Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bộ trưởng Bộ KHCN Huỳnh Thành Đạt đã nhấn mạnh như trên tại buổi làm việc với tỉnh Hậu Giang và Lễ ký kết Chương trình hợp tác giữa UBND tỉnh Hậu Giang với Đại học Quốc gia TPHCM ngày 28/7.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang xác định, muốn đưa tỉnh phát triển nhanh và bền vững, ngoài việc tận dụng tốt thời cơ, phát huy hiệu quả nội lực, khơi dậy khát vọng cho mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong tỉnh thì yếu tố quan trọng khác đó là tăng cường ứng dụng KHCN vào sản xuất, vào hoạt động của hệ thống chính trị, làm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả trong xử lý công việc.
Báo cáo của Sở KHCN tỉnh Hậu Giang cho thấy, bên cạnh hoạt động quản lý nhà nước về KHCN và đổi mới sáng tạo, từ năm 2022 đến tháng 6/2023, Sở đã triển khai thực hiện 11 nhiệm vụ KHCN, trong đó có 10 đề tài dự án cấp tỉnh và 1 dự án cấp Bộ, với tổng kinh phí hơn 35 tỷ đồng. Các đề tài, dự án được triển khai đều ở các lĩnh vực như khoa học nông nghiệp, khoa học kỹ thuật và công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn. 11 đề tài, dự án đã được nghiệm thu, từ đó chuyển giao kết quả nghiên cứu 6 đề tài, dự án về các sở, ban, ngành có liên quan để triển khai ứng dụng thực tế.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 5 tổ chức KHCN công lập, ngoài công lập và 3 doanh nghiệp KHCN đang sản xuất với quy mô nhỏ.
Theo đánh giá của Vụ Phát triển KHCN địa phương (Bộ KH&CN), tỉnh Hậu Giang đã và đang áp dụng cơ chế đặt hàng thực hiện nhiệm vụ KHCN, nên nhiệm vụ được triển khai mới đều có địa chỉ ứng dụng, các kết quả sau nghiên cứu được đưa vào ứng dụng thực tế, đáp ứng được yêu cầu phát triển của các ngành, địa phương và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Công tác quản lý về sở hữu trí tuệ được thực hiện tốt, kịp thời hướng dẫn doanh nghiệp đăng ký nhãn hiệu hàng hóa. Các tổ chức, cá nhân đến để được hướng dẫn đăng ký sở hữu công nghiệp ngày càng tăng lên; số đơn đăng ký được Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận đơn và cấp văn bằng bảo hộ cũng tăng theo từng năm. Điều này cho thấy sự quan tâm, chú trọng của các tổ chức, cá nhân trong việc đăng ký bảo hộ các đối tượng sở hữu công nghiệp.
Tuy nhiên, bà Hồ Thu Ánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, hoạt động KHCN của tỉnh còn tồn tại những khó khăn, vướng mắc như: Thiếu cán bộ nghiên cứu KHCN có trình độ chuyên môn cao, nhất là các chuyên gia KHCN và đổi mới sáng tạo đầu ngành; nguồn sự nghiệp KHCN còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu hoạt động; việc xây dựng định mức kinh tế, kỹ thuật dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước còn lúng túng, nhất là lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng KHCN; việc thương mại hóa các sản phẩm là kết quả của nhiệm vụ KHCN chưa nhiều…
Các tổ chức hoạt động KHCN của tỉnh còn thiếu, trình độ hạn chế, chưa đủ sức triển khai các đề tài, dự án quy mô lớn tác động mạnh đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như ứng dụng các tiến bộ khoa học tiên tiến, hiện đại.
Lắng nghe các ý kiến, Bộ trưởng Bộ KHCN Huỳnh Thành Đạt cho rằng, để KHCN và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực, tạo ra những giải pháp đột phá thúc đẩy các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nhanh và bền vững thì vai trò của người đứng đầu địa phương đó rất quan trọng.
Đồng thời mong muốn lãnh đạo tỉnh, trực tiếp, thường xuyên là Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp tục quan tâm, chỉ đạo, giao nhiệm vụ cụ thể cho ngành KHCN để làm thế nào KHCN và đổi mới sáng tạo phải thực sự đồng hành, trực tiếp triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển của các ngành, lĩnh vực, hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhà sản xuất đổi mới công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng và gia tăng giá trị cho sản phẩm hàng hóa.
Bên cạnh đó, Sở KHCN tỉnh Hậu Giang cần chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh các giải pháp KHCN và đổi mới sáng tạo để triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ đề ra.
"Hiện nay, các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng ĐBSCL đang được triển khai xây dựng, do vậy địa phương cần chủ động nắm bắt và chuẩn bị các điều kiện để tận dụng cơ hội thu hút các nhà đầu tư khai thác các tiềm năng lợi thế này khi không gian phát triển được mở rộng", Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt gợi ý.
Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, không riêng gì tỉnh Hậu Giang, các địa phương cần tăng cường đầu tư nâng cao tiềm lực cho KHCN và đổi mới sáng tạo, trong đó chú trọng đến phát triển và thu hút nguồn nhân lực KHCN, triển khai các nhiệm vụ KHCN thiết thực, phục vụ đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp trong chính địa phương mình.
Còn đối với phát triển Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được Thủ tướng phê duyệt, tỉnh Hậu Giang cần căn cơ trong việc xây dựng các chính sách thu hút được nhân lực KHCN làm việc trong các khu này, để nghiên cứu, phát triển và lan tỏa công nghệ.
Ngoài ra, để có nguồn lực đầu tư, địa phương cần bố trí tăng dần chi ngân sách cho hoạt động KHCN tiệm cận dần đến mức 2% tổng chi NSNN trên địa bàn theo Luật KHCN 2013. Đồng thời có giải pháp huy động nguồn kinh phí ngoài ngân sách Nhà nước từ doanh nghiệp, các nhà tài trợ, đối ứng thực hiện các nhiệm vụ KHCN…
Bộ trưởng cũng lưu ý tỉnh Hậu Giang cần thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo để phát triển mạnh lực lượng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có tiềm năng tăng trưởng nhanh, tăng cường liên kết, hợp tác mạng lưới đổi mới sáng tạo trong vùng. Trong đó, chú trọng hợp tác, kết nối với Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Vùng ĐBSCL tại Cần Thơ.
Đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao và tiếp nhận công nghệ hiện đại, thông minh, công nghệ xanh - sạch - thân thiện với môi trường; thích ứng với biến đổi khí hậu, khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ phát triển nguồn nhân lực quản trị công nghệ và quản lý doanh nghiệp. Đây là hướng phát triển chính về KHCN mà Hậu Giang nên lưu tâm.
Tại buổi làm việc, đã diễn ra hoạt động ký kết Biên bản Ghi nhớ hợp tác giữa UBND tỉnh Hậu Giang và Đại học Quốc gia TPHCM, giai đoạn 2023-2028. Theo đó, hai bên sẽ phối hợp trao đổi, xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động hợp tác thuộc các lĩnh vực, nhằm đẩy mạnh hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Hoàng Giang