• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Tri ân những người cứu nước

Bà Hoàn và cháu thắp nhang trên mộ liệt sỹ vô danh trên đường đi tìm mộ Liệt sỹ Nguyễn Đình Cự

29/04/2011 15:40
Những ngày cuối tháng 4, chúng tôi trở lại Điện Biên trong cảm xúc nhớ thương vô hạn lớp lớp bộ đội Cụ Hồ vĩnh viễn nằm lại mảnh đất Điện Biên Phủ - nơi 57 năm trước, họ đã hy sinh cả cuộc đời cùng dân tộc làm nên một Điện Biên lừng lẫy địa cầu...
Nghĩa trang A1 là điểm đến đầu tiên của những người đi tưởng niệm. Nhưng Nghĩa trang A1 không phải là điểm đến cuối cùng. Tôi gặp bà Nguyễn Thị Hoàn, 65 tuổi, cùng 2 cháu trai Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Đình Khang đang thắp nhang tại Nghĩa trang Độc Lập. Bà cho biết vừa từ Nghĩa trang A1 vào. Ba dì cháu là thân nhân liệt sĩ Nguyễn Đình Cự. Bà là em út, Liệt sỹ là anh cả. Khi anh trai mất, bà Hoàn mới lên 6 tuổi. Gia đình bà nhận được giấy báo tử từ năm 1954, biết anh hy sinh ngày 21/4, trong lúc đang cùng đồng đội đào hào giao thông xiết chặt vòng vây cứ điểm cuối cùng của thực dân Pháp tại Điện Biên Phủ. Tên người anh có trong sổ vàng ghi công, nhưng bà và các cháu không thể nào biết được người thân của mình đang dưới phần mộ nào trong số gần 3.972 mộ liệt sĩ vô danh tại 3 Nghĩa trang A1, Độc Lập và Him Lam. Ba dì cháu chia nhau đi thắp nhang. Hai cháu trai của bà cẩn thận lấy bao thuốc thắp hương tại đài tưởng niệm, châm từng điếu, cắm tượng trưng "mỗi tiểu đội một điếu''. "Từ ngày anh mất, nay mới thực hiện được nguyện vọng lên thắp nhang, nhưng vẫn chẳng thỏa lòng. Ở đây chắc cũng nhiều liệt sỹ như anh, khi chết chưa có gia đình, nay bố mẹ không còn, chỉ có các cháu hương khói…" - Bà Hoàn nghẹn giọng nói. Cháu trai Nguyễn Hữu Thọ cũng bày tỏ lo âu: "Chắc chắn còn nhiều gia đình thân nhân liệt sỹ ở nông thôn vẫn chưa thực hiện được tâm nguyện lên tận nơi cha anh mình nằm xuống. Ba dì cháu tôi từ Nghệ An lên đây riêng tiền tàu xe mỗi người đã mất 1,2 triệu đồng. Cả ăn uống, tằn tiện cũng tốn hơn 5 triệu đồng. Không phải ai cũng có khoản tiền đó để đi. Vậy mà trong quy định, thân nhân liệt sỹ phải có ảnh bia mộ được quản trang xác nhận mới được hỗ trợ tiền đi lại…".
