Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Trong 45 trường hợp mới phát hiện thì có 43 trường hợp đã được cách ly từ trước. Trong 43 trường hợp đã được cách ly thì có đến 24 trường hợp đã từng có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với SARS-CoV-2. Các chuỗi lây nhiễm đang được thành phố giám sát, kiểm soát chặt.
Cụ thể, 45 trường hợp nhiễm mới có 29 là các trường hợp tiếp xúc với các bệnh nhân đã được công bố trước đó; 14 trường hợp liên quan đến nhóm truyền giáo Phục Hưng đã được cách ly và xét nghiệm lần thứ 4 mới có kết quả dương tính; 2 trường hợp phát hiện qua khám sàng lọc đang điều tra dịch tễ.
29 trường hợp tiếp xúc với các bệnh nhân đã được cách ly bao gồm: chuỗi chung cư Ehome 3 (07) đã được cách ly và từng có kết quả âm tính lần 1; chuỗi nhà trọ trên đường Tô Ngọc Vân (18) đã được cách ly; liên quan BN8872 (01) đã được cách ly và kết quả xét nghiệm lần thứ 3 mới dương tính; liên quan BN10785 (01); liên quan BN11175 (02) đã được cách ly và kết quả xét nghiệm lần 2 mới dương tính.
Riêng 2 trường hợp được phát hiện qua khám sàng lọc tại bệnh viện là BN1739, BN1741 cư trú tại Thị Trấn Hóc Môn đang được điều tra dịch tễ.
Theo HCDC, tình hình hiện nay mầm bệnh có thể vẫn lây lan trong cộng đồng. Các chuỗi lây mới phát hiện chủ yếu lây nhiễm qua các tiếp xúc gần tại nơi cư trú, nơi làm việc. Do đó để đạt hiệu quả kiểm soát dịch bệnh trong thời gian giãn cách xã hội chúng ta cần tuân thủ đúng các quy định về giãn cách xã hội, khai báo y tế khi có nguy cơ, chủ động đi khám bệnh khi có các biểu hiện viêm đường hô hấp.
Bố trí 7 bệnh viện chuyên điều trị COVID-19
Sáng 17/6, PGS.TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, Bệnh viện Trưng Vương đang tạm thời chuyển đổi công năng để trở thành bệnh viện chuyên tiếp nhận điều trị bệnh nhân COVID-19 có các bệnh lý đi kèm cần được can thiệp điều trị chuyên sâu.
Đây là bệnh viện thứ 7 được chuyển đổi công năng nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế khi số ca mắc COVID-19 tiếp tục tăng trong thời gian gần đây.
Theo PGS.TS Tăng Chí Thượng, do tính lây nhiễm cao của dịch bệnh COVID-19, người bệnh COVID-19 phải được điều trị tại các bệnh viện chỉ chuyên tiếp nhận COVID-19, không bố trí lẫn lộn trong một bệnh viện đa khoa, ngoại trừ mô hình “bệnh viện tách đôi” (đối với những bệnh viện đáp ứng đủ điều kiện chuyển đổi thành hai nửa riêng biệt như 2 bệnh viện độc lập cả về cơ sở hạ tầng và nhân viên y tế).
Bên cạnh đó, do tính phức tạp khi bệnh diễn tiến nặng đòi hỏi các can thiệp điều trị chuyên khoa sâu và tính chất đa dạng của người bệnh COVID-19 có thể mắc các bệnh lý khác trong thời gian cách ly điều trị và cần điều trị cấp cứu hoặc cần can thiệp điều trị chuyên sâu (như chạy thận nhân tạo, cấp cứu các bệnh lý nội khoa, bệnh lý ngoại khoa, sản khoa, nhi khoa,…), nên việc chọn lựa các bệnh viện để chuyển đổi công năng cần có đủ các tuyến chuyên môn kỹ thuật khác nhau nhằm tránh chuyển bệnh nhân COVID-19 đến các bệnh viện không có chức năng cách ly điều trị. 7 bệnh viện điều trị COVID-19 gồm:
- Bệnh viện dã chiến Củ Chi, quy mô 300 giường chịu trách nhiệm tiếp nhận điều trị các trường hợp Covid-19 nhẹ, có 10 giường cấp cứu.
