Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập có hiệu lực từ 15/8/2021 nhưng đến nay chưa có Thông tư hướng dẫn đối với ngành Y tế. Cử tri tỉnh Bình Dương đề nghị sớm có Thông tư hướng dẫn và có cơ chế tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở y tế công lập tuyến huyện thực hiện tự chủ đảm bảo chi thường xuyên.
Về vấn đề này, Bộ Y tế trả lời cử tri tỉnh Bình Dương như sau:
Thời gian qua, Bộ Y tế đã phối hợp với các đơn vị, địa phương xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 85/2012/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính của các đơn vị sự nghiệp y tế. Tuy nhiên, Văn phòng Chính phủ đã thông báo không ban hành Nghị định quy định cơ chế tự chủ riêng trong từng lĩnh vực (Thông báo số 252/TB-VPCP ngày 22/7/2019).
Thực hiện Nghị quyết số 31-NQ/CP ngày 17/3/2020 của Chính phủ về xây dựng Nghị định của Chính phủ quy đinh cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Theo đó, Bộ Tài chính có trách nhiệm xây dựng Nghị định của Chính phủ quy đinh cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập (thay thế Nghị định số 16/2015/NĐ-CP) và áp dụng chung cho các đơn vị sự nghiệp trong đó có các đơn vị sự nghiệp công lập của ngành Y tế (các Bộ sẽ không ban hành Nghị định riêng về cơ chế tự chủ tài chính cho từng ngành, lĩnh vực).
Trong quá trình xây dựng ban hành Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ Y tế đã đề xuất một số nội dung cơ chế tài chính đặc thù của ngành Y tế để đưa vào Nghị định chung của Chính phủ. Ngoài việc áp dụng cơ chế tự chủ tài chính chung đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, Nghị định số 60/2021/NĐ-CP còn quy định một mục riêng (Mục 1 Chương III Nghị định số 60/2021/NĐ-CP) về tự chủ về tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực y tế.
Đối với đề nghị Bộ Y tế cần có Thông tư hướng dẫn cụ thể việc phân loại đơn vị sự nghiệp công lập để có quy định cụ thể về định mức phân bổ biên chế theo Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 7/10/2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ Y tế trả lời như sau:
Tại Khoản 2, Điều 20 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 7/10/2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập quy định thẩm quyền và trách nhiệm của Bộ trưởng bộ quản lý ngành, lĩnh vực quy định:
"2. Ban hành tiêu chí cụ thể phân loại, điều kiện thành lập, sáp nhập, hợp nhất, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập theo ngành, lĩnh vực theo thẩm quyền; chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu thuộc ngành, lĩnh vực".
Hiện nay, Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo Thông tư quy định tiêu chí cụ thể phân loại, điều kiện thành lập, sáp nhập, hợp nhất, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực y tế; dự kiến ban hành trong Quý I/2023.
Về định mức phân bổ biên chế trong các đơn vị sự nghiệp công lập, hiện nay, Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn về định mức phân bổ số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực y tế; dự kiến ban hành trong thời gian tới.
Chinhphu.vn