Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ảnh minh họa |
Nhìn lại một số hình thức tuyển sinh
So sánh với các quốc gia khác trên thế giới, ta có thể thấy lịch sử của công tác xét tuyển vào các trường đại học và cao đẳng Việt Nam đã chứng kiến hầu hết các hình thức xét tuyển phổ biến. Chúng ta đã từng chỉ xét tuyển dựa trên một số tiêu chí áp đặt không căn cứ vào năng lực học tập.
Kỳ thi vào các trường đại học và cao đẳng Việt Nam bắt đầu được tổ chức vào đầu những năm 1970. Việc tổ chức thi được tiến hành hoàn toàn giống kì thi 3 chung được vận hành trong thời gian gần đây. Điểm khác là kỳ thi đại học những năm này được tổ chức ngay tại địa phương, giúp cho học sinh và gia đình không phải đi xa, điều rất quan trọng đối với một quốc gia còn có nhiều khó khăn trong tổ chức giao thông thời chiến.
Đến cuối những năm 1980, chúng ta đã tổ chức xét tuyển dựa vào kết quả các kỳ thi tuyển sinh độc lập của các cơ sở giáo dục đại học. Tuy nhiên, vì chất lượng và tính khách quan của kỳ thi do các cơ sở giáo dục đại học tự tổ chức không được đảm bảo, kết quả thi chưa bảo đảm được tính so sánh, quy đổi giữa các trường cũng như chi phí đi lại của thí sinh còn cao so với mặt bằng chi tiêu của xã hội đã buộc ngành Giáo dục phải tổ chức lại kỳ thi thống nhất chung còn được biết dưới cái tên “ba chung”.
Ở thời điểm hiện nay, hình thức thi “ba chung” căn bản vẫn còn phù hợp khi chúng ta chưa có một hình thức tốt hơn để đánh giá kết quả hay năng lực học tập của thí sinh. Tuy nhiên, xét về lâu dài, trong bối cảnh chung của nền giáo dục đại học thì kỳ thi chung như hiện nay không hoàn toàn đáp ứng được các yêu cầu đánh giá năng lực thí sinh.
Khi các cơ sở giáo dục đại học đang có tới hàng trăm chương trình đào tạo (chuyên ngành) khác nhau, với các yêu cầu rất khác nhau về năng lực của người học, thì một kỳ thi chung với số lượng bài thi hạn chế, bó hẹp trong một số môn học chính của trường phổ thông đại trà, sẽ không đảm bảo được yêu cầu phân hóa trong đánh giá. Đó là chưa kể đến năng lực đa dạng của thí sinh cũng như sự phát triển không đồng đều về tâm lý, thể chất và cảm xúc của thí sinh dẫn đến kết quả của kỳ thi chung không phải lúc nào cũng phản ánh đúng thực lực của học sinh. Việc tổ chức một lần thi duy nhất trong năm cũng là rào cản đối với việc dự tuyển của thí sinh và tuyển sinh của các cơ sở giáo dục đại học.
Bên cạnh kỳ thi “ba chung”, chúng ta dự kiến cho phép các cơ sở giáo dục đại học được xây dựng phương án thi và tuyển sinh riêng. Đây là một ý tưởng tốt vì nó cho phép các nhà trường được thực thi quyền tự chủ tuyển sinh. Nhưng gắn kết kỳ thi riêng của các trường với kỳ thi chung của hệ thống ra sao là một vấn đề cần lưu ý. Với số thí sinh dự thi lên tới trên 800.000 như năm 2013 thì một trục trặc trong việc ghép nối kết quả giữa các trường có thể dẫn đến xáo trộn của hàng chục ngàn thí sinh.
Tách bạch khâu thi với xét tuyển
Trong tương lai, để các cơ sở giáo dục đại học thực sự đổi mới hoạt động tuyển sinh thì việc thi để có được kết quả đánh giá về học lực hay năng lực học tập của thí sinh cần được tách riêng với công tác xét tuyển. Việc tách khâu thi và tuyển sẽ làm giảm áp lực cho các cơ quan tham gia cũng như đối với thí sinh; góp phần nâng cao tính minh bạch trong xét tuyển, giảm bớt tiêu cực; tạo thuận lợi cho các cơ sở giáo dục đại học trong việc cân nhắc đưa ra các điều kiện xét tuyển.
Có thể trong những năm sắp tới, kỳ thi “ba chung” phải được mở rộng dần về số bài thi cũng như phạm vi kiến thức để có thể bao quát tốt hơn các yêu cầu về năng lực thí sinh rất đa dạng của các chương trình đào tạo hiện có trong trường đại học và cao đẳng.
Xa hơn nữa, Bộ GDĐT nên phát triển hệ thống tổ chức thi tuyển sinh hiện nay thành một cơ quan khảo thí tầm quốc gia, có trách nhiệm tổ chức các kỳ thi trắc nghiệm chuẩn hóa để tạo điều kiện cho tất cả mọi người, không chỉ học sinh tốt nghiệp THPT, có thể dễ dàng dự thi và có kết quả thi phù hợp nhất với các chương trình đào tạo mong muốn. Các kỳ thi trắc nghiệm này cần được tổ chức nhiều lần trong năm, ở các địa phương khác nhau để thí sinh có thể thi vào thời điểm thuận lợi nhất.
Nếu chúng ta có thể đổi mới công tác tuyển sinh đại học theo hướng dân chủ hóa, minh bạch hóa quá trình thi và tuyển thì chất lượng đầu vào của các chương trình đào tạo sẽ được nâng cao, nhu cầu học tập của xã hội sẽ được đáp ứng tốt hơn và người học cũng sẽ hài lòng hơn với sự lựa chọn của mình.
TS. Lê Đông Phương
(Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giáo dục đại học và nghề nghiệp,
Viện Khoa học giáo dục Việt Nam)