- Bệnh viện điều trị COVID-19 Củ Chi, quy mô 500 giường (do Bệnh viện huyện Củ Chi chuyển đổi công năng) chịu trách nhiệm tiếp nhận điều trị các trường hợp COVID-19 cả nhẹ và nặng và các trường hợp COVID-19 có bệnh lý kèm theo cần chạy thận nhân tạo, cần can thiệp phẫu thuật cấp cứu, cấp cứu sản phụ khoa, nhi khoa,… Bệnh viện điều trị COVID-19 Củ Chi có khoa Hồi sức với 20 giường.
- Bệnh viện điều trị COVID-19 Cần Giờ, quy mô 600 giường (trước đây là Bệnh viện huyện Cần Giờ, nay là Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ, do sáp nhập bệnh viện và trung tâm y tế), chịu trách nhiệm tiếp nhận điều trị các trường hợp Covid-19 nhẹ và các trường hợp Covid-19 có bệnh thận mạn cần chạy thận nhân tạo. Bệnh viện điều trị Covid-19 Cần Giờ có đơn vị Hồi sức với 20 giường.
- Bệnh viện điều trị COVID-19 Trưng Vương, quy mô 1.000 giường với 100 giường hồi sức (do Bệnh viện Trưng Vương chuyển đổi công năng), chuyên tiếp nhận điều trị bệnh nhân Covid-19 có các bệnh lý đi kèm cần được can thiệp các kỹ thuật điều trị chuyên khoa sâu. Nếu cần can thiệp các kỹ thuật chuyên khoa sâu nhưng chưa có tại Bệnh viện Trưng Vương thì các bệnh viện chuyên khoa của TP sẽ cử ê-kíp chuyên khoa đến can thiệp ngay tại Bệnh viện Trưng Vương, riêng Nhi khoa sẽ do Bệnh viện Nhi Đồng 1 đảm trách.
- Bệnh viện điều trị COVID-19 Phạm Ngọc Thạch, quy mô 500 giường với khoa Hồi sức 60 giường (do Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch chuyển đổi theo mô hình “Tách đôi bệnh viện” với một nửa bệnh viện chuyên tiếp nhận điều trị các trường hợp Covid-19) chịu trách nhiệm tiếp nhận điều trị các trường hợp Covid-19 nặng có suy hô hấp.
- Đơn vị điều trị COVID-19 trẻ em tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố và Bệnh viện Nhi Đồng 2, quy mô tổng cộng 140 giường thuộc khoa Nhiễm nằm trong khối nhà riêng biệt (80 giường của Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố, 60 giường của Bệnh viện Nhi Đồng 2) chuyên tiếp nhận điều trị các trường hợp Covid-19 ở trẻ em; bao gồm cả các trường hợp có diễn biến nặng, cần can thiệp hồi sức hô hấp, tuần hoàn ngoài cơ thể (ECMO),… với 30 giường hồi sức (20 giường ở Bệnh viện Nhi đồng Thành phố và 10 giường ở Bệnh viện Nhi đồng 2).
- Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TPHCM, quy mô 400 giường, chuyên tiếp nhận điều trị các trường hợp COVID-19 có diễn biến nặng, cần can thiệp hồi sức hô hấp, tuần hoàn ngoài cơ thể (ECMO),… có khoa Hồi sức với 40 giường. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM là bệnh viện tuyến cuối chịu trách nhiệm đào tạo, tư vấn, hội chẩn từ xa về bệnh COVID-19.
Ngoài ra, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng sẵn sàng bố trí 100 giường hồi sức để tiếp nhận điều trị các trường hợp bệnh COVID-19 nặng.