Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Đây là thông tin do Cục Phát triển doanh nghiệp (AED - Bộ KH&ĐT) phối hợp cùng Bộ Các vấn đề toàn cầu Canada (GAC) và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) công bố tại sự kiện họp báo ngày 3/8 về dự án "Hỗ trợ Hệ sinh thái các doanh nghiệp tạo tác động xã hội tại Việt Nam ứng phó với COVID-19" (ISEE-COVID).
Trong tháng 6, ISEE-COVID đã khởi động "Chương trình đồng hành khôi phục sau COVID-19 năm 2023" nhằm cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho các SIB với các mô hình kinh doanh khả thi và có tiềm năng tác động đáng kể về nông nghiệp, du lịch, giáo dục và y tế/chăm sóc sức khỏe. Sự kiện đã thu hút sự quan tâm từ 239 SIB. Trải qua vòng sơ loại và thuyết trình được tiến hành kỹ lưỡng, 30 SIB xuất sắc từ nhiều vùng miền của Việt Nam đã được chọn tham gia chương trình, hơn 2/3 trong số đó là doanh nghiệp lấy phụ nữ làm trọng tâm.
"Chương trình đồng hành khôi phục sau COVID-19 năm 2023" được triển khai dựa trên thành công của chương trình năm 2022. Đây là chương trình đã hỗ trợ cho 31 SIB trong lĩnh vực nông nghiệp và du lịch đến từ 16 tỉnh, thành phố trên cả nước. Kết quả là 100% SIB đã có thể phát triển thành công các sản phẩm hoặc dịch vụ mới, duy trì hoặc tăng doanh thu, trong đó một số SIB có doanh thu đạt mức cao nhất là tăng 19 lần so với cùng kỳ năm 2021. Các SIB tạo ra nhiều cơ hội việc làm hơn, đặc biệt là đối với phụ nữ và các nhóm dễ bị tổn thương.
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông chia sẻ: Gói hỗ trợ trên đã nhận được nhiều phản hồi tích cực và thu hút sự tham gia của một số lượng lớn các SIB tham gia. Trong năm 2021, đã có 31 SIB nhận gói hỗ trợ này và đều đạt được những kết quả đáng khích lệ. Các SIB này đã xây dựng các kế hoạch kinh doanh có lồng ghép các yếu tố phát triển bền vững, như môi trường, chống biến đổi khí hậu, an sinh xã hội.
Đặc biệt, sau khi nhận hỗ trợ, doanh thu của tất cả 31 SIB đều phục hồi và tăng trưởng so với năm 2021. SIB có doanh thu tăng cao nhất lên tới 19 lần so với cùng kỳ năm 2021. Có 2 SIB đã tiếp cận được nguồn tài chính mới từ các nhà đầu tư với hơn tổng giá trị hơn 18 tỷ đồng và 3 SIB thành công xuất khẩu sản phẩm sang nhiều thị trường quốc tế.
30 SIB hoạt động đa dạng từ sản xuất sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao với phương pháp canh tác thích ứng với biến đổi khí hậu cho đến sử dụng công nghệ mới để tạo việc làm thỏa đáng cho người khuyết tật và thúc đẩy giáo dục hòa nhập. Giải quyết vấn đề sức khỏe của người dân vẫn là ưu tiên hàng đầu, điều này có thể nhận thấy rõ qua các SIB tập trung vào chăm sóc sức khỏe cho các nhóm dễ bị tổn thương hoặc áp dụng công nghệ hỗ trợ làm sạch không khí và giúp môi trường trong lành hơn".
Có 3 đơn vị ươm tạo - BizCare, Wise, và Angle4Us - sẽ làm việc cùng sẽ làm việc cùng với các SIB để hỗ trợ hoàn thiện mô hình kinh doanh và phát triển các sản phẩm hoặc dịch vụ mới, từ đó đẩy nhanh quá trình phục hồi sau đại dịch.
Theo Đại sứ Canada tại Việt Nam Shawn Steil, những nỗ lực tận tâm của SIB đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các khoảng cách xã hội và môi trường, tạo ra tác động tích cực ở Việt Nam. Khu vực SIB đã thể hiện khả năng phục hồi đáng kể, tạo cơ hội việc làm cho các cộng đồng dễ bị tổn thương và bị lề hóa, thúc đẩy phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường, gia tăng giá trị cho hàng hóa chính hãng và tăng cường khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu, cùng nhiều nỗ lực khác đã được công nhận trên toàn cầu. Mỗi nỗ lực này đóng vai trò như một nguồn cảm hứng.