Nhưng họ cũng thấy ấm lòng khi tận mắt chứng kiến toàn bộ 2.432 liệt sỹ tại Nghĩa trang Độc Lập vừa được thay "nhà mới". Sau ngày khởi công 18/2, 300 con người thuộc các đơn vị xây dựng tin cậy của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển DIA đã làm ngày làm đêm với trách nhiệm cao nhất để công trình tôn tạo Nghĩa trang Độc Lập hoàn thành trước lễ kỷ niệm ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5. Giờ thì mọi việc đã hoàn tất, hàng hàng bia mộ được trát granitô màu ghi, phía trên mặt mộ màu đỏ cờ được phủ một lớp dầu bóng 2k, trên nền granitô vững chắc. Khiến cho Nghĩa trang Độc Lập càng trở nên trang trọng dưới tán lá những hàng cây long não được trồng cùng thời xây dựng Nghĩa trang, những hàng cây phượng mỗi độ hè lại đỏ màu không nguôi nhắc về một thời máu đỏ …
Nhưng để có được hình ảnh ấm lòng này, ban lãnh đạo DIA không chỉ đề xuất tâm nguyện công đức tiền của tôn tạo Nghĩa trang, mà còn đặt cả tấm lòng vào việc tổ chức thực hiện công việc hơn 60 ngày qua. Có lên đây làm việc mới hình dung lại được ngày "nắng cháy, mưa dầm" các liệt sỹ chiến đấu dưới đạn giặc thù. Thế nên, họ đã lựa chọn những gì tốt nhất để thực hiện ước nguyện tâm linh này. Các đội thợ tin cậy được tuyển chọn từ dưới xuôi lên. Xi măng đưa từ xuôi lên. Kể cả gạch xây, cát cũng phải lựa chọn. "Em đi tất cả các bãi cát có trên khu vực này để chọn chỗ tốt nhất. Riêng 300 tấn xi măng Bút Sơn chuyển từ Hà Nội lên đã nhiều hơn 200 triệu đồng so với xi măng mua tại địa phương. Nhưng đó mới là lựa chọn vật tư. Để bia mộ bền vững, chúng em đã quyết định trộn vữa với tỷ lệ 1/1, sau khi thi công xong các tổ phải thực hiện nghiêm túc công đoạn bảo dưỡng nền và mặt mộ granitô thường xuyên…", Đặng Hữu Đạo, Phó Tổng Giám đốc DIA kể.
Anh còn cho biết, do nguồn điện tại chỗ rất yếu, đơn vị vừa phải mua thêm máy phát, vừa phải tổ chức cho anh em làm đêm mới đủ điện và kịp tiến độ. Có đêm 30 máy mài đồng loạt mài nhẵn bóng bề mặt granitô. Đường dây dẫn điện kéo khắp khu vực. Tổ bảo vệ của DIA quan tâm chi tiết tới từng công việc, không để xảy ra bất cứ một sơ xảy nào. Đạo và anh em trong Công ty ngủ ngay tại phòng nhà Quản trang. Đêm đêm anh thường trở dậy một hai lần cùng công nhân xây dựng chuyện trò để họ hiểu rằng, được làm công việc này là một điều may mắn của mỗi người…
Nên khi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Điện Biên kiến nghị DIA làm thêm phần việc "kè bê tông chìm" ngăn không cho rễ cây dãy phượng vĩ ăn vào phần mộ các liệt sỹ, Công ty đã vui vẻ bổ sung thêm phần kinh phí.
Anh Vương Xuân Thấm, Tổ phó tổ quản trang Điện Biên, trực tiếp phụ trách quản trang Nghĩa trang Độc lập không dấu được niềm vui khi được "phục vụ" đơn vị thi công. Người quản trang nào mà chẳng mong mỏi các liệt sỹ được nằm dưới phần mộ tươm tất. Làm quản trang đã 16 năm nay, anh chứng kiến biết bao thân nhân, các đoàn thể các địa phương lên thăm viếng hàng ngày hoặc các dịp lễ Tết. Anh cảm nhận được nỗi lòng thầm kín của các thân nhân khi thắp nén nhang chung cho các anh linh liệt sỹ nhưng vẫn chưa được thắp nén nhang riêng cho người thân của mình, "những người thắp nén nhang cho đồng đội liệt sỹ mà tưởng như đang thắp nhang cho chính thân nhân của mình " anh nói về họ như vậy. Anh không thể quên hình ảnh một cụ bà đã 82 tuổi, dẫn con cháu từ Nam Định lên tìm mộ người anh rể hy sinh từ ngày trai trẻ, như một nỗ lực cuối cùng phòng khi nhắm mắt xuôi tay lòng cũng tạm nguôi ngoai vì đã làm tất cả những gì có thể.
