Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Trong quá trình thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia, dịch vụ công trực tuyến đang trở nên ngày càng quan trọng. Việc này không chỉ giúp tạo ra sự thuận tiện cho người dân, nhất là trong thời gian thiên tai, dịch bệnh, mà còn nâng cao hiệu quả và tính minh bạch trong việc quản lý của chính quyền. Chính phủ đề ra mục tiêu cung cấp 25 dịch vụ công trực tuyến thiết yếu vào năm 2025.
Tuy nhiên, theo Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), dịch vụ công trực tuyến vẫn là một điểm yếu của dịch vụ công ở Việt Nam. Theo kết quả PAPI năm 2022, chỉ có 4,85% người dân được hỏi từng lên trang cổng dịch vụ công trực tuyến quốc gia, trong đó chỉ hơn 1% sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Tại tỉnh Hà Giang, nơi có hơn 87% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số và có nhiều rào cản về tiếp cận, nhiều điểm lõm internet và gần 44% người dân chưa có điện thoại thông minh, việc đưa dịch vụ công trực tuyến đến với người dân trở nên thách thức hơn bao giờ hết.
Cuối năm 2021, tỉnh Hà Giang đã chủ động gửi đề án cải tiến dịch vụ công trực tuyến cho người dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở bốn xã thuộc hai huyện Bắc Quang và Xín Mần tới UNDP đề xuất hỗ trợ tài chính và kỹ thuật từ hợp phần Sáng kiến chính quyền vì người dân thuộc Chương trình nghiên cứu PAPI, từ nguồn tài trợ của Bộ Ngoại giao và Thương Mại Australia (DFAT).
Đề án của tỉnh Hà Giang hướng tới ba mục tiêu: (1) Đơn giản hóa quy trình một số thủ tục hành chính công để đưa lên dịch vụ công trực tuyến một phần và toàn trình; (2) đào tạo, tập huấn cho đội ngũ công chức cấp xã và tổ chuyển đổi số cộng đồng ở thôn, thôn bản; và (3) đưa dịch vụ công trực tuyến đến với cộng đồng dân cư tại các thôn, bản vùng sâu, vùng xã (dịch vụ công trực tuyến lưu động).
UNDP đã đồng hành với tỉnh Hà Giang quá trình thực hiện dự án này từ tháng 12 năm 2022 tới tháng 12 năm 2023.
Phát biểu tại buổi lễ, bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam, cho biết, những kết quả thu được sau hơn một năm thực hiện dự án là đơn giản hóa quy trình cho 10 thủ tục hành chính (TTHC) thiết yếu để đưa lên môi trường điện tử; nâng cao năng lực cho 20 công chức cấp xã và 100 thành viên các tổ chuyển đổi số cộng đồng, góp phần đưa dịch vụ công trực tuyến đến gần hơn với người dân.
"Tôi đã nghe những câu chuyện đầy cảm hứng về cách mà các nhóm hỗ trợ đưa dịch vụ công trực tuyến đến người dân trong làng và cách mà các nhóm hỗ trợ này kiên nhẫn hướng dẫn người dân làng sử dụng dịch vụ công trực tuyến theo yêu cầu. Nhờ vậy, người dân có thể nhanh chóng hoàn tất đơn đăng ký trực tuyến nhờ sự hướng dẫn tận tâm, kiên nhẫn và đồng cảm của các thành viên trong nhóm hỗ trợ tại các xã Tân Quang và Quảng Nguyên", bà Ramla chia sẻ thêm.
Chia sẻ về những kết quả tích cực của dự án, ông Hoàng Gia Long, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Giang cho biết, mô hình dịch vụ công lưu động được triển khai thực hiện và đem lại hiệu quả, bước đầu khắc phục được những khó khăn của người dân về thiếu thiết bị thông minh, về giao thông, ngôn ngữ, về chưa nắm rõ quy trình giải quyết TTHC trực tuyến; hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh từng bước được nâng cấp theo hướng thuận tiện, dễ sử dụng và dễ tiếp cận hơn.
"Tất cả những thay đổi trên đã mang lại cho người dân một trải nghiệm dịch vụ hành chính công tốt hơn và tiện lợi hơn. Qua triển khai dự án, chúng ta cũng rút ra được nhiều kinh nghiệm trong việc cung cấp Dịch vụ công thực chất hơn để kiển nghị với Chính phủ trong việc thực thi đơn giản hoá TTHC cung cấp dịch vụ công trực tuyến", ông Long chia sẻ.
Dự án này chỉ là những bước đầu của một chặng đường dài trong việc việc cải thiện điều kiện tiếp cận dịch vụ hành chính công cho người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Những kết quả tích cực mà dự án đã đem lại cần tiếp tục được chia sẻ và nhân rộng ra các địa phương khác trong toàn tỉnh, ông Long cho biết thêm.
Sáng kiến này chứng minh rằng nếu như tỉnh Hà Giang, nơi còn rất nhiều khó khăn về điều kiện kinh tế-xã hội, có thể làm được, thì các tỉnh khác cũng có thể làm được. Những bài học từ Hà Giang sẽ góp phần giúp Việt Nam đạt được mục tiêu trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ công trực tuyến./.
Thùy Dung