Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Một công chức đang giữ chức vụ Phó Trưởng phòng thuộc Sở, thời điểm bổ nhiệm vào tháng 2/2022, là Đảng viên chính thức vào tháng 1/2017. Tháng 12/2023, theo bản án của Tòa án nhân dân, công chức này bị phạt 2 năm tù cho hưởng án treo vì hành vi "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" và không bị hạn chế về quyền, nghĩa vụ và chức vụ cho hành vi vi phạm (áp dụng Điều 47, Điều 48 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, Khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015, Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015).
Bà Thu Nga hỏi, đối với công chức trên, theo bản án của Tòa án nhân dân và Luật Công chức hiện hành, công chức có bị bãi nhiệm chức vụ Phó Trưởng phòng thuộc Sở hay bị buộc thôi việc không? Tòa tuyên án đối với hành vi vi phạm trong hồ sơ vụ án tại thời điểm tháng 12/2017, công chức trên là chuyên viên. Thời điểm bổ nhiệm công chức cách thời điểm hành vi vi phạm là 5 năm (hành vi vi phạm chỉ bị án tù treo 2 năm, thời gian thử thách 4 năm).
Năm 2023, công chức trên tham dự thi nâng ngạch chuyên viên chính và có thông báo kết quả thi đạt vào tháng 11/2023. Như vậy, kết quả thi có được bảo lưu không?
Về vấn đề này, Bộ Nội vụ trả lời như sau:
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 79 Luật Cán bộ, công chức thì công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý phạm tội bị Tòa án kết án và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì đương nhiên thôi giữ chức vụ do bổ nhiệm.
Khoản 9 Điều 2 Nghị định số 112/2020/NĐ-CP (được bổ sung bởi Khoản 2 Điều 1 Nghị định số 71/2023/NĐ-CP) quy định, quyết định xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức có hiệu lực 12 tháng kể từ ngày có hiệu lực thi hành; đối với trường hợp bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức thì việc quy hoạch, bổ nhiệm ứng cử vào chức vụ cao hơn, bố trí công tác cán bộ áp dụng hiệu lực theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.
Chinhphu.vn