Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ngày 8/9, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022, triển khai công tác nhiệm vụ năm học 2022-2023 đối với công tác thi và quản lý chất lượng khối Sở GD&ĐT.
PGS.TS. Phạm Quốc Khánh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết, năm học 2021-2022, mặc dù dịch COVID-19 ảnh hưởng nhiều tới các hoạt động của nhà trường, nhưng việc thực hiện công tác kiểm định chất lượng giáo dục ở tất cả các cấp học, bậc học vẫn được duy trì.
Kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia tiếp tục đổi mới và đạt được kết quả tốt. Toàn quốc có 71 đơn vị thi, gần 4.600 thí sinh dự thi ở 12 môn thi.
Kết quả, có hơn 2.200 học sinh đoạt giải, đạt tỉ lệ 48,52%, trong đó, có 93 giải nhất, 495 giải nhì, 717 giải ba, 926 giải khuyến khích. Kết quả thi đã phản ánh sát đúng chất lượng thực tế về công tác bồi dưỡng học sinh giỏi của các địa phương, đơn vị trên toàn quốc.
Công tác tuyển chọn, tập huấn các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic khu vực và quốc tế tiếp tục đổi mới theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, nghiêm túc, khách quan. Các đoàn tham dự các kỳ Olympic khu vực, quốc tế năm 2022 đều đạt thành tích vượt trội và dư luận xã hội đánh giá cao.
Cụ thể, với 38 lượt học sinh tham gia dự thi, có 38/38 học sinh đạt giải, gồm 13 huy chương vàng, 12 huy chương bạc, 8 huy chương đồng, 5 bằng khen. Đặc biệt, đội tuyển Olympic Toán học quốc tế, có một học sinh đạt điểm tuyệt đối 42/42 điểm; đội tuyển Vật lí quốc tế lần đầu tiên có một học sinh lớp 10 đã đoạt huy chương vàng.
Về công tác đánh giá chất lượng, ông Phạm Quốc Khánh cho hay, Chương trình đánh giá định kỳ quốc gia kết quả học tập của học sinh lớp 9, lớp 11 giai đoạn 2022-2023 đã triển khai thành công đợt khảo sát chính thức từ ngày 22/4 đến hết ngày 10/5, hiện đang nhập dữ liệu theo đúng tiến độ.
Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) chu kỳ 2022 đã triển khai khảo sát chính thức từ ngày 13 đến hết ngày 29/4/2022. Hiện tại, Việt Nam đã nộp bộ dữ liệu khảo sát chính thức được OECD chấp thuận và Tổ chức Khảo thí Hoa Kỳ (ETS - đơn vị tư vấn) rà soát và phản hồi chính thức.
Trong khi chờ phản hồi từ phía ETS, Việt Nam đang trả lời phiếu khảo sát nhằm cung cấp các thông tin phản hồi, đánh giá về các hoạt động về kỹ thuật, tổ chức sau khảo sát chính thức tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ hoàn thiện các báo cáo, phiếu hỏi, các yêu cầu kỹ thuật liên quan đến quá trình thực hiện khảo sát. Về thích ứng coding guide (hướng dẫn chấm 3 lĩnh vực), Việt Nam đã thích ứng xong và đã được ETS chấp thuận ở email thông báo ngày 27/8 vừa qua.
Chương trình đánh giá kết quả học tập của học sinh tiểu học các quốc gia khu vực Đông Nam Á (SEA-PLM) 2021-2025: Ngày 5/8/2022 đã ký kết tham gia Chương trình SEA-PLM giai đoạn 2021-2025 giữa Bộ GD&ĐT và Ban Thư ký SEAMEO.
Chương trình đánh giá quốc tế về dạy và học (TALIS) chu kỳ 2024: Việt Nam đã triển khai hoạt động thực hiện chu kỳ thử nghiệm vào tháng 3/2023 theo thỏa thuận.
