Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Trong đó, Nghị định số 57/2023/NĐ-CP ngày 11/8/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 49/2019/NĐ-CP ngày 06/6/2019 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Công an nhân dân.
Theo đó, bổ sung Điều 2a về xét thăng cấp bậc hàm cấp tướng trước thời hạn theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân.
Bổ sung Điều 3a về hạn tuổi phục vụ cao nhất của nữ sĩ quan Công an nhân dân có cấp bậc hàm Thượng tá, Đại tá; nam sĩ quan Công an nhân dân có cấp bậc hàm Đại tá, cấp tướng; công nhân công an theo quy định tại điểm b khoản 5, khoản 6 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân.
Sửa đổi điểm b khoản 1 Điều 12 về điều kiện tuổi nghỉ hưu của công nhân công an trong trường hợp thay đổi tổ chức biên chế.
Sửa đổi khoản 3 Điều 14 về thời gian kéo dài hạn tuổi phục vụ của sĩ quan Công an nhân dân là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia cao cấp.
Nghị định số 58/2023/NĐ-CP ngày 12/8/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quy hoạch.
Trong đó, quy định chi tiết việc huy động và sử dụng nguồn lực của các tổ chức, cá nhân hỗ trợ cho hoạt động quy hoạch, bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch và tuân thủ quy định của Luật Quy hoạch về trình tự, thủ tục lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố, điều chỉnh quy hoạch và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan tới trách nhiệm, thẩm quyền của các cơ quan lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, bảo đảm độc lập giữa các cơ quan, đề cao trách nhiệm của từng cấp, phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch, các luật có liên quan đến quy hoạch, Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương và bảo đảm tính công khai, minh bạch; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính.
Sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan tới nâng cấp đồng bộ hóa hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quy hoạch quốc gia, thống nhất công nghệ, định dạng dữ liệu về quy hoạch; cập nhật, chia sẻ thông tin.
Nghị định số 59/2023/NĐ-CP ngày 14/8/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Nghị định gồm 6 Chương, 31 điều quy định về việc tổ chức cuộc họp của cộng đồng dân cư; việc phát phiếu lấy ý kiến của hộ gia đình; việc biểu quyết trực tuyến tại thôn, tổ dân phố; quy trình bầu, cho thôi làm Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố; hội nghị định kỳ của cộng đồng dân cư; tổ chức và hoạt động của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng; tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn; ở cơ quan, đơn vị và ở doanh nghiệp nhà nước.
Nghị định số 61/2023/NĐ-CP ngày 16/8/2023 của Chính phủ về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư.
Về công nhận hương ước, quy ước, thay đổi thẩm quyền công nhận từ UBND cấp huyện xuống UBND cấp xã, bổ sung làm rõ trình tự, thủ tục công nhận, hồ sơ đề nghị công nhận kèm theo các mẫu tại Phụ lục. Lý do cập nhật quy định tại các Điều 20 và 21 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, đưa quy định về trình tự, thủ tục tại Thông tư số 04/2020/TT- BVHTTDL lên Nghị định để thống nhất, chặt chẽ hơn.
Nghị định số 66/2023/NĐ-CP ngày 24/8/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 54/2018/NĐ-CP ngày 16/4/2018 của Chính phủ hướng dẫn việc lấy ý kiến cử tri về thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính.
Trong đó, bổ sung phạm vi cử tri được lấy ý kiến bao gồm cả những người đăng ký tạm trú từ 06 tháng trở lên để bảo đảm đối tượng được lấy ý kiến là những cử tri có đủ thời gian sinh sống lâu dài (từ 06 tháng trở lên) cũng chịu tác động, ảnh hưởng trực tiếp của việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính và phù hợp với quy định mới của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Luật Cư trú, Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15 và Nghị định số 94/2022/NĐ-CP nêu trên.
Tuy nhiên, việc bổ sung phạm vi cử tri này có thể dẫn đến trường hợp cử tri được lấy ý kiến 02 lần đối với cùng 01 đề án thành lập, giải thể, nhập, điều chỉnh địa giới của 01 đơn vị hành chính.
Vì vậy, để tránh trùng lặp và ảnh hưởng đến tính chính xác của kết quả lấy ý kiến cử tri, dự thảo Nghị định quy định: “Trường hợp cấp có thẩm quyền tổ chức lấy ý kiến việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đối với cùng 01 đơn vị hành chính ở cả nơi cử tri đăng ký thường trú và đăng ký tạm trú từ 6 tháng trở lên thì cử tri chỉ được ghi tên vào danh sách cử tri ở nơi mình đăng ký thường trú”.
Bổ sung quy định những trường hợp không được ghi tên vào danh sách cử tri, gồm: Người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, người bị kết án tử hình đang trong thời gian chờ thi hành án, người đang chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo, người mất năng lực hành vi dân sự để phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 30 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
Ngày 17/8/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù.
Về mức vốn cho vay, đối với vay vốn để đào tạo nghề, mức vốn cho vay tối đa là 04 triệu đồng/tháng/người chấp hành xong án phạt tù.
Đối với vay vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm:
- Người chấp hành xong án phạt tù: Mức vốn cho vay tối đa là 100 triệu đồng/người chấp hành xong án phạt tù.
- Cơ sở sản xuất kinh doanh: Mức vốn cho vay tối đa là 02 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng/người lao động tại cơ sở sản xuất kinh doanh.