Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Về vấn đề này, Cục Đăng kiểm Việt Nam - Bộ Giao thông vận tải trả lời như sau:
Khoản 1 Điều 26 “Đăng kiểm phương tiện” của Luật Giao thông đường thủy nội địa năm 2004, được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 48/2014/QH13 ngày 17/6/2014 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa quy định:
“a) Khi đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi phương tiện phải có hồ sơ thiết kế được cơ quan đăng kiểm phê duyệt;
b) Trong quá trình phương tiện hoạt động phải chịu sự kiểm tra về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của cơ quan đăng kiểm Việt Nam; chịu trách nhiệm bảo đảm tình trạng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện theo các tiêu chuẩn quy định giữa hai kỳ kiểm tra”.
Điều 1.1.3 Chương 1 “Quy định chung”, Phần 1B “Quy định chung về phân cấp” của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Quy phạm phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa (Mã số đăng ký: Sửa đổi 1:2015 QCVN 72:2013/BGTVT) quy định:
“1.1.3 Khi có các tai nạn, khuyết tật hoặc hư hỏng bất kỳ có thể làm ảnh hưởng đến các điều kiện đã được dùng làm cơ sở để trao cấp tàu thì chủ tàu phải thông báo cho Đăng kiểm biết”.
Vì vậy, trường hợp phương tiện của ông Trần Tất Quyết được sửa chữa trong thời gian còn hạn đăng kiểm thì ông phải báo cơ quan Đăng kiểm. Căn cứ vào khối lượng sửa chữa cụ thể của phương tiện, nếu việc sửa chữa phương tiện ảnh hưởng tới tính an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện (tức là các điều kiện đã được dùng làm cơ sở để trao cấp tàu) thì cơ quan đăng kiểm sẽ hướng dẫn việc thực hiện và trình tự kiểm tra theo quy định hiện hành. Nếu phương tiện được sửa chữa nhỏ hoặc bảo dưỡng thường xuyên không làm ảnh hưởng tới tính an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thì không cần phải được cơ quan đăng kiểm kiểm tra.
Chinhphu.vn