• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Tuổi 20 ‘gác bút nghiên’ lên đường... chống dịch

(Chinhsphu.vn) - Chỉ sau 1 ngày Hải Dương công bố dịch COVID-19, hơn 600 sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương đã tình nguyện “tạm gác bút nghiên, tạm xa giảng đường” với chiếc balo trên vai lên đường vào “trận chiến” mới ở ngay tâm dịch.

26/02/2021 09:51

Lần đầu tiên ăn Tết xa nhà

Sinh viên ngành y tham gia khử khuẩn các tay nắm cửa ra vào, thu gom rác, thu gom quần áo của bệnh nhân, nhân viên y tế... Ảnh: VGP/Nhật Linh

Đã gần một tháng nay, Phạm Bích Phương (quê Tuyên Quang) và 18 bạn cùng lớp Điều dưỡng 11A tham gia chống dịch tại Bệnh viện dã chiến số 2, Bệnh viện Đại học Kỹ thuật y tế (ĐHKTYT) Hải Dương. Đây cũng là một cái Tết đặc biệt với Phương khi không được đón Tết ở quê nhà.

Đêm 30 Tết, ở ngay “mặt trận chống COVID”, Phương đón Giao thừa… online với cha mẹ, người thân qua màn hình điện thoại. Bạn không giấu được bùi ngùi khi thấy những giọt nước mắt của người mẹ thương con ở nơi xa.

Trước đó, ngày 28/1 (tức 16 tháng Chạp Canh Tý), nghe thông báo của trường kêu gọi sinh viên tình nguyện tham gia chống dịch, Phương cũng đắn đo vì đã chuẩn bị hết hành lý để về quê ăn Tết cùng gia đình. Thêm nữa, cô sinh viên điều dưỡng năm 3 này cũng có chút lo lắng với dịch bệnh lần này.

Nhưng rồi quyết định gác bỏ mọi phân vân, Phương đã gọi điện về nhà để thông báo với bố mẹ “con sẽ ở lại đây để góp sức chống dịch”. Thấu hiểu công việc của con nên bố mẹ Phương động viên con gái: “Đi đi con. Công việc của mình là giúp cộng đồng những lúc như thế này, hơn nữa, đấy cũng là nơi con đang sống, đang học tập. Con đừng lo lắng nhiều!”

“Đây chắc chắn là quyết định đúng đắn và tuyệt vời nhất ở tuổi 20 của em vì vừa được hỗ trợ Hải Dương chống dịch lại vừa được trải nghiệm thực tế, vừa có cơ hội học hỏi hiếm có. Chắc chắn em sẽ nhớ mãi những ngày tháng này”, Bùi Bích Phương chia sẻ.

Ngày 1/2 (tức 20 tháng Chạp), Phương bắt đầu nhận nhiệm vụ ở vị trí kiểm soát nhiễm khuẩn.

Phương cho biết những ngày đầu rất căng thẳng vì công việc dồn dập trong khi thiếu người làm và đây cũng là lần đầu tiên tham gia chống dịch nên ai cũng không tránh khỏi bỡ ngỡ; thêm nữa, việc mặc “đồ nghề” phòng hộ cùng khẩu trang N95 kín mít trong ca trực (ít nhất 8 tiếng đồng hồ) cũng gây cảm giác khó chịu vì chưa quen ngay được.

“Trước khi mặc bộ quần áo bảo hộ, chúng em còn hạn chế uống nước để… giảm tối đa việc vệ sinh cá nhân”, Phương chia sẻ.

Hằng ngày, nhóm Phương (gồm 4 người) làm công việc khử khuẩn các tay nắm cửa ra vào, thu gom rác, thu gom quần áo của bệnh nhân, nhân viên y tế… trong tòa nhà 5 tầng. Mỗi ngày mọi người đều bắt đầu từ 6h sáng và công việc chỉ kết thúc vào 20h. Còn các sinh viên nam đảm nhiệm công việc nặng hơn như pha thuốc, phun thuốc khử khuẩn, đẩy xe rác hay trực đêm.

Việc nhiều người ít nên cũng mệt nhưng ai xong việc trước cũng đều nán lại hỗ trợ những người chưa xong việc.

Kỷ niệm đẹp của tuổi 20

Sinh viên tình nguyện thực hiện pha chế thuốc, phun khử khuẩn trong khu vực Bệnh viện. Ảnh: VGP/Nhật Linh

Đây cũng là cái Tết xa nhà đầu tiên của Hoàng Mạnh Long (quê Hưng Yên), sinh viên năm 3 Khoa Điều dưỡng, Trường ĐHKTYT Hải Dương. Ngay khi thấy tình hình dịch bệnh đang căng thẳng, Long đã xung phong đi ngay.

“Mấy hôm đầu em thấy mệt vì phải chạy liên tục trong bộ đồ bảo hộ kín bưng, có lúc tưởng không thể thở vì khẩu trang dày cộp. Nhưng sau một tuần, em chỉ cần 3-5 phút là mặc xong đồ và có mặt tập trung”, Long chia sẻ.

Có buổi tối, khi mới vừa cầm bát cơm nhưng nhận được thông báo đón bệnh nhân là Long lập tức mặc đồ đi luôn. Pha thuốc, vác bình phun khử khuẩn xe đưa bệnh nhân vào, kiểm soát và thu gom rác thải của bệnh nhân là những công việc quen thuộc của chàng sinh viên năm 3 ở bệnh viện dã chiến.

Long kể, thời gian đầu, một số bạn cũng lo lắng nhưng thường xuyên tiếp xúc với nhiều “ca F0” nên dần thành quen.

Với Long hay những bạn sinh viên khi tham gia chống dịch, họ còn động viên nhau rằng trong trường hợp xấu nhất là bị nhiễm bệnh thì đã có các bác sĩ và “đồng nghiệp” ở ngay bệnh viện rồi. Ai cũng chỉ mong bệnh nhân được chữa trị khỏi bệnh.

Ngoài những giờ phút căng mình làm việc, các sinh viên còn chia nhau để có thể học online. Được hỏi có vất vả hơn so với đi học không, Long cười bảo “bọn em vất vả quen rồi, nghề này vẫn thế mà. Trước đây ở trên trường, chúng em sáng đi lâm sàng, chiều học, tối đi trực nên vào đây thấy cũng bình thường”.

Dịch bệnh xảy ra vào dịp Tết, thời điểm ai cũng muốn được trở về nhà đoàn tụ cùng người thân nhưng các chiến sĩ áo blouse trắng trẻ tuổi đã gác niềm riêng để phục vụ mục đích chung: Dập dịch!

Với những thanh niên 20 lần đầu “ra trận”, tránh sao khỏi cảm giác nhớ nhà. Có lúc nhìn ra không gian bên ngoài, các bạn muốn được đi chơi như những ngày thường. Nhưng những mong ước giản dị, thường nhật đó lúc này đã trở thành động lực để các bạn hăng hái góp sức chống dịch với quyết tâm sớm giúp đưa cuộc sống trở lại bình thường.

“Cuộc chiến đấu” với COVID của riêng các bạn sinh viên Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương đã gần tròn một tháng. Với  Bích Phương, Mạnh Long cũng như với tất cả những sinh viên khác tham gia chống dịch, tháng ngày này là kỷ niệm đẹp của lứa tuổi 20.

Nhật Linh