa phương phải hết sức quan tâm tới vấn đề về phòng, chống dịch từ nay đến cuối năm và đến năm 2022, đầu năm 2022; tăng cường phủ vaccine càng nhanh càng tốt để giảm các ca mắc và tử vong vì COVID-19.

Công tác phòng, chống dịch từ nay đến cuối năm 2022 vẫn là trong những trọng tâm trọng điểm và phải là ưu tiên theo đúng tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ.


Ngày 10/11, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long. Ảnh VGP/Nhật Bắc

“Hỏi nhanh, đáp gọn”, đúng trọng tâm, trọng điểm

Phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, bắt đầu từ buổi sáng hôm nay Quốc hội sẽ dành 2,5 ngày để tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Đây cũng là phiên chất vấn đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Theo Chủ tịch Quốc hội, trong suốt các nhiệm kỳ vừa qua, hoạt động chất vấn không ngừng được đổi mới, nâng cao hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của cử tri cả nước. Làm cho hoạt động chất vấn không chỉ là hoạt động để nâng cao chất lượng giám sát của Quốc hội mà còn nâng cao tính tương tác, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn đối với 4 nhóm vấn đề: Y tế; lao động, việc làm và các vấn đề xã hội; các vấn đề liên quan đến kinh tế vĩ mô, đầu tư công, phục hồi kinh tế trong và hậu đại dịch; giáo dục và đào tạo.

Cuối phiên thảo luận, Quốc hội sẽ dành thời gian để Thủ tướng Chính phủ báo cáo  thêm các vấn đề đại biểu quan tâm và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị mỗi đại biểu lựa chọn vấn đề tâm đắc nhất, đặt câu hỏi chất vấn ngắn gọn, trọng tâm trong vòng 1 phút, Bộ trưởng trả lời trong phạm vi 3 phút theo tinh thần “hỏi nhanh, đáp gọn”.

Trong quá trình trả lời chất vấn của các Bộ trưởng, các Phó Thủ tướng và các thành viên Chính phủ tham gia trả lời chất vấn những vấn đề cử tri và đại biểu quan tâm.

Các đại biểu có quyền tranh luận lại với phần trả lời của các Bộ trưởng, không tranh luận giữa các đại biểu với nhau, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Sau phiên họp, Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết chung về phiên chất vấn và trả lời chất vấn.


Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long trả lời chất vấn nhóm vấn đề y tế. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Theo chương trình phiên họp, sau khi phát biểu mở đầu phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội chủ trì điều hành chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực y tế gồm: Công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thời gian qua và chiến lược phòng, chống dịch, chiến lược vaccine trong thời gian tới; việc bảo đảm nguồn cung và quản lý giá xét nghiệm COVID-19, thuốc chữa bệnh, trang thiết bị y tế, sinh phẩm xét nghiệm; giải pháp giảm thiểu sự chênh lệch chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh giữa các tuyến, các vùng, miền và nâng cao năng lực của hệ thống y tế cơ sở, đặc biệt là ở các vùng khó khăn; định hướng đào tạo, sử dụng và chế độ đặc thù cho đội ngũ cán bộ y tế.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề này.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng các Bộ: Công an, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ; Tổng Thanh tra Chính phủ, Tổng Kiểm toán Nhà nước cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Buổi chiều, Bộ trưởng Bộ Y tế và các thành viên Chính phủ liên quan, Tổng Kiểm toán Nhà nước tiếp tục trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ nhất.

Trước phiên chất vấn, Bộ Y tế đã có báo cáo gửi đến Quốc hội một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn.

Lần đầu tiên áp dụng nhiều biện pháp chống dịch chưa có tiền lệ

Ngay khi dịch bệnh bắt đầu có những diễn biến phức tạp, Bộ Y tế đã chỉ đạo các địa phương chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản, tình huống xấu và chủ động nâng cao năng lực phòng, chống dịch đồng thời tổ chức triển khai nhiều biện pháp chống dịch.

Theo đó, thành lập các Bộ phận thường trực đặc biệt tại địa phương để trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ phòng, chống dịch. Xây dựng và cập nhật các hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật về truy vết, khoanh vùng, các phương án cách ly, các chiến lược xét nghiệm, đánh giá nguy cơ, phòng, chống dịch tại khu công nghiệp.

