Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ảnh minh họa |
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông làm việc, thống nhất với doanh nghiệp được lựa chọn thực hiện Dự án về mức cước thanh toán sử dụng dịch vụ theo hình thức trả cước tập trung; bảo đảm việc triển khai hệ thống e-Doc hiệu quả, tiết kiệm hơn so với việc gửi văn bản giấy hiện hành.
Bộ Thông tin và Truyền thông chi trả cước dịch vụ của hệ thống e-Doc từ nguồn dự toán chi ngân sách hàng năm được giao (nguồn chi thường xuyên không tự chủ). Căn cứ tình hình triển khai thực tế, nhu cầu sử dụng của các cơ quan nhà nước, Bộ Thông tin và Truyền thông báo cáo về việc chuyển đổi hình thức trả cước sang trả cước phân tán và thời điểm chuyển đổi cụ thể.
Thủ tướng Chính phủ lưu ý về nguồn vốn đầu tư, Ngân sách Nhà nước không đóng góp xây dựng hệ thống e-Doc; doanh nghiệp được lựa chọn thực hiện Dự án sử dụng vốn của mình để tổ chức xây dựng, triển khai hệ thống e-Doc.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức đấu thầu lựa chọn doanh nghiệp thực hiện Dự án theo quy định pháp luật về đấu thầu; xây dựng lộ trình triển khai và chỉ đạo việc thực hiện Dự án đúng tiến độ; chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về hiệu quả đầu tư Dự án.
Đồng thời Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan xây dựng và ban hành các văn bản để thể chế hóa việc sử dụng hệ thống e-Doc trong các cơ quan nhà nước từ Trung ương tới địa phương. Trường hợp vượt quá thẩm quyền, Bộ nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định; định kỳ hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc triển khai Dự án.
Thủ tướng giao Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp kinh phí cho Bộ Thông tin và Truyền thông để triển khai Dự án theo hình thức hợp tác Nhà nước – Doanh nghiệp.
Ban Cơ yếu Chính phủ (Bộ Quốc phòng) phát triển, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật cho hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng phục vụ các cơ quan thuộc hệ thống chính trị, bảo đảm việc cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số phục vụ yêu cầu trao đổi văn bản điện tử trong hoạt động của cơ quan nhà nước các cấp.
Thủ trưởng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc tham gia sử dụng hệ thống e-Doc theo lộ trình triển khai Dự án do Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng.
Hệ thống e-Doc tiết kiệm cho Nhà nước nhiều tỷ đồng
Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, hệ thống e-Doc là hệ thống thông tin kết nối liên thông các hệ thống quản lý văn bản và điều hành đang sử dụng độc lập trong nội bộ các Bộ, các tỉnh, cơ quan nhà nước trong toàn quốc, cùng với các hệ thống nội bộ này tạo ra hệ thống thống nhất trong toàn quốc, để trao đổi văn bản điện tử chính thức cho các cơ quan nhà nước.
Theo Cục Ứng dụng Công nghệ thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông, đơn vị chủ trì dự án e-Doc, hệ thống e-Doc được phát triển không hướng đến thay thế các hệ thống quản lý văn bản và điều hành nội bộ của các cơ quan nhà nước, mà kết nối liên thông các hệ thống này hướng đến đạt được mục tiêu 60% các văn bản tài liệu chính thức trao đổi giữa các cơ quan nhà nước được trao đổi hoàn toàn dưới dạng điện tử đến năm 2015.
Phạm vi triển khai của hệ thống đến tất cả các cơ quan cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp quận, huyện, cấp xã phường với khoảng 32.994 đầu mối. Theo khảo sát, đánh giá về hiện trạng trao đổi văn bản giấy và phát triển hệ thống quản lý văn bản điện tử và điều hành trong cơ quan nhà nước, tổng số văn bản giấy các cơ quan nhà nước gửi đi vào khoảng 20 triệu văn bản/năm, tương đương chi phí 130 tỷ đồng/năm. Thời gian gửi nhận văn bản giấy từ 1-7 ngày.
Theo đánh giá của Cục Ứng dụng Công nghệ thông tin, hệ thống e-Doc nếu được triển khai thành công với tỉ lệ trao đổi văn bản điện tử lớn sẽ tiết kiệm cho Nhà nước hàng triệu giờ và nhiều tỷ đồng từ việc gửi văn bản chính thức giữa các cơ quan nhà nước mỗi năm.
Phan Hiển