Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Vận hành thông suốt, hiệu quả mô hình chính quyền địa phương 02 cấp
Phó Thủ tướng yêu cầu người đứng đầu bộ, ngành, địa phương và đồng chí lãnh đạo được giao phụ trách chịu trách nhiệm toàn diện trước Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo của Chính phủ trong việc bảo đảm thống nhất, đồng bộ, liên tục, ổn định, bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin, an ninh mạng của các hệ thống công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu.
Vận hành thông suốt, hiệu quả của chính quyền địa phương 02 cấp từ ngày 01 tháng 7 năm 2025, không để xảy ra tình trạng tắc nghẽn, gián đoạn, ảnh hưởng đến hoạt động công vụ, giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp. Kịp thời tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc, khắc phục ngay các sự cố (nếu có); bảo đảm đầy đủ nguồn lực (nhân lực, kinh phí) để phục vụ vận hành chính quyền địa phương 02 cấp thông suốt, hiệu quả.
Về thể chế, cơ chế chính sách, Phó Thủ tướng yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiện toàn Ban Chỉ đạo về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06 sau khi sắp xếp đơn vị hành chính, bảo đảm tiếp tục chỉ đạo và triển khai có hiệu quả các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư Tô Lâm và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06, hoàn thành chậm nhất trước ngày 10 tháng 7 năm 2025.
Rà soát, kịp thời điều chỉnh, hoàn thiện các quy chế, quy định liên quan đến tổ chức thực hiện nhiệm vụ công vụ; tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính; quản lý, vận hành và bảo đảm an ninh an toàn các hệ thống thông tin sau khi sắp xếp đơn vị hành chính, bảo đảm thống nhất triển khai trong toàn tỉnh.
Về hạ tầng kỹ thuật, công nghệ, an toàn thông tin, an ninh mạng, Phó Thủ tướng yêu cầu Ban Cơ yếu Chính phủ phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cập nhật, thay đổi thông tin chứng thư chữ ký số chuyên dùng theo yêu cầu của cán bộ, công chức, cơ quan, đơn vị.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, các doanh nghiệp công nghệ bố trí đủ hạ tầng và các trang thiết bị công nghệ để khai thác, sử dụng, vận hành các hệ thống công nghệ thông tin ổn định, thông suốt, an toàn; phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ để bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng cho các hệ thống công nghệ thông tin và các thiết bị đầu cuối, có phương án ứng phó và khắc phục các sự cố (nếu có); thành lập các Tổ Công tác (thành phần bao gồm Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ, Lãnh đạo Công an tỉnh, và các cơ quan, đơn vị liên quan) để giám sát, ứng cứu và khắc phục các sự cố an toàn thông tin, an ninh mạng các hệ thống phục vụ chỉ đạo điều hành, giải quyết thủ tục hành chính theo mô hình chính quyền địa phương 02 cấp.
Các Tập đoàn, Công ty công nghệ hỗ trợ mở rộng băng thông, đường truyền cho các hệ thống công nghệ thông tin, bảo đảm việc vận hành với lưu lượng có khả năng tăng đột biến khi sắp xếp đơn vị hành chính, thực hiện mô hình chính quyền địa phương 02 cấp và kịp thời điều chỉnh theo nhu cầu.
Về công tác bảo đảm thông tin, dữ liệu, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành việc chuyển đổi, điều phối dữ liệu trên các Hệ thống của các tỉnh trước sáp nhập, bảo đảm đầy đủ, chính xác phục vụ công tác quản lý, điều hành, giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, hoàn thành trước ngày 5 tháng 7 năm 2025; hoàn thành bàn giao hồ sơ, số hoá 100% kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn hiệu lực của chính quyền cấp huyện để tái sử dụng thông tin, dữ liệu, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Ủy ban nhân dân 4 tỉnh (Bắc Ninh, Lào Cai, Vĩnh Long, An Giang) hoàn thành việc điều chỉnh, kết nối với hệ thống đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung của Bộ Tư pháp, bảo đảm việc thực hiện nhiệm vụ công vụ và giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp trong lĩnh vực hộ tịch thông suốt, hiệu quả, không gián đoạn, hoàn thành chậm nhất trong ngày 01 tháng 7 năm 2025.
Ủy ban nhân dân 15 tỉnh, thành phố (thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Bắc Ninh, Ninh Bình, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Nghệ An, Quảng Trị, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Khánh Hòa, Gia Lai, Vĩnh Long, An Giang) khẩn trương hoàn thành việc điều chỉnh, kết nối với phần mềm dịch vụ công liên thông để thực hiện liên thông 02 nhóm thủ tục hành chính về đăng ký khai sinh, khai tử theo Nghị định số 63/2024/NĐ-CP của Chính phủ, hoàn thành chậm nhất trong ngày 01 tháng 7 năm 2025.
