Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tham gia tăng trưởng xanh (TTX) có nhiều chủ thể, trong đó doanh nghiệp (DN) là một trong những chủ thể quan trọng nhất. Bởi vì để sản xuất-kinh doanh, DN phải xây dựng chiến lược phát triển nên việc nhận thức được vai trò của TTX tới sự phát triển bền vững của DN cũng như hiểu rõ vai trò của DN tới công cuộc TTX của đất nước sẽ giúp DN lồng ghép, định hướng các mục tiêu cho TTX vào quá trình phát triển của mình.
Do đó, có thể thấy cộng đồng DN đóng vai trò đặc biệt quan trọng và mang tính quyết định, bởi thông qua mô hình sản xuất kinh doanh tuần hoàn, bền vững, DN sẽ đóng góp đáng kể vào giảm phát thải carbon, hướng tới sản xuất-tiêu dùng xanh và mục tiêu phát thải ròng bằng "0".
Ứng phó với biến đổi khí hậu và TTX, bền vững là một trong những trọng tâm ưu tiên của Việt Nam. Việc phát huy vai trò của doanh nghiệp trong vấn đề này sẽ thúc đẩy Việt Nam sớm đạt được những mục tiêu đề ra.
Theo PGS.TS Ngô Văn Cẩm (Viện Quản trị và công nghệ FSB-Đại học FPT), khu vực công tiếp tục giữ vai trò chủ chốt trong việc khởi xướng, hỗ trợ và tạo điều kiện để TTX trở thành hiện thực. Điều đó được thể hiện qua các chính sách, chủ trương của Chính phủ Việt Nam trong suốt hơn 10 năm qua.
Bên cạnh đó, bằng các chính sách hỗ trợ, ưu tiên và khuyến khích, Chính phủ đã luôn coi trọng và nâng cao nâng cao vai trò của khu vực tư nhân, trong đó khối DN chính là nhân tố quan trọng.
Việt Nam là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu, cũng là nước đã tham gia công ước quốc tế về vấn đề này. Do đó, việc thúc đẩy các DN chủ động, tích cực tham gia ứng phó với biến đổi khí hậu là một trong những mối quan tâm hàng đầu của nhiều nhà quản lý.
Để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển xanh, Việt Nam đã xây dựng nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia liên quan đến vấn đề này. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 13.000 tiêu chuẩn quốc gia và gần 800 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia được xây dựng. Đặc biệt, trong số các tiêu chuẩn quốc gia, Việt Nam đã xây dựng được 750 tiêu chuẩn hướng tới thúc đẩy TTX.
Với sự ra đời và song hành của các tiêu chuẩn như trên, các doanh nghiệp có thể chủ động tham gia bảo vệ môi trường, đồng thời tối ưu hóa khả năng sản xuất, kinh doanh thông qua tiết kiệm nguyên-nhiên vật liệu, sử dụng nguyên vật liệu tái tạo, giảm khí nhà kính…
Đặc biệt, đối với các DN xuất khẩu, việc tuân thủ các quy định của thị trường xuất khẩu, bao gồm các quy định về môi trường và xã hội, là yêu cầu bắt buộc. Điều này đòi hỏi các DN hiểu rõ yêu cầu của thị trường và chuỗi cung ứng để thay đổi, điều chỉnh hoạt động đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Nhấn mạnh quan điểm cần nâng cao vai trò của đầu tư tư nhân đối với TTX, ông Nguyễn Hoa Cương, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phân tích, DN vừa là chủ thể, vừa là đối tác trong vấn đề nóng lên toàn cầu và ô nhiễm môi trường, suy thoái tài nguyên thiên nhiên. Điều cần thiết là tăng cường trách nhiệm xã hội của DN và làm rõ các chính sách của Nhà nước đối với thu hút và nâng cao vai trò của tư nhân với TTX.
Trên thực tế, nhiều DN trong nước đã và đang lấy kinh doanh xanh là chiến lược và lợi thế cạnh tranh cho mình. Từ việc sử dụng nguyên liệu thân thiện môi trường, ủng hộ các hoạt động trách nhiệm xã hội, đến đầu tư nghiêm túc vào những dây chuyền sản xuất giảm thiểu chất thải và khí thải. Việc phát huy vai trò của doanh nghiệp sẽ thúc đẩy Việt Nam sớm đạt được những mục tiêu về TTX, bền vững.
Có thể lấy Nestle' Việt Nam làm minh chứng cho ý thức trách nhiệm của DN tới chiến lược TTX của Việt Nam dưới góc độ của khối DN cũng như sự đóng góp của các chương trình, mục tiêu và hành động mà Nestle' Việt Nam đang triển khai tại Việt Nam.
