Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
![]() |
Ảnh minh họa |
Toàn cầu hoá thúc đẩy hội nhập văn hoá diễn ra mạnh mẽ và rộng khắp. Sự tác động qua lại và chuyển giao văn hoá này có ảnh hưởng rất đáng kể tới phong cách sống của con người và tới cả sự sáng tạo văn hoá của đất nước ta.
Nhận thức và ý thức của chúng ta về bảo tồn các di sản văn hoá và bản sắc, bảo vệ sự đa dạng văn hoá của mình trong một thế giới toàn cầu hoá về kinh tế và công nghệ đã và đang được nâng cao một cách rõ rệt, nhằm bảo vệ ngày càng tốt hơn sự sáng tạo văn hoá của đất nước trước sự ảnh hưởng và tác động của quá trình này.
Trong sự tác động và ảnh hưởng của kinh tế thị trường, của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, trên đất nước ta cũng đã và đang ra đời những hình thức mới của sự sáng tạo văn hoá: Sản xuất văn hóa, công nghiệp văn hóa và thị trường văn hóa. Qua đó tác động đa chiều tới cả sự sáng tạo cá nhân lẫn sự hưởng thụ của đông đảo nhân dân.
Tuy nhiên, nền công nghiệp văn hóa vốn coi trọng lợi ích kinh tế thì sẽ có một áp lực không thể tránh khỏi giữa một bên là những mục tiêu văn hóa cơ bản nhất và một bên là tính chất thị trường hoặc giữa một bên là những quan tâm có tính thương mại và một bên là mong muốn một nội dung phản ánh được sự phong phú, đa dạng của văn hóa. Do đó, trong văn hóa càng bộc lộ những xu hướng biến đổi phức tạp và những diễn biến vượt tầm kiểm soát.
Ví dụ, trong quá trình hội nhập mạnh mẽ ấy, đã có cơ hội cho sự du nhập những tư tưởng, lối sống phương Tây đang gây ra những tác động đa chiều trong đời sống tinh thần, đạo đức xã hội, dẫn đến những biểu hiện mơ hồ trong tư tưởng nhận thức ở một bộ phận văn nghệ sĩ.
Trong bối cảnh đó, khuynh hướng chủ đạo của văn hóa nước nhà vẫn kiên trì quan điểm bảo vệ độc lập tự chủ, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam đồng thời với việc xác lập tính chất song hành giữa cá tính sáng tạo và trách nhiệm xã hội của giới nghệ sĩ mỹ thuật trong cơ chế thị trường. Đồng thời chấp nhận khuynh hướng đa dạng hoá văn hóa nghệ thuật.
Những đổi mới quy trình sáng tạo văn hoá cũng đòi hỏi đổi mới thể chế và chính sách văn hoá ở nước ta. Và chính sách văn hóa Việt Nam trong gần 30 năm đổi mới đã thể hiện rõ việc kế thừa các nhân tố tích cực, hợp lý trong thể chế văn hóa giai đoạn trước đây với việc tìm tòi, vận dụng những hình thức, phương pháp quản lý sản xuất, phổ biến và tiêu thụ văn hóa mới... trong điều kiện cơ chế thị trường và mở rộng giao lưu quốc tế.
Sự đổi mới chính sách văn hóa diễn ra trên nhiều phương diện: xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về văn hóa; phương thức hoạt động, phương thức sản xuất kinh doanh của các đơn vị sự nghiệp văn hoá, các DN và các cá nhân hoạt động văn hóa; hoạt động tự quản về văn hóa của các cộng đồng dân cư và phát huy vai trò của các tổ chức kinh tế, chính trị, xã hội, nghề nghiệp và cá nhân trong hoạt động văn hóa (xã hội hóa hoạt động văn hóa); xây dựng các thiết chế văn hoá ở Trung ương và địa phương.
Chính sách văn hoá dần dần và cần phải trở thành công cụ cho sự phát triển, mở rộng mọi nguồn lực vào phát triển văn hoá của đất nước, trong đó phát triển con người là nhiệm vụ hàng đầu và trung tâm, nhằm đáp ứng nguồn nhân lực cho thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và chủ động hội nhập quốc tế. Trong đó hiện thực hóa được những tư tưởng cơ bản trong các nghị quyết của Đảng về văn hóa.
Một chính sách văn hóa tốt và có hiệu lực xã hội rộng lớn phải làm sao cho sự phát triển văn hoá thấm sâu vào tâm hồn và đánh thức tiềm năng của con người, cộng đồng. Muốn đạt được mục tiêu cao cả đó chúng ta cần đổi mới tư duy văn hóa, biến nó thành nguồn lực nội sinh của quá trình phát triển kinh tế-xã hội.