Về các nền tảng, ứng dụng phục vụ người dân, doanh nghiệp và hoạt động chỉ đạo, điều hành, Phó Thủ tướng giao Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
Đối với hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính: Nâng cấp, đáp ứng yêu cầu số hóa, thực hiện thủ tục hành chính không phụ thuộc địa giới hành chính và đóng giao diện Cổng Dịch vụ công cấp tỉnh; cập nhật dữ liệu về thông tin tài khoản, điều chỉnh quy trình điện tử, quy trình nội bộ trên Hệ thống; tiếp tục chỉnh sửa, kết nối hệ thống với cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành do bộ, ngành quản lý (hộ tịch điện tử, dân cư, doanh nghiệp, lý lịch tư pháp, đất đai, thuế, kho bạc, bảo hiểm…), bảo đảm phù hợp với sắp xếp đơn vị hành chính và mô hình chính quyền 02 cấp.
Đối với hệ thống Quản lý văn bản và điều hành: phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ cập nhật mã định danh cơ quan, tổ chức trên Trục liên thông văn bản quốc gia, bảo đảm việc gửi, nhận văn bản điện tử liên tục, thông suốt giữa các cấp hành chính; đồng bộ danh mục mã định danh cơ quan, tổ chức mới nhất trên Trục liên thông văn bản quốc gia; thường xuyên theo dõi, khắc phục các vấn đề phát sinh trong quá trình gửi, nhận văn bản điện tử trước và sau ngày 01 tháng 7 năm 2025.
Chủ động rà soát, đánh giá hiệu quả việc triển khai Trung tâm điều hành thông minh (IOC) để có phương án khai thác, sử dụng hiệu quả.
Về nguồn lực, Phó Thủ tướng giao Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành việc bố trí trụ sở, trang thiết bị, phân công lãnh đạo, bố trí nhân lực, hệ thống hạ tầng mạng đáp ứng yêu cầu Nghị định số 118/2025/NĐ-CP bảo đảm giải quyết thủ tục hành chính bao gồm cả trực tiếp, trực tuyến và hoàn thành 100% thủ tục hành chính phi địa giới hành chính phạm vi cấp tỉnh trong năm 2025; nâng cao chất lượng phục vụ và năng suất lao động; tận dụng các trụ sở hiện có sau sáp nhập. Bảo đảm bố trí đầy đủ kinh phí triển khai nâng cấp các hệ thống thông tin; huy động sự tham gia của các tổ chức đoàn thể, cộng đồng đặc biệt duy trì hiệu quả hoạt động của các "Tổ Công nghệ số cộng đồng" để hỗ trợ cán bộ, công chức bộ phận một cửa trong quá trình hướng dẫn, hỗ trợ người dân thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến. Tập huấn, bồi dưỡng về chuyển đổi số theo hướng thực chiến cho công chức, tập trung vào kỹ năng vận hành các hệ thống cụ thể và việc xử lý các quy trình, nghiệp vụ mới. Rà soát, kịp thời khắc phục các hạn chế, bất cập của các hệ thống thông tin phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành và phục vụ người dân, doanh nghiệp khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 02 cấp và triển khai Cổng Dịch vụ công quốc gia trở thành điểm "một cửa số" tập trung, duy nhất.
Bộ Tài chính ban hành các Thông tư, văn bản hướng dẫn cụ thể về cơ chế tài chính, ngân sách, quy trình đầu tư công và mua sắm tài sản công đối với các đơn vị hành chính mới thành lập, sáp nhập; đề xuất cơ chế chính sách hỗ trợ các xã vùng sâu, vùng xa, hải đảo khắc phục tình trạng lõm sóng và thiếu trang thiết bị phục vụ công việc.
Các doanh nghiệp triển khai các hệ thống cho các địa phương tiếp tục bố trí nhân sự hỗ trợ trực tiếp tại cơ sở cho cán bộ công chức và người dân sử dụng các hệ thống trước và sau ngày 01 tháng 7 năm 2025.
Về công tác kiểm tra, Phó Thủ tướng yêu cầu thành lập các đoàn công tác do Bộ Công an hoặc Bộ Khoa học và Công nghệ làm trưởng đoàn kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch số 02-KH/BCĐTW ngày 19 tháng 6 năm 2025 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại các Nghị quyết, Công điện, Thông báo kết luận. Đề nghị các địa phương kết nối với Hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ Chính phủ số theo quy định tại Nghị định số 42/2022/NĐ-CP. Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổng hợp các kiến nghị, phản ánh của người dân, doanh nghiệp thông qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia và VNeID, cùng kết quả xử lý từ các bộ, ngành, địa phương.
Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan truyền hình, thông tấn, báo chí đẩy mạnh truyền thông về việc thực hiện mô hình chính quyền địa phương 02 cấp, bảo đảm thông suốt, hiệu quả, không gián đoạn.
Tuyết Thư