Là DN gắn kết với ngành nông nghiệp (ngành có lượng khí thải nhiều nhất) nên Nestle' Việt Nam đã đặt mục tiêu phát triển bền vững với TTX làm trụ cột. Nestlé sẽ cùng các đối tác và người nông dân trồng cà phê ở khu vực Tây Nguyên triển khai trồng thí điểm các loại cây rừng và cây ăn quả ngay trên các nương rẫy cà phê theo mô hình nông lâm kết hợp/ trồng xen canh, hướng đến mục tiêu trồng khoảng 2,5 triệu cây trong giai đoạn năm 2023-2027. Khi được triển khai thành công và đạt được tổng số lượng cây trồng dự kiến, dự án không chỉ đem lại giá trị kinh tế cho người nông dân, mà còn góp phần hấp thu và lưu trữ khí CO2.
Chia sẻ về các mục tiêu của phát triển bền vững và TTX, ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam cho biết, trong lộ trình thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050 của Nestlé, giảm lượng khí thải từ nguyên vật liệu nông nghiệp thông qua việc áp dụng mô hình nông nghiệp tái sinh là một trong những điều quan trọng nhất mà Nestlé đang theo đuổi tại các thị trường.
Tại Việt Nam, nông nghiệp tái sinh được Nestlé thực hiện thông qua chương trình NESCAFÉ Plan và các sáng kiến hợp tác đa bên về nông nghiệp bền vững.
Thông qua chương trình NESCAFÉ Plan khởi xướng năm 2011, chương trình NESCAFÉ Plan đã gắn kết thành công với người nông dân khu vực Tây Nguyên, nâng cao chất lượng hạt cà phê Việt, áp dụng phương pháp canh tác bền vững, tái canh diện tích cây cà phê già cỗi, gia tăng thu nhập cho các nông hộ, đảm bảo sinh kế cũng như gia tăng quyền năng của các nữ nông dân.
Đồng thời, nông nghiệp tái sinh còn giúp cải thiện chất lượng và độ phì nhiêu của đất cũng như bảo vệ nguồn tài nguyên nước và đa dạng sinh học. Việc cải tạo chất lượng đất còn giúp tăng khả năng hấp thụ khí carbon vào đất, giảm phát thải. Chương trình đã giúp người nông dân tái canh 63.000 ha cà phê già cỗi, giảm 40% lượng nước tưới và 20% phân hóa học/ thuốc trừ sâu, tăng 30-100% thu nhập nhờ áp dụng mô hình xen canh hợp lý, và giảm lượng phát thải carbon trên mỗi kg cà phê được thu hoạch.
Bên cạnh đó, NESCAFÉ Plan còn giúp tri thức hóa người nông dân thông qua việc áp dụng chuyển đổi số trên chính rẫy cà phê của mình. Cụ thể, chương trình đã hỗ trợ phát triển và xây dựng công cụ quản lý nhật ký nông hộ (Digital Farmer Field Book - FFB), giúp người nông dân quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, kiểm soát chi phí và lợi nhuận, thay thế việc quản lý bằng giấy tờ. Đồng thời, tính toán được chi tiết phát thải carbon trên rẫy cà phê của mình.
Theo ông Binu Jacob, mô hình nông nghiệp tái sinh của Nestlé đã và đang được áp dụng thành công trong canh tác cây cà phê, và cũng có thể là giải pháp cho các ngành hàng khác trong lĩnh vực nông nghiệp. Thông qua Phiên họp toàn thể PSAV, Nestlé Việt Nam cũng khẳng định vai trò của mình đó là tiếp tục gia tăng giá trị nông sản, góp phần giúp Việt Nam trở thành trung tâm kết nối đổi mới sáng tạo lương thực thực phẩm của châu Á thay chỉ vì xuất khẩu sản phẩm thô, giá trị thấp.
Nhận thức được ý nghĩa và vai trò của phát triển bền vững, không chỉ tích cực tham ga vào các hoạt động chung của cả nước về bảo vệ mội trường mà trong quá trình hoạt động, kinh doanh, mà rất nhiều doanh nghiệp trong ngành bất động sản, du lịch cũng đã và đang đặt ta các mục tiêu phát triển bền vững, tăng trưởng xanh và bảo vệ môi trường, giảm rác thải trong các dự án, sản phẩm bất động sản của mình.
Có thể nói đến dự án Aqua City của Tập đoàn Novaland có quy mô 1.000 ha nằm ở phía đông TPHCM đã phát triển theo mô hình đô thị sinh thái thông minh. Với thiết kế là một môi trường sống xanh, cùng cơ sở hạ tầng và tiện nghi, sang trọng giữa bức tranh thiên nhiên của cỏ cây, sông nước mát lành.
Thừa hưởng điều kiện tự nhiên hiện hữu của một vùng đất 3 mặt giáp sông quy mô 1.000 ha, Aqua City được quy hoạch theo hướng sinh thái bền vững. Dự án dành đến 70% diện tích để phát triển mảng xanh, hạ tầng giao thông và tiện ích hiện đại nhằm mang đến cho cư dân một không gian sống tiện nghi, gần gũi với thiên nhiên tốt cho cả tinh thần lẫn thể chất
Tiếp đến có thể nói đến những nỗ lực cao của Tập đoàn Greenfeed, là DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp-thực phẩm (chịu ảnh hưởng rất lớn từ biến đổi khí hậu) đã có những kết quả ấn tượng trong bản vệ môi trường và TTX.