Bên cạnh đó, hoạt động quản lý văn bằng chứng chỉ ngày càng đi vào nề nếp, công tác quản lý nhà nước hoạt động này được tăng cường, hoạt động cấp phát phôi văn bằng chứng chỉ ngày càng chặt chẽ.
Theo đó, Bộ GD&ĐT đã ban hành tương đối đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản cá biệt để quản lý văn bằng chứng chỉ; chấn chỉnh công tác quản lý văn bằng chứng chỉ, đưa hoạt động này dần đi vào nề nếp, khắc phục căn bản những hạn chế, thiếu sót, sai phạm đã xảy ra trong thời gian qua.
Bộ cũng đã triển khai việc tập huấn và nâng cao năng lực quản lý văn bằng chứng chỉ cho các cơ sở giáo dục và các địa phương, góp phần tạo chuyển biến tích cực trong quản lý văn bằng chứng chỉ. Nhiều sở GD&ĐT đã thống nhất đơn vị đầu mối, nhân sự làm công tác quản lý văn bằng chứng chỉ.
Chất lượng đội ngũ làm công tác quản lý văn bằng chứng chỉ đã được nâng lên, có nhận thức rõ ràng về tầm quan trọng của công tác quản lý văn bằng chứng chỉ, có tinh thần trách nhiệm cao, được bồi dưỡng, tập huấn nâng cao nghiệp vụ, thực hiện nhiệm vụ tương đối chuyên nghiệp. Từng bước chấn chỉnh công tác quản lý văn bằng chứng chỉ tại các cơ sở giáo dục, các địa phương.
Bộ GD&ĐT đổi mới hoạt động công nhận văn bằng của cơ sở giáo dục nước ngoài cấp để sử dụng tại Việt Nam theo hướng đơn giản hoá thủ tục hành chính, phân cấp mạnh hơn cho các cơ sở giáo dục đại học và các địa phương.
Mở rộng công nhận văn bằng đối với các hình thức đào tạo khác nhau, phù hợp với xu thế mở của giáo dục đào tạo, mở rộng đối tượng được miễn thủ tục công nhận văn bằng, tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến trong công nhận văn bằng.
Hiện tại, có 52/63 sở GD&ĐT đã triển khai dịch vụ công nhận văn bằng tại cổng dịch vụ công trực tuyến, trong đó 36 sở thực hiện dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4 và 16 sở thực hiện dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ hoan nghênh các ý kiến đóng góp của đại diện các sở GD&ĐT.
Nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Thứ trưởng đề nghị, trước mắt cần nâng cao nhận thức về thi và quản lý chất lượng giáo dục. Nhận thức đúng sẽ có hành động đúng. Mỗi thành viên trong trường cần nhận thức đầy đủ và có ý thức, trách nhiệm về kiểm định chất lượng giáo dục.
Trao đổi về phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2023, Thứ trưởng cho biết, Bộ GD&ĐT sẽ có báo cáo với Chính phủ, tinh thần là giữ ổn định như năm 2022. Có thể điều chỉnh một số yếu tố kỹ thuật, nhằm đảm bảo phù hợp với thực tiễn.
Thứ trưởng cũng đề nghị các đơn vị hoàn thiện các văn bản chỉ đạo. Văn bản càng kỹ, càng tạo điều kiện cho cơ sở trong việc triển khai thực hiện. Công tác quản lý văn bằng, chứng chỉ cần tiếp tục triển khai chặt chẽ, hiệu quả.
Thứ trưởng lưu ý cần tiếp tục làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, ngoài ra, công tác kiểm định phải đồng bộ với Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Cùng với đó, tiếp tục đổi mới công tác quản lý, lãnh đạo theo hướng: Rõ người, kín việc, phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ, chỉ đạo điều hành quyết liệt.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cũng nhấn mạnh, trong đổi mới giáo dục, đổi mới quản lý là quan trọng.
Phương Liên