Công tác cách ly, truy vết đã được triển khai đồng bộ với nhiều biện pháp được tăng cường nhằm phát hiện sớm, ngăn ngừa dịch bệnh, trong đó sử dụng các biện pháp công nghệ; phát huy vai trò của Tổ COVID-19 cộng đồng, phối hợp giữa các lực lượng tiến hành truy vết nhanh, thực hiện cách ly kịp thời theo phương châm đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng.

Các biện pháp tổ chức cách ly được điều chỉnh, cập nhật theo diễn biến dịch bệnh và năng lực cách ly của từng địa bàn. Điều chỉnh thời gian cách ly tập trung phù hợp với diễn biến dịch. Nhiều biện pháp cách ly lần đầu tiên được triển khai trong phòng, chống dịch tại nước ta như: Cách ly F1 tại trạm y tế xã, tại nhà, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp; thực hiện cách ly tại chỗ, cách ly ngay tại các cơ sở sản xuất, khu công nghiệp; sử dụng camera giám sát cách ly; đặc biệt, tổ chức triển khai thí điểm cách ly F0 tại nhà đối với các trường hợp không triệu chứng (bảo đảm các điều kiện cần thiết trong quá trình thực hiện cách ly) trong giai đoạn dịch tăng cao tại Thành phố Hồ Chí Minh...

Lần đầu tiên áp dụng nhiều biện pháp chống dịch chưa có tiền lệ, huy động lực lượng lớn nhân lực từ các đơn vị, địa phương để tập trung cho hoạt động phòng, chống dịch, nhằm giảm tử vong tối đa.

Tổ chức phân tầng điều trị theo mô hình tháp 3 tầng để tiếp nhận điều trị hiệu quả các trường hợp nhiễm COVID-19 theo các mức độ của bệnh. Thực hiện việc hỗ trợ chuyên môn thông qua hình thức hội chẩn trực tuyến, trực tiếp, giao ban giữa các tầng điều trị, chuyển viện an toàn, đặc biệt tầng 3 (nặng, nguy kịch) cho tầng 2 và tầng 1. Triển khai các mô hình chăm sóc, điều trị người nhiễm tại nhà, huy động sự tham gia của cộng đồng ở các địa phương có nhiều người nhiễm; thành lập các trạm y tế lưu động tại các xã, phường, thị trấn với sự tham gia của các lực lượng y tế, quân y, tình nguyện viên.… Bộ Y tế cho rằng, đây là giải pháp mang tính đột phá, đạt hiệu quả cao, giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế từ sớm, ngay tại xã, phường, thị trấn, góp phần giảm bệnh nặng và tử vong.

Tổ chức hiệu quả chiến dịch tiêm chủng có quy mô lớn nhất trong lịch sử tiêm chủng tại Việt Nam

Theo Bộ Y tế, tính đến 04/11/2021, cả nước đã tiêm được 86,4 triệu liều; đã có trên 32,5 triệu người tiêm 1 liều vắc xin và trên 26,9 triệu người tiêm đủ 2 liều vắc xin. Tỷ lệ tiêm ít nhất 01 liều vắc xin là 81,2% và tỷ lệ tiêm đủ 02 liều vắc xin là 37,34% dân số từ 18 tuổi trở lên; vào ngày cao điểm cả nước tiêm được trên 2 triệu liều vắc xin/ngày. Có 13 tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm ít nhất 01 liều vắc xin cho dân số từ 18 tuổi trở lên đạt trên 95%; có 11 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ đủ 02 mũi vắc xin cho dân số từ 18 tuổi trở lên đạt trên 50%. Riêng các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đã tiêm được 94,1% mũi 1 và 48,7% mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên.

Về tình hình nhập khẩu, sản xuất vắc xin, Bộ Y tế cho biết, tính đến ngày 05/11/2021, tổng số vắc xin đã có hợp đồng mua, cam kết viện trợ và tài trợ là 198,8 triệu liều, đã tiếp nhận 124,7 triệu liều vắc xin và phân bổ vắc xin theo địa bàn trọng điểm là những nơi đang có dịch bùng phát mạnh, nguy cơ bùng phát cao, nhiều khu công nghiệp, giao thông huyết mạch…; thực hiện ưu tiên tiêm cho các đối tượng người già, người có nguy cơ cao, mở rộng chỉ định tiêm cho một số đối tượng như phụ nữ mang thai trên 13 tuần, trẻ em, mở rộng mạng lưới tiêm chủng bao gồm cố định và lưu động. Hiện đã phân bổ hơn 110 triệu liều vắc xin cho các đơn vị, địa phương để tiêm chủng cho toàn bộ người dân từ 18 tuổi trở lên và một số trẻ em từ 12 đến 17 tuổi.