Có rất nhiều gia đình liệt sỹ nhờ các nhà ngoại cảm tìm mộ cho thân nhân của mình đã được quy tập trong nghĩa trang và cả ngoài nghĩa trang. Những người may mắn tìm được theo cách này đều xin phép được lập thêm tấm bia nho nhỏ dán lên phía sau bia hoặc đơn giản chỉ ghi tên tuổi thân nhân phía sau bia mộ. Không ít liệt sỹ được gia đình xác định tính danh trên tấm bia đặc biệt như vậy. Trong đó có 3 ngôi được gia đình "in ảnh" lên mặt bia phía trước. Đó đều là những gương mặt rất trẻ, mộc mạc chân quê. Nếu ai nặng lòng, dành chút thời gian đọc danh tính liệt sỹ đều không chỉ kính phục mà còn thương cảm vì phần lớn đều sinh vào các năm 1930, 1932 thậm chí 1936, 1937… Làm sao không bùi ngùi khi biết chiến sỹ Lê Xuân Tại, người con của Hoàng Lộc, Hoàng Hóa (Thanh Hóa) 16 tuổi đã trở thành liệt sỹ. Cùng quê hương Hoàng Hóa, nhưng trẻ hơn Lê Xuân Tại một tuổi là chiến sỹ Lê Văn Ký, liệt sỹ trẻ nhất của Điện Biên…
Mới đây thôi, gia đình vợ chồng anh Bình, chị Dung và ông cụ thân sinh ra chi Dung ở phường Mường Thanh, khi làm nhà đã phát hiện được 2 bộ hài cốt liệt sỹ, tạm đưa về Nghĩa trang Tong Khau, tới đây sẽ đưa về Nghĩa trang Độc Lập. Anh Hoàng Thanh Hải cán bộ quân sự thành phố Điện Biên cho biết: Từ năm 2009 đến nay người dân đã phát hiện đưa về các nghĩa trang được 21 hài cốt. Quản trang Vương Xuân Thấm cũng phụ giúp thầy Phước Ấn từ thành phố Hồ Chí Minh lên tìm mộ cho gia đình một quân nhân. Thấm kể, sau khi thắp hương tại đài tưởng niệm nghĩa trang, thầy hỏi đây có con suối cạn không? Vương Xuân Thấm bảo có, thầy vui vẻ bảo "thế là được rồi, 9giờ mai đi tìm". Sáng hôm sau, khi Vương Xuân Thấm làm xong các thủ tục với huyện đội, thôn bản, là lúc thầy Phước Ấn tới. Vương Xuân Thấm dẫn thầy xuống chỗ con suối, chưa kịp nói gì, thầy đã chỉ ngay điểm có ngôi mộ nằm trong phần đất của gia đình anh Lò Văn Lả. Thì ra đó ngôi mộ kết đất đùn lên lâu nay, nhưng gia đình anh Lò Văn Lả không biết, đã san phằng làm đường xuống suối. Chẳng phải đào nhiều, gia đình đã tìm được hài cốt liệt sỹ gần như còn nguyên vẹn. Thầy Phước Ấn hẹn tháng 8 tới sẽ ra tìm tiếp, vì thầy cho biết còn 2 ngôi mộ khác ở ngay khu vực này…
Trong số 3.972 liệt sỹ có tên trên Bảng vàng Tổ quốc ghi công, tôi đọc được 67 liệt sỹ hy sinh đúng ngày 7/5/1954. Còn rất nhiều người hy sinh trước ngày đó. Còn nhiều người hy sinh sau cái ngày đã trở thành mốc son lịch sử chói lọi của đất nước, của dân tộc. Trong số đó không ít người chỉ còn đúng một cái tên "đồng chí Đậu - Thạch Thành", "Đồng chí Đỉnh - Hải Dương", "Đồng chí Đổi - Vĩnh Phúc", "Đồng chí Văn - Bắc Ninh"…Trong số đó chỉ có 240 liệt sỹ ở Nghĩa trang Độc Lập, 52 Liệt sỹ ở Nghĩa trang A1 có tên tuổi trong hồ sơ quản lý. Làm thế nào tri ân đầy đủ những người đã không tiếc tuổi xanh, hiến dâng đời mình cho đất nước? Những người với lòng tin yêu vô hạn với Bác Hồ, khi nằm xuống không hề nghĩ sẽ là niềm tự hào cho một dân tộc đã góp phần làm nên dòng thác cách mạng thứ 3 sôi sục ở các nước thuộc địa; mở đầu cho một cao trào giải phóng thuộc địa trên khắp năm châu. Làm sao tri ân đầy đủ, để cuộc đời mỗi liệt sỹ mãi lấp lánh như ngôi sao vàng đất nước dành tặng trên bia mộ.
Thao Lan