"Chúng tôi tin tưởng rằng các SIB sẽ trở thành tác nhân thành công tạo nên sự thay đổi, không chỉ cho chính họ mà còn cho cộng đồng và quốc gia", ông Shawn Steil nói.
Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, bà Ramla Khalidi bày tỏ hy vọng rằng các SIB sẽ tận dụng tối đa lợi ích của chương trình để phát triển và hoàn thiện các sản phẩm và dịch vụ của mình: "Chúng tôi tin rằng chương trình này sẽ cung cấp kịp thời hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cần thiết để giúp SIB xác định các giải pháp phục hồi kinh tế và tăng trưởng trong tương lai. UNDP mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác nhằm thúc đẩy một hệ sinh thái kinh doanh có tác động xã hội sôi động ở Việt Nam, một hệ sinh thái ưu tiên phụ nữ và các nhóm dễ bị tổn thương trong quá trình thiết kế, lãnh đạo và mang lại lợi ích".
Đại diện một DN SIB thành công, doanh nhân Nguyễn Thị Thu Hoa, người dân tộc Mường, CEO của Công ty Trường Foods, khởi nghiệp từ năm 18 tuổi, đã làm nên thương hiệu chuyên bán các đặc sản, trong đó thịt chua là sản phẩm chủ lực cho biết, doanh nghiệp từng đạt đến công suất khoảng 3-4 tấn/ngày và có hơn 9.000 điểm bán.
Sau đó, như bao doanh nghiệp khác, công ty của chị cũng bị lao đao do COVID-19. Nhưng nhờ có ISEE-COVID và vườn ươm BizCar kết nối nguồn lực, thuê các chuyên gia, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó, hiện tại công ty đã tạo việc làm cho 140 lao động, trong đó 80% lao động nữ, 37% là người dân dân tộc thiểu số tại khu vực. CEO của Trường Foods cho hay, doanh nghiệp đã đặt mua của bà con tại địa phương nhiều nhiên liệu thiên nhiên như lá ổi, lúa ngô giúp cho sinh kế một bộ phận người dân địa phương được cải thiện. Kết quả doanh thu năm 2021 đạt 52 tỷ đồng, năm 2022 đạt 83 tỷ đồng, cho đến nay có trên 9.000 điểm bán.
"Định hướng của chúng tôi là sẽ xây dựng nhà máy tạo chuỗi giá trị, có thêm bà con địa phương tham gia, đẩy mạnh kinh doanh online trên các nền tảng thương mại điện tử. Chúng tôi đặt mục tiêu lan tỏa món ăn đặc sản, nét văn hóa ẩm thực ra các địa phương trên mọi miền Tổ quốc", CEO Nguyễn Thị Thu Hoa chia sẻ.
Từ những thành công bước đầu, các đối tác kỳ vọng với sự hỗ trợ của dự án, các sản phẩm và các mô hình kinh doanh mới được thử nghiệm đủ sáng tạo, bền vững, có khả năng mở rộng và phù hợp để giải quyết các vấn đề trong giai đoạn phục hồi sau COVID-19. Đồng thời, các doanh nghiệp nhận hỗ trợ từ dự án sẽ trở thành những tác nhân chính xây dựng và phát triển Hệ sinh thái các doanh nghiệp tạo tác động xã hội tại Việt Nam.
Dự án ISEE-COVID nhằm tăng cường khả năng phục hồi của các SIB tại Việt Nam và góp phần giảm tác động của COVID-19 đối với các nhóm dễ bị tổn thương.
Dự án có mục tiêu tổng thể: Nâng cao năng lực của các SIB, qua đó hỗ trợ các nhóm yếu thế, bao gồm phụ nữ, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số; nâng cao năng lực và tăng cường phối hợp giữa các tổ chức trung gian hỗ trợ SIB; tăng cường năng lực xây dựng và triển khai chính sách của các cơ quan quản lý nhà nước để tạo điều kiện thuận lợi cho các SIB phát triển, góp phần đóng góp vào thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững...
Huy Thắng