Theo thống kê năm 2022, Greenfeed đã giảm gần 9,2 tấn CO2 thải ra môi trường. Thành quả trên là nỗ lực từ việc sử dụng biomass cho lò hơi ở các nhà máy, kết hợp với lắp đặt biến tần, hệ thống tụ bù giúp giảm tổn thất điện năng, tiết kiệm nhiên liệu, cũng như triển khai hệ thống điện mặt trời áp mái tại các nhà máy và trại chăn nuôi.
Ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Phát triển bền vững, Greenfeed Việt Nam cho biết, Greenfeed đã chuyển đổi năng lượng được xác định thông qua việc đo lường cơ cấu tiêu thụ năng lượng và phát thải theo từng năm. Từ đó, Tập đoàn sẽ cân nhắc và đưa ra các sáng kiến phù hợp nhằm tăng tỉ trọng năng lượng tái tạo trong cơ cấu tiêu thụ.
Bên cạnh đó, việc đầu tư thay đổi công nghệ tiêu hao ít nhiên liệu hoặc sử dụng nguồn năng lượng xanh nhằm giảm phát thải và đưa phát thải về "0" là một hành trình dài, đòi hỏi nguồn lực và cam kết dài hạn của doanh nghiệp. Để hiện thực hóa cam kết này, doanh nghiệp cần đặt ra các kế hoạch cụ thể trong ngắn, trung và dài hạn, phù hợp với thực tế vận hành và tài chính của doanh nghiệp.
Hay một DN FDI có những cam kết mạnh mẽ trong phát triển bền vững tại Việt Nam là Tetra Pak lấy thông điệp "Bảo vệ những điều tốt đẹp", bao gồm thực phẩm, con người và trái đất, thể hiện cam kết đó qua việc xây dựng và vận hành nhà máy Tetra Pak tại Bình Dương. 100% vỏ hộp giấy cung cấp tại Việt Nam đều dán nhãn FSC của Hội đồng Rừng Thế giới, chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu khai thác từ nguồn rừng tái sinh có kiểm soát và được quản lý theo tiêu chuẩn chặt chẽ của quốc tế.
Bên cạnh đó, đã hợp tác với các tên tuổi lớn trong ngành bán lẻ như Aeon Mall, MM Mega Market để mở rộng mạng lưới thu gom vỏ hộp giấy tại các trung tâm mua sắm và siêu thị, đưa tổng số điểm thu gom vỏ hộp giấy lên đến 76 điểm trên toàn quốc.
Đặc biệt, hợp tác với Liên minh tái chế bao bì Việt Nam (PRO Vietnam) và tổ chức Circular Action để triển khai thí điểm mô hình thu mua vỏ hộp giấy đựng đồ uống tại TPHCM, từ tháng 8/2022 đến tháng 3/2023, với mục tiêu thu mua và tái chế hoàn toàn 3.000 tấn vỏ hộp giấy thành những sản phẩm hữu ích như bìa giấy nguyên liệu và mái lợp sinh thái…
Ông Lê Ngọc Ánh Minh-Chủ tịch CLB Hydrogen Việt Nam- ASEAN, Chủ tịch Điều hành Pacific Group (chuyên gia trong lĩnh vực phát triển bền vững và TTX) cho rằng, các DN cần nhận thức đầy đủ ý nghĩa, khái niệm của TTX để từ đó có thể xây dựng các chiến lược phát triển của DN mình một cách phù hợp, hiệu quả với cả tầm nhìn ngắn hạn và lâu dài.
Theo đó, phải hiểu rõ TTX không chỉ gói gọn ở việc sử dụng điện tái tạo, điện sạch hay tiết kiệm điện mà để TTX bền vững thì các ngành giao thông, xây dựng, sản xuất phải được hướng dẫn và thực hiện các quy định về khí thải trực tiếp (như ngành giao thông) hoặc gián tiếp (như ngành sản xuất sản xuất ra vật liệu hay sản phẩm bảo vệ môi trường, hạn chế ô nhiễm trong quá trình hình thành nên vật liệu hay sản phẩm). Theo đó, các DN lớn phải đi đầu và lan tỏa thông điệp tích cực về TTX.
Có thể ví dụ đến một DN lớn như VinBus vào tháng 3/2022 đã khai trương xe buýt điện tại Hà Nội và sau đó là TPHCM. Các tuyến buýt VinBus xe đẹp, tiện nghi, dịch vụ nhã nhặn và không phát thải. Hơn 1 năm sau đó, tháng 4/2023, Vingroup khai trương taxi điện GreenCar với 500 xe. Khi khai trương và vận hành, VinBus và GreenCar đã chuyển tải thông điệp xanh, bền vững rất năng động và tích cực và được cộng đồng hưởng ứng mạnh mẽ.
Minh Thi