Cùng với đó, công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng, chống dịch được đẩy mạnh. Việt Nam là 1 trong 4 nước đầu tiên trên thế giới phân lập được vi rút; nghiên cứu, sản xuất sinh phẩm chẩn đoán, một số trang thiết bị y tế; đảm bảo được trang thiết bị phòng hộ… Về nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước, đã có 02 vắc xin được thử nghiệm lâm sàng; 02 vắc xin chuyển giao công nghệ với Mỹ, Nga và 02 vắc xin có hợp tác chuyển giao công nghệ với Trung Quốc, Cuba.

Tuy nhiên, do đây là đại dịch mới, chưa có tiền lệ, chưa từng xảy ra trên quy mô toàn cầu; hầu hết các nước chưa có nhiều kinh nghiệm và có các cách ứng xử khác nhau; biến chủng Delta lây nhiễm nhanh, mạnh, khó kiểm soát đối với tất cả các nước và kéo dài nên trong thời gian đầu của đợt dịch, công tác chỉ đạo điều hành ở các cấp có nơi, có lúc còn lúng túng, chưa thống nhất, bị động; còn tình trạng chủ quan, lơ là, mất cảnh giác khi chưa có dịch hoặc dịch đã đi qua; ngược lại, khi có dịch lại hoang mang, lo lắng, mất bình tĩnh; còn thiếu quyết liệt, thiếu kiên định, còn chần chừ; sự phối hợp trong lãnh đạo, chỉ đạo giữa các địa phương chưa chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả, thiếu nhất quán.

Đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 đã cho thấy: Các quy định của pháp luật hiện hành chưa thể bao quát được hết các tình huống ứng phó với bùng phát của dịch bệnh; nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành; một số văn bản chưa sát thực tiễn, thiếu khả thi, một số quy định mâu thuẫn, thay đổi nhanh, gây bức xúc trong xã hội, nhất là việc đi lại của người dân; hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng chưa đáp ứng năng lực phòng, chống dịch; hầu hết các trang thiết bị y tế, thuốc, sinh phẩm, vắc xin... đều phải nhập khẩu do chưa sản xuất được trong nước; ứng dụng công nghệ thông tin vẫn còn tình trạng thiếu thống nhất, đồng bộ; Công tác truyền thông giai đoạn đầu còn chậm trễ trong việc cung cấp thông tin định hướng dư luận.

Hướng tới tỷ lệ vaccine bao phủ dân số trên 18 tuổi đạt 100% trong quý 4/2021 và đầu năm 2022

Giải pháp trong thời gian tới, Bộ Y tế cho biết sẽ tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng; huy động cả hệ thống chính trị, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Làm tốt hơn nữa công tác dự báo; phát huy trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là ở cơ sở; đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với kiểm tra, giám sát và phát huy tính tự chủ, linh hoạt, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương và doanh nghiệp.

Triển khai hiệu quả Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch COVID-19 để tạo điều kiện thuận lợi thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ và Quyết định số 4800/QĐ-BYT ngày 12/10/2021 ban hành Hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.

Đẩy nhanh Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 toàn quốc, thực hiện tiêm mũi tăng cường và triển khai kế hoạch tiêm vắc xin cho trẻ em thận trọng, an toàn, khoa học. Hướng tới tỷ lệ vắc xin bao phủ dân số trên 18 tuổi đạt 100% trong quý 4/2021 và đầu năm 2022. Từ Quý 4 năm 2021, Bộ Y tế tiếp tục triển khai tiêm cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi theo lộ trình từ lứa tuổi cao đến thấp (tiêm trước cho lứa tuổi từ 16 - 17 tuổi và hạ dần độ tuổi) theo tiến độ cung ứng vắc xin và tình hình dịch tại địa phương với mục tiêu 100% trẻ trong độ tuổi này được tiêm đủ số mũi cơ bản; mở rộng tiêm cho trẻ em thuộc các nhóm tuổi khác có chỉ định sử dụng vắc xin, đảm bảo toàn bộ người dân bình đẳng, công bằng trong tiếp cận vắc xin phòng COVID-19.

Tập trung đầu tư, từng bước hiện đại hóa, nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở. Bảo đảm an ninh y tế, chú trọng thúc đẩy nghiên cứu y sinh học, phát triển công nghiệp dược, vắc xin, sinh phẩm, thuốc điều trị, trang thiết bị y tế để chủ động trong phòng, chống dịch, kể cả đối với các loại dịch bệnh nguy hiểm, mới nổi.

Tiếp tục nhập khẩu vaccine và thúc đẩy sản xuất vaccine trong nước để từng bước chủ động nguồn cung, đáp ứng nhu cầu năm 2022 và các năm tiếp theo; khuyến khích huy động nguồn lực địa phương, doanh nghiệp để mua vắc xin.

Hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách huy động nguồn lực cho phòng, chống dịch, thúc đẩy xã hội hóa, kết hợp công tư; tiếp tục đổi mới công tác đào tạo nhân lực cho hệ thống y tế đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch; có chính sách đặc thù, đãi ngộ đối với lực lượng y tế, lực lượng tuyến đầu có nhiều đóng góp, hy sinh.

Thực hiện việc kết nối, xác thực và liên thông các cơ sở dữ liệu trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đảm bảo an toàn, an ninh đối với các ứng dụng và cơ sở dữ liệu phục vụ phòng, chống dịch.

Tổng kết việc thực hiện các biện pháp, giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 đã thực hiện trong các đợt dịch vừa qua để xây dựng kịch bản, chiến lược phòng, chống dịch trong thời gian tới. Đồng thời, bổ sung các giải pháp về hoàn thiện thể chế, pháp luật trong công tác phòng, chống dịch.

Trang thiết bị y tế và sinh phẩm xét nghiệm về cơ bản đáp ứng nhu cầu phục vụ phòng, chống dịch

Để chủ động nguồn cung trang thiết bị y tế, sinh phẩm xét nghiệm phục vụ khám chữa bệnh và phòng chống dịch COVID-19, Bộ Y tế đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cơ bản bảo đảm nguồn cung trang thiết bị y tế, sinh phẩm xét nghiệm.

Cụ thể, tổng hợp, rà soát đánh giá và khảo sát nhu cầu trong nước; đề nghị các đơn vị sản xuất, nhập khẩu, cung ứng trang thiết bị y tế; chủ động tìm kiếm nguồn hàng, chuẩn bị nguyên liệu phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh đảm bảo cung ứng trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Thúc đẩy sản xuất trong nước, đề nghị các doanh nghiệp chủ động, nhanh chóng tìm kiếm các nguồn hàng có chất lượng, có khả năng cung ứng để kịp thời tiếp cận đưa các sản phẩm về thị trường Việt Nam theo hướng tiếp cận với các nhà sản xuất có uy tín từ Châu Âu, Mỹ và thực hiện theo hình thức chuyển giao công nghệ, gia công để rút ngắn quá trình sản xuất và tiến tới làm chủ công nghệ sản xuất tại Việt Nam, đặc biệt ưu tiên mặt hàng phòng chống dịch COVID-19: các sản phẩm test xét nghiệm SARS-CoV-2, máy thở, máy oxy dòng cao...    

Thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội khóa XV và Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 06/8/2021 của Chính phủ, Bộ Y tế đã rút ngắn thời gian cấp số lưu hành, giấy phép nhập khẩu để tăng số lượng mặt hàng cung ứng trên thị trường.

Chủ động hỗ trợ thúc đẩy việc sản xuất trang thiết bị y tế trong nước để mở rộng, chủ động nguồn cung ứng, tăng sự cạnh tranh, hiện tại đã có một số nhóm mặt hàng như: Máy thở, máy oxy dòng cao HFNC, test-kít xét nghiệm virus SARS-Cov-2,… doanh nghiệp Việt Nam sản xuất và đưa ra thị trường. Vận động các doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế tài trợ sinh phẩm xét nghiệm cho Việt Nam.

Bên cạnh việc thực hiện các giải pháp nhằm tăng nguồn cung trang thiết bị y tế, sinh phẩm xét nghiệm, Bộ Y tế cũng đã triển khai nhiều biện pháp để quản lý giá trang thiết bị, giá xét nghiệm.

