Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, bà Ramla Al Khalidi nhận định, năm 2021, Chính phủ khởi đầu nhiệm kỳ mới với vô vàn khó khăn khi các biến thể mới của COVID-19 xuất hiện. Các biến thể Delta và Omicron lây lan nhanh chóng trong cộng đồng, buộc người dân phải quay trở lại các biện pháp giãn cách xã hội và phong tỏa ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Tuy nhiên, Chính phủ đã phát động chiến dịch tiêm chủng thần tốc trong những tháng cuối năm 2021. Đến cuối năm 2022, mỗi người Việt Nam đã được tiêm 2,7 liều vaccine ngừa COVID-19, cao hơn đáng kể so với mức trung bình của toàn châu Á (1,9 liều/người) và châu Âu (1,8 liều/người).
Thành công của chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 đã đặt nền móng cho sự phục hồi kinh tế nhanh chóng của Việt Nam vào năm 2022 khi Việt Nam là quốc gia duy nhất trong khu vực ghi nhận tăng trưởng kinh tế vượt xa so với dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố trước đó.
Đề cập tới các dấu ấn nổi bật trong điều hành kinh tế thời gian qua, bà Ramla Al Khalidi cho biết, tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại vào năm 2023 khi ngân hàng trung ương của các nước tăng lãi suất để kiếm soát lạm phát.
Do vậy, Chính phủ Việt Nam đã đề ra các chính sách hiệu quả nhằm bảo vệ người tiêu dùng trong nước khỏi tác động tiêu cực của lạm phát. Việt Nam ghi nhận mức lạm phát cao nhất là 4,9% vào tháng 1 năm 2023 và giảm xuống còn 2,1% vào tháng 7.
Trước các thách thức từ bên ngoài như nhu sức mua phục hồi chậm và xuất khẩu giảm sâu, Chính phủ đã rất linh hoạt ứng phó bằng cách thực hiện các biện pháp tài khóa và tiền tệ để kích thích nhu cầu trong nước.
Về các nỗ lực của Chính phủ trong việc đảm bảo an sinh xã hội, bà Ramla Al Khalidi cho rằng, độ bao phủ của hệ thống bảo trợ xã hội của Việt Nam đã tăng lên đáng kể trong những năm gần đây, đặc biệt là khả năng tiếp cận bảo hiểm y tế.
Một hệ thống trợ cấp xã hội tốt hơn sẽ cung cấp phương tiện trực tiếp hỗ trợ nhu cầu trong nước, đồng thời bảo vệ những người và nhóm dễ bị tổn thương không rơi vào cảnh nghèo đói đột ngột, Trưởng Đại diện UNDP nhấn mạnh thêm.
Chia sẻ về những khó khăn, thách thức mà Việt Nam phải đối mặt trong những tháng vừa qua và thời gian tới, bà Ramla Al Khalidi cho biết, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt đỉnh vào quý III năm 2022 nhưng giảm mạnh vào tháng 1 năm 2023. Mặc dù giá trị xuất khẩu phục hồi trong tháng 5 và tháng 6 nhưng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
Một số mặt hàng xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam đã sụt giảm, bao gồm điện thoại di động, giày dép và hải sản. Xuất khẩu giảm ảnh hưởng trực tiếp tới nhu cầu đối với hàng hóa và dịch vụ sản xuất trong nước, và gián tiếp ảnh hưởng đến người lao động khi tỉ lệ thất nghiệp trong các ngành xuất khẩu gia tăng.
"Khi lạm phát có dấu hiệu suy giảm ở châu Âu và Bắc Mỹ, chúng ta có thể kỳ vọng lãi suất toàn cầu sẽ giảm và thương mại quốc tế phục hồi. Tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt 5% năm 2023 và 6% vào năm 2024", Trưởng Đại diện UNDP nhận định.
Ngoài ra Việt Nam còn phải đối mặt với những rủi ro như tăng giá thực phẩm và nhiên liệu, biến động thị trường tiền tệ và sự bất ổn của thị trường tài chính liên quan đến suy thoái thị trường bất động sản.
Việt Nam cần tăng cường cải cách pháp lý để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án xây dựng và việc hoàn thiện Luật Phá sản sẽ giải phóng nguồn vốn cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng, bà Ramla Al Khalidi khuyến nghị.
Theo Trưởng Đại diện thường trú UNDP, đầu tư công là động lực quan trọng nhằm giải quyết các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và kích thích nhu cầu trong nước. Việc thúc đẩy giải ngân các quỹ đầu tư công đã được cải thiện vào năm 2023 và Chính phủ phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công đạt 95% kế hoạch trong năm nay.
Việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nhanh hơn sẽ hỗ trợ tăng cầu và tạo việc làm. Tuy nhiên, tỉ trọng đầu tư công/GDP đã giảm trong những năm gần đây, Việt Nam cần phải cải thiện vấn đề này nếu muốn đạt được các mục tiêu về khí hậu.
Ngoài vấn đề thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Việt Nam cần quan tâm hơn đến việc lựa chọn dự án đầu tư công. Đa phần các dự án đầu tư công có quy mô nhỏ và thiếu khả năng sẵn sàng ứng phó với khí hậu. Việc điều phối đầu tư công tốt hơn, đặc biệt là điều phối cấp vùng hiệu quả hơn, sẽ làm tăng tác động kinh tế của đầu tư.
Một trở ngại nữa là Việt Nam có nhiều lợi thế để thu hút đầu tư vào các ngành công nghệ cao như sản xuất chất bán dẫn. Tuy nhiên, các nhà tuyển dụng vẫn báo cáo tình trạng thiếu lao động lành nghề trong các lĩnh vực này, đặc biệt là trong lĩnh vực kỹ thuật và khoa học.
Những cải cách đối với giáo dục đại học trong thập kỷ qua đã tạo ra một hệ thống đại học đa dạng hơn, tuy nhiên, tỉ lệ người trưởng thành trong độ tuổi lao động có bằng đại học ở Việt Nam vẫn thấp hơn so với các nước láng giềng.
Đánh giá về những nỗ lực của Việt Nam trong thực hiện các mục tiêu về khí hậu, bà Ramla Al Khalidi cho rằng, việc chuyển đổi từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo sẽ tăng cường an ninh năng lượng, giảm ô nhiễm và về lâu dài sẽ ổn định giá năng lượng.
Khi các quốc gia nhập khẩu bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến tính bền vững, quá trình chuyển đổi năng lượng sẽ mang lại cho Việt Nam lợi thế so với các nước xuất khẩu khác.
Việc đưa ra các biện pháp khuyến khích để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sẽ rất quan trọng trong những năm tới. Sự phát triển của thị trường mua bán tín chỉ carbon và loại bỏ trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch sẽ khuyến khích các doanh nghiệp và hộ gia đình đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.
Việc phê duyệt Quy hoạch Phát triển Điện lực VIII đã được hoan nghênh rộng rãi như một bằng chứng cho thấy Việt Nam quyết tâm đạt mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.
Quy hoạch này hướng đến tăng gấp đôi công suất phát điện vào năm 2030, với tỉ lệ sử dụng than giảm mạnh và gia tăng tỉ lệ sử dụng năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió trên bờ, so với Quy hoạch trước đó.
Đặc biệt, Quy hoạch này đề ra các mục tiêu nổi bật như phân bổ vốn đầu tư khoảng 15 tỷ USD cho phát triển lưới điện, khuyến khích sản xuất và tiêu thụ trực tiếp năng lượng mặt trời và thành lập hai trung tâm dịch vụ và sản xuất năng lượng tái tạo liên vùng để thúc đẩy nền kinh tế xanh của địa phương.
Giờ đây, Chính phủ đang xây dựng các khuôn khổ pháp lý và quy định cần thiết để đạt được những mục tiêu này.
Bên cạnh đó, bà Ramla Al Khalidi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phối hợp hiệu quả giữa Quy hoạch điện VIII với Chương trình quan hệ đối tác về chuyển dịch năng lượng nông bằng (JETP).
Chương trình JETP, với khoản cam kết trị giá 15,5 tỷ USD, là nỗ lực chung của Việt Nam và Nhóm các đối tác quốc tế (IPG) bao gồm Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Đan Mạch và Na Uy, và Liên minh tài chính Glasgow vì mục tiêu phát thải ròng bằng "0" (GFANZ).
Chương trình JETP bao gồm các mục tiêu đầy tham vọng về giảm phát thải khí nhà kính và sử dụng than trong sản xuất điện, những mục tiêu sẽ chỉ đạt được nếu tăng đầu tư đáng kể vào truyền tải, phân phối và lưu trữ cùng với thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo.
Chương trình JETP cũng kêu gọi bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương có thể gặp rủi ro trong quá trình chuyển đổi năng lượng, ví dụ như người lao động trong ngành công nghiệp và các nhóm thu nhập thấp bị ảnh hưởng bởi việc tăng giá năng lượng.
UNDP đang tích cực tham gia với Chính phủ trong việc phân tích tác động kinh tế và xã hội của quá trình chuyển đổi năng lượng, bao gồm cả việc xác định các nhóm và địa phương sẽ cần hỗ trợ công bổ sung, bà Ramla Al Khalidi chia sẻ./.
Thùy Dung