Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ảnh minh họa |
Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ Y tế tổ chức hướng dẫn các địa phương triển khai quyết liệt, hiệu quả kế hoạch thanh tra, kiểm tra ATTP trong năm 2014. Huy động tối đa lực lượng hiện có để làm công tác thanh tra, tổ chức tập huấn, đào tạo chuyên môn nghiệp vụ về thanh tra ATTP cho các địa phương.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành thanh tra, kiểm tra việc sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất, bảo quản nông sản thực phẩm (rau, quả, thủy, hải sản); vệ sinh an toàn trong giết mổ gia súc, gia cầm, nhất là tại các thành phố lớn và các vùng sản xuất nông sản thực phẩm.
Đồng thời khẩn trương hướng dẫn việc thực hiện Nghị định số 119/2013/NĐ-CP ngày 9/10/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, về vi phạm kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn lưu thông trong nước.
Trong đó hướng dẫn cụ thể việc xử lý đối với trường hợp vận chuyển, kinh doanh động vật không có giấy chứng nhận kiểm dịch, chưa rõ nguồn gốc, để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các lực lượng chức năng trong thực hiện nhiệm vụ.
Phó Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các Bộ Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan cung cấp và phổ biến thông tin về ATTP; chỉ đạo các cơ quan truyền thông đẩy mạnh truyền thông về ATTP, bảo đảm thông tin chính xác, có căn cứ, cơ sở xác thực, tránh đưa thông tin chưa được kiểm chứng, thiếu chính xác, gây bất an trong xã hội.
Thông tin rộng rãi các cơ sở sản xuất vi phạm ATTP
Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra về ATTP, tập trung vào những mặt hàng có nguy cơ cao, đặc biệt là các mặt hàng phục vụ Tết Nguyên Đán; xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định, đồng thời thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng những cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về ATTP, các sản phẩm không bảo đảm ATTP để người dân được biết và lựa chọn.
Đồng thời chỉ đạo hoàn thành sớm việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP cho các cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm, đặc biệt là tại các làng nghề sản xuất, chế biến thực phẩm truyền thống trên địa bàn quản lý.
Bên cạnh đó củng cố tổ chức, tăng cường năng lực cho các Chi cục ATTP, Chi cục quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản và các cơ quan quản lý về ATTP của địa phương, chú trọng tuyến xã; có kế hoạch bố trí kinh phí kịp thời, đủ để triển khai công tác ATTP trên địa bàn.
Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh ATTP cho biết trong năm 2013, công tác xây dựng văn bản hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm và Nghị định quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều của Luật tiếp tục được đẩy mạnh. Việc thanh, kiểm tra có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành Y tế với các ban, ngành liên quan, mang lại hiệu quả tích cực, góp phần lập lại trật tự kỷ cương trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm: Tỷ lệ cơ sở vi phạm về ATTP đã giảm từ 21,2% (năm 2012) xuống còn 20,1%; số mẫu được kiểm nghiệm đạt yêu cầu tăng từ 82,3% (2012) lên 88,8%. Nhiều vi phạm về ATTP được phát hiện kịp thời và xử lý kiên quyết, công khai trên phương tiện thông tin đại chúng. Tình trạng kinh doanh, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép cơ bản đã được đẩy lùi, ngăn chặn. Ngộ độc thực phẩm được kiểm soát; số vụ mắc, chết đều giảm so với năm 2012. Tính đến ngày 15/12/2013, toàn quốc ghi nhận 163 vụ ngộ độc thực phẩm với 5.348 người mắc, 28 trường hợp tử vong. Đáng chú ý, kết quả giám sát của ngành Y tế cho thấy 61,5% mẫu rượu, 53,9% mẫu ô mai, xí muội, 37,7% mẫu ruốc thịt lợn; 6,3% mẫu thịt lợn sống; 6,3% mẫu rau tươi, 34,8% mẫu ớt bột không đạt yêu cầu. |
Phan Hiển