Theo Bộ Y tế, với các giải pháp này, đến nay về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu về trang thiết bị y tế và sinh phẩm xét nghiệm phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Cùng với sự gia tăng của các loại sinh phẩm xét nghiệm trên thị trường Việt Nam, giá test trung bình do các công ty công bố cũng đã giảm nhiều. Lý giải cho việc giá xét nghiệm vẫn còn nhiều mức, Bộ Y tế cho biết, đối với các cơ sở y tế công lập mức giá khác nhau là do áp dụng thanh toán chi phí xét nghiệm theo phương thức thực thanh thực chi. Giá xét nghiệm gồm chi phí liên quan đến việc lấy mẫu, trả kết quả xét nghiệm, vật tư tiêu hao, điện nước, nhân công cộng chi phí test xét nghiệm từ 1/7/2021.Trong đó, chi phí liên quan đến việc lấy mẫu, trả kết quả xét nghiệm, vật tư tiêu hao, điện nước, nhân công sẽ được thanh toán theo cùng 1 một mức; giá chi phí xét nghiệm được thanh toán theo kết quả đấu thầu mua sinh phẩm.  Đối với cơ sở y tế tư nhân theo quy định của pháp luật hiện hành thì cơ sở được quyết định giá dịch vụ xét nghiệm nhưng phải kê khai, công khai giá.

Về đảm bảo nguồn cung thuốc điều trị COVID-19, ngay từ khi dịch bệnh bùng phát, Bộ Y tế đã chủ động đưa ra các hướng dẫn điều trị và triển khai các giải pháp đảm bảo nguồn cung cho các thuốc điều trị COVID-19. Do vậy nhu cầu về thuốc điều trị đã đáp ứng đủ và kịp thời trong cả 4 giai đoạn dịch bệnh vừa qua.

Về các giải pháp trong thời gian tới, để đảm bảo nguồn cung trang thiết bị y tế, sinh phẩm xét nghiệm và quản lý giá trang thiết bị, giá xét nghiệm, Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung các Nghị định về quản lý trang thiết bị y tế nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý trang thiết bị y tế, trong đó có một số điểm mới đáng chú ý như minh bạch toàn bộ quá trình cấp phép lưu hành, đơn giản hóa các giấy tờ trong quá trình cấp phép, trong đó bao gồm cả việc áp dụng mẫu hồ sơ đăng ký trang thiết bị y tế theo thông lệ của quốc tế; thay đổi cơ bản cơ chế quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm; bổ sung các biện pháp quản lý giá trang thiết bị y tế. Đồng thời, bổ sung quy định về bình ổn giá trang thiết bị y tế; xây dựng, triển khai Đề án sản xuất trang thiết bị y tế trong nước. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh trang thiết bị y tế, tập trung quản lý, đánh giá chất lượng sau bán hàng.

Để đảm bảo nguồn cung thuốc điều trị COVID-19, Bộ sẽ hoàn thiện hệ thống pháp về dược để tạo cơ chế pháp lý thuận lợi cho việc nhập khẩu, sản xuất thuốc, vắc xin. Làm việc với các doanh nghiệp nước ngoài để hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam về việc nhượng quyền tự nguyện để sản xuất thuốc Molnupiravir tại Việt Nam; chủ động hướng dẫn, hỗ trợ, các đơn vị nghiên cứu, các nhà sản xuất trong nước triển khai nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, hồ sơ đăng ký lưu hành thuốc điều trị COVID-19. Xây dựng các mức dự trù sử dụng, trong đó chấp nhận mua thuốc với số lượng đáp ứng nhu cầu cho kịch bản dịch có diễn tiến xấu vì khả năng dư thừa thuốc khi dịch được kiểm soát tốt. Tăng cường thúc đẩy việc nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng, chuyển giao công nghệ và sản xuất thuốc điều trị COVID-19 và các vắc xin dự phòng COVID-19; Ưu tiên xử lý, thẩm định, nhanh các hồ sơ đăng ký thuốc điều trị COVID-19.

Giảm thiểu sự chênh lệch chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh giữa các tuyến, các vùng miền

Trong thời gian phòng, chống dịch COVID-19, y tế cơ sở đã có vai trò quan trọng trong cả phòng, chống dịch và chăm sóc, quản lý sức khỏe người dân, đặc biệt là người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính tại cộng đồng. Mạng lưới y tế cơ sở phát huy vai trò của mình với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, giám sát, điều tra dịch tễ người đi đến từ vùng dịch để có biện pháp xử lý kịp thời. Khi xảy ra đợt dịch lần thứ 4 năm 2021 càng thấy rõ hơn vai trò của y tế cơ sở trong việc thực hiện việc xét nghiệm, cách ly, tiêm chủng, điều trị, đặc biệt là trong quản lý, chăm sóc F0 tại nhà giúp giảm bệnh nặng, góp phần giảm tử vong.

Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tham mưu trình Chính phủ, Quốc hội dự thảo Luật khám bệnh chữa bệnh và Luật bảo hiểm y tế sửa đổi nhằm đổi mới đào tạo nguồn nhân lực y tế theo hướng hội nhập quốc tế; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ; phát triển hệ thống y tế bảo đảm đồng đều giữa các tuyến.

Tiếp tục tập trung đầu tư cho các địa phương phát triển y tế kỹ thuật cao, chuyên sâu ngay tại chính địa phương. Các địa phương chủ động xây dựng và ban hành các chính sách về chế độ đãi ngộ, thu hút nhân lực về địa phương.

Nâng cao trình độ chuyên môn, chất lượng dịch vụ y tế tại tuyến cơ sở để khuyến khích người dân khám, chữa bệnh tại tuyến cơ sở, giảm tỷ lệ chuyển tuyến trên; Tăng cường kiểm định lâm sàng bên ngoài, nội kiểm tại các cơ sở khám, chữa bệnh, giám sát, đánh giá tuân thủ hướng dẫn chuyên môn để cải thiện việc chỉ định dịch vụ kỹ thuật, chẩn đoán, điều trị; Thực hiện các giải pháp nhằm hạn chế việc chỉ định dịch vụ kỹ thuật, thuốc, chỉ định điều trị nội trú... vượt quá mức cần thiết.

Đẩy nhanh lộ trình việc thực hiện giá dịch vụ y tế được tính đúng, tính đủ đảm bảo thu đủ chi và trả công tương xứng với cán bộ y tế.

Tiếp tục đẩy mạnh phát triển y dược cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại.

Nâng cao năng lực của hệ thống y tế cơ sở, đặc biệt là ở các vùng khó khăn

Y tế cơ sở bao gồm đơn vị y tế huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương; trạm y tế xã, phường, thị trấn và đội ngũ nhân viên y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản. Thời gian qua, y tế cơ sở đã có nhiều thay đổi cùng với sự phát triển của đất nước; luôn giữ vai trò, vị trí là tuyến y tế trực tiếp gần dân nhất, bảo đảm cho mọi người dân được chăm sóc sức khoẻ cơ bản với chi phí thấp, góp phần thực hiện công bằng xã hội, xoá đói giảm nghèo, an sinh xã hội, an ninh quốc phòng và tạo niềm tin của nhân dân với chế độ xã hội chủ nghĩa.

Để củng cố, hoàn thiện tổ chức của mạng lưới y tế cơ sở, Bộ Y tế sẽ rà soát hệ thống văn bản về hệ thống y tế cơ sở để sửa đổi, bổ sung kịp thời, tạo sự thống nhất, ổn định về tổ chức bộ máy và hoạt động của y tế cơ sở.

Hoàn thiện tổ chức mạng lưới y tế cơ sở theo hướng trung tâm y tế huyện đa chức năng, quản lý toàn diện và điều phối nguồn lực cho y tế trên địa bàn huyện. Nghiên cứu đề xuất thành lập trạm y tế theo cụm dân cư và quy mô dân số; thí điểm trung tâm y tế huyện thuộc Uỷ ban nhân dân huyện quản lý; Sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị y tế tuyến y tế cơ sở đảm bảo thực hiện theo nguyên lý y học gia đình, thúc đẩy sự phối hợp giữa các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập và giữa các tuyến y tế, cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện, liên tục và lồng ghép. Nâng cao chất lượng quản trị của hệ thống y tế cơ sở trong việc cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu tại trạm y tế xã.

Đồng thời, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của y tế cơ sở, theo đó, xác định phạm vi cung ứng dịch vụ của mạng lưới y tế cơ sở, trong đó xem xét đến tính đặc thù, phù hợp với các vùng miền khác nhau. Sửa đổi, bổ sung gói dịch vụ y tế cung cấp tại y tế cơ sở kèm theo đơn giá/định mức dịch vụ làm cơ sở để phân bổ ngân sách dựa trên kết quả hoạt động và kết quả đầu ra, đảm bảo cung ứng đủ thuốc, trang thiết bị cơ bản cho y tế cơ sở, đẩy mạnh quản lý một số bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế xã.

Đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe tuyến cơ sở phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức. Tập trung công tác truyền thông thay đổi hành vi, phòng chống các yếu tố nguy cơ bất lợi cho sức khỏe và xây dựng lối sống lành mạnh, khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ y tế tại y tế cơ sở. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, đánh giá công tác y tế cơ sở, việc thực hiện tự chủ và sử dụng quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ở bệnh viện tuyến huyện.

Cùng với đó, tăng cường đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đẩy mạnh chuyển giao kỹ thuật từ tuyến trên cả bằng phương thực trực tiếp và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kiến thức và kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ về dân số cho cán bộ y tế, dân số của Trung tâm y tế cấp huyện, trạm y tế xã, nhất là tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về dân số và phát triển.

Đổi mới cơ chế tài chính cho hoạt động của y tế cơ sở để đảm bảo sự hỗ trợ bền vững về tài chính cho y tế cơ sở thông qua cơ chế cung ứng dịch vụ được bảo hiểm y tế hay ngân sách nhà nước thanh toán.

Công tác đào tạo, sử dụng đội ngũ cán bộ y tế và chế độ chính sách

Trong giai đoạn vừa qua, công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực y tế đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng đáp ứng yêu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân ngày càng tốt hơn. Hệ thống đào tạo nhân lực y tế đã có sự phát triển mạnh mẽ với nhiều trường đại học, cao đẳng và trung cấp trên cả nước; đội ngũ nhân lực y tế ngày càng được tăng cường về số lượng và chất lượng, có phẩm chất đạo đức và năng lực chuyên môn giỏi đáp ứng về cơ bản yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân tất cả các tuyến y tế từ trung ương đến tận vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo.

Thời gian tới, Bộ tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến đặc thù đào tạo nhân lực y tế nhằm tạo môi trường pháp lý triển khai đổi mới đào tạo nhân lực y tế đáp ứng yêu cầu đảm bảo và nâng cao chất lượng nhân lực y tế, tiến tới hội nhập quốc tế; chuẩn hóa mô hình đào tạo phù hợp với Khung trình độ quốc gia và hội nhập quốc tế; hoàn thành xây dựng chuẩn năng lực, chuẩn đầu ra, chuẩn chương trình, đổi mới nội dung, chương trình đào tạo khối ngành sức khỏe theo hướng dựa trên năng lực, phù hợp với từng lĩnh vực, chuyên ngành và trình độ đào tạo gắn với yêu cầu trong tình hình mới và nhu cầu sử dụng của hệ thống y tế.

Tiếp tục hoàn thiện chính sách về xác định vị trí việc làm, công nhận chức danh hành nghề, giảng dạy lâm sàng; chế độ đãi ngộ về lương, phụ cấp cho người giảng dạy, người học chuyên khoa, ... Xây dựng cơ chế tài chính về học bổng, học phí, kinh phí đào tạo,... phù hợp với đặc thù đào tạo nhân lực y tế.

Đào tạo và đào tạo lại để đáp ứng đủ số lượng cán bộ y tế các tuyến theo yêu cầu của công tác phòng, chống dịch, đặc biệt chú trọng và tăng cường đào tạo cán bộ y tế các chuyên khoa. Tiếp tục triển khai các đề án đào tạo nhân lực y tế cho vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa; từng bước đảm bảo số lượng và chất lượng nhân lực y tế đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe dân tại tuyến cơ sở, vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa.

Về chế độ cho đội ngũ cán bộ y tế, trong thời gian dịch COVID-19, để kịp thời động viên cán bộ, viên chức y tế tham gia phòng chống dịch, Bộ Y tế đã tham mưu, trình Chính phủ ban hành các Nghị quyết: quy định một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19; chi phí cách ly y tế, khám, chữa bệnh và một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19; quy định chế độ chống dịch cho các tình nguyện viên; các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội khóa XV.

Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục nâng cao năng lực cho hệ thống y tế dự phòng và y tế cơ sở để thực hiện tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân; Nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh gắn với đổi mới y tế cơ sở. Thực hiện đãi ngộ xứng đáng đối với cán bộ y tế; có các chính sách đủ mạnh để khuyến khích người có trình độ chuyên môn làm việc tại y tế cơ sở, các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, biên giới, hải đảo và trong lĩnh vực y tế dự phòng